Gia nhập WTO trong năm nay: Việt Nam vẫn còn cơ hội

Gia nhập WTO trong năm nay: Việt Nam vẫn còn cơ hội
TPO – Đây là nhận định của Tiến sĩ Markus Cornaro, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong về khả năng gia nhập WTO trong năm nay của Việt Nam.

Có một số ý kiến cho rằng Việt Nam khó, thậm chí chưa thể gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm nay, ông đánh giá thế nào về điều này?

Đúng là gần đây có nhiều dự đoán khác nhau về khả năng Việt Nam gia nhập WTO, nhưng theo tôi thì vẫn còn cơ hội.

Tất nhiên, nếu muốn gia nhập trong năm 2006, thì Việt Nam phải hoàn tất các công việc, các tài liệu vào ngày 26/10 tới tại Geneve (Thụy Sĩ) với việc gặp gỡ các tổ công tác đa phương về đàm phán WTO.

Theo tôi, cũng như nhận định chung của Liên minh châu Âu (EU), thì hiện không còn những vấn đề lớn tồn tại cản trở việc Việt Nam gia nhập WTO. Nếu có chỉ là những vấn đề nhỏ thôi, mang tính hành chính chứ không phải mang tính nội dung nữa.

Cũng cần lưu ý một điều đó là những việc nhỏ này Việt Nam cần phải hoàn tất vào cuối tháng 10 này, trong đó có việc Việt Nam phải thu xếp được tất cả các con số, những dòng thuế, hay những thỏa thuận nhỏ giữa Việt Nam với các đối tác khác nhau được tập hợp vào trong một văn bản duy nhất.

Tuy nhiên việc hoàn tất văn bản cuối cùng giữa các bên đa phương tại Geneve liên quan đến Việt Nam gia nhập WTO có nhiều khả năng sẽ hoàn tất trước Hội nghị APEC, được tổ chức vào tháng 11/2006 tại Hà Nội.

Một yếu tố nữa Việt Nam cần có là Mỹ phải trao quyền Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho các bạn, điều này gắn chặt với việc có hay không Mỹ chấp thuận và ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO.

Vậy ông dự đoán thế nào về khả năng gia nhập WTO của Việt Nam?

Như tôi đã cập tới là hoàn toàn phụ thuộc vào cách thức Việt Nam đo lường tính toán ra làm sao, nhưng tôi tin rằng tất cả những văn bản còn lại sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.

Và vấn đề nữa, như tôi đã nói ở trên còn hai yếu tố là phía Mỹ có sẵn sàng và thực hiện việc xóa bỏ nốt cản trở cuối cùng cho Việt Nam gia nhập WTO hay không; và liệu Quốc hội Việt Nam có đủ thời gian họp, thảo luận và thông qua các văn bản cam kết hay không.

Và trong 2 khía cạnh trên, tôi không muốn đưa ra bất kỳ dự đoán nào.

Về phía EU, chúng tôi cũng phải trình văn bản cuối cùng liên quan đến việc gia nhập WTO của Việt Nam. Đó là văn bản mà chúng tôi đạt được sự thỏa thuận tại Geneve và phải trình lên Hội đồng các bộ trưởng của EU.

Chúng tôi luôn có xu hướng làm vấn đề này thật nhanh, và sẵn sàng cho các thủ tục được tiến hành, nhưng để thủ tục đó nhanh nhất đi nữa cũng cần phải có thời gian.

Ông đánh giá thế nào về ý kiến của một số chuyên gia về những bất lợi mà Việt Nam có thể gặp phải nếu chưa kịp gia nhập WTO trong năm nay?

Tôi cho rằng tác động bất lợi đối với Việt Nam, về lý thuyết, là có nhưng sẽ không lớn. Về phía EU mà nói, chúng tôi luôn hy vọng Việt Nam sẽ kết thúc việc gia nhập WTO vào cuối năm nay.

Điều này có lý do là giữa Việt Nam và EU đã ký kết một hiệp định tiếp cận thị trường vào năm 2005 nhưng hiệp định này chỉ có giá trị trong năm 2005 và 2006. Nếu cuối năm nay Việt Nam không kịp gia nhập WTO thì hiệp định này sẽ không còn tác dụng và cả Việt Nam và EU đều bị mất quyền lợi.

Điều quan trọng mà tôi muốn lưu ý, đó là những cộng đồng doanh nghiệp và ngành liên quan cần phải biết những cam kết cụ thể của Việt Nam khi gia nhập WTO để có những điều chỉnh, chuẩn bị phù hợp.

Một trong những ngành cần lưu ý là hải quan. Họ cần biết trong tương lai những dòng thuế nào sẽ bị cắt giảm để có sự ứng phó một cách thích ứng nhất. Điều này là do dù Việt Nam có gia nhập vào tháng 10, tháng 11, tháng 12 hay là sang năm đi nữa thì bản chất của những cam kết vẫn không thay đổi.

Về ý kiến cá nhân, để có thể gia nhập WTO nhanh hơn vào năm sau, trong trường hợp bị lỡ nhịp trong năm nay, Việt Nam cần phải làm những gì?

Theo tôi, để có thể gia nhập WTO nhanh hơn nữa, trong trường hợp bị lỡ nhịp trong năm nay, thì trước tiên Việt Nam phải thu xếp để hoàn tất trong thời gian sớm nhất tất cả các văn bản và những thủ tục hành chính cần thiết. Việc chuẩn bị này, dù chỉ là một trong những yếu tố nhỏ, nhưng cũng rất cần phải chú ý.

Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam phải họp và thông qua tất cả những văn bản pháp lý mà Việt Nam đã cam kết với các đối tác trong những cuộc đàm phán song phương và đa phương.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG