Gia nhập WTO, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP trên 10%/năm

Gia nhập WTO, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP trên 10%/năm
TP - Đó là nhận định của PGS-TSKH Võ Đại Lược - Giám đốc Trung tâm kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc trao đổi với Tiền phong về viễn cảnh Việt Nam sau khi vào “chợ thế giới”.
Gia nhập WTO, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP trên 10%/năm ảnh 1

Gia nhập WTO đòi hỏi hệ thống tài chính ngân hàng phải minh bạch (Trong ảnh: Hoạt động kế toán kiểm soát  tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)                                            Ảnh: Phạm Yên

Ông Võ Đại Lược nói: Dự kiến tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn bộ văn kiện Việt Nam (VN) gia nhập WTO.

Vì chúng ta đã kết thúc đàm phán nên không thể chỉnh sửa được các nội dung trong bộ văn kiện, như vậy Quốc hội chỉ có thể phê chuẩn hay không phê chuẩn bộ văn kiện này và dĩ nhiên khả năng Quốc hội sẽ phê chuẩn là rất rõ ràng.

Vấn đề còn lại, với tư cách cử tri, tôi nghĩ rằng Quốc hội cần chất vấn và giám sát kế hoạch mà Chính phủ và các bộ, ngành đề ra để thực hiện các cam kết song phương cũng như đa phương khi gia nhập.

Cần nói thêm rằng, việc giám sát VN thực hiện các cam kết trong WTO, còn được thực hiện hàng năm bởi bộ phận kiểm tra thuộc WTO, bên cạnh đó các nước có nhiều liên quan đến “chuyện làm ăn” với VN trong WTO cũng có thể tự lập các đoàn kiểm tra vào VN.

“Được gì, mất gì”?

Sau 11 năm đàm phán cam go, VN mới có đủ tư cách để WTO kết nạp là thành viên vào đầu tháng 11 tới đây, ông có bình luận gì?

Tôi cho rằng quá trình đàm phán như vậy là quá dài. Nước láng giềng Trung Quốc (TQ) cũng mất tới 15 năm đàm phán mới vào được WTO, giới quan sát đã bình luận rằng, vấn đề ở chỗ mới đầu TQ không thực sự hiểu WTO cũng như các đối tác đàm phán.

Dễ dàng nhận thấy đàm phán gia nhập WTO của cả VN và TQ đều chỉ đi vào thực chất trong những năm cuối cùng.

Càng kéo dài đàm phán thì các cam kết để được vào WTO của TQ càng cao hơn, và VN cũng không phải là một ngoại lệ. Tôi nhớ ở bản chào đầu tiên, ta đưa ra mức thuế bình quân là 36%, nhưng đến nay chỉ còn dưới 20%, cộng thêm nhiều nhượng bộ như mở cửa hầu hết lĩnh vực dịch vụ...

Ông đánh giá gì về những tác động có thể đến do chúng ta đã nhượng bộ?

Việc các đối tác đàm phán yêu cầu chúng ta phải giảm bảo hộ, mở cửa thị trường, cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ..., là xuất phát từ lợi ích của cả hai bên. Vì sao?

Vì nếu như đứng về lợi ích của những ngành kinh tế được bảo hộ cao ở VN lâu nay, thì người ta sẽ cảm thấy thiệt thòi lớn khi VN có nhượng bộ trên bàn đàm phán, nhưng đứng về lợi ích tổng thể của quốc gia thì hoàn toàn ngược lại, lấy ví dụ đơn giản là vào WTO sẽ phải giảm thuế nhập khẩu xi măng, khi đó chỉ có mấy chục ngàn người trong ngành này chịu thiệt, nhưng hàng chục triệu dân trong đó có hàng triệu người trong các ngành sản xuất có sử dụng xi măng sẽ được lợi.

Về mặt kinh tế, tự do hóa thương mại là hoàn toàn có lợi.

Như vậy ông cho rằng gia nhập WTO chúng ta sẽ “được nhiều hơn mất”?

“Được gì mất gì” tuỳ thuộc vào chính sách của quốc gia chứ không phải tuỳ thuộc hoàn toàn vào hội nhập.

Vào WTO, VN chỉ phải giảm thuế, mở cửa thị trường theo lộ trình 3 đến 5 năm, nhưng các nước phát triển là thành viên WTO thì không có lộ trình như vậy mà phần lớn họ giảm thuế và mở cửa ngay cho VN, như vậy “hậu” WTO thị trường trong nước sẽ chưa có ngay các biến động lớn nhưng thị trường bên ngoài lại được mở rộng, đó là điều chúng ta có thể tận dụng.

Gia nhập WTO, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP trên 10%/năm ảnh 2
PGS -TSKH Võ Đại Lược

Có thị trường sẽ có đầu tư

Tuy thị trường bên ngoài mở rộng, nhưng DN VN với tiềm lực kinh tế nhỏ bé thì làm sao cạnh tranh và thâm nhập được, thưa ông?

Khi chúng ta có thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào VN, dùng VN làm “bàn đạp” để xuất khẩu ra thế giới, đó mới là điều mà chúng ta kỳ vọng.

Thực tế đã chứng minh có thị trường thì sẽ có nhà đầu tư, hơn nữa hiện nay nhiều ngành công nghiệp chỉ cần 6 đến 7 tháng là có thể sản xuất ngay, nếu thể chế hành chính và kinh tế của chúng ta có thể cấp phép nhanh, giải phóng mặt bằng nhanh, thì các xí nghiệp từ vốn đầu tư nước ngoài sẽ “mọc” lên tương ứng tạo nên làn sóng đầu tư mới.

Bài học từ Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA) đã chứng minh thực tế nêu trên, từ khi ký kết BTA đến nay chúng ta đã gia tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ lên trên 5 tỷ USD.

Đã có nhiều lo ngại về “nền kinh tế gia công” với việc đa phần nguồn lợi từ xuất khẩu không nằm lại VN, thưa ông?

Gia công thì còn hơn là “anh” không làm gì, không giải quyết được công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và không được phân chia đồng lợi nhuận nào.

Ở xuất phát điểm kinh tế hiện nay thì chúng ta làm được gì ngoài... gia công? Trên thực tế, gia công là điểm khởi đầu cho không ít quốc gia “con rồng, con hổ” trong thời gian gần đây.

Nhưng là một “tay chơi” mới trên “sân chơi” thương mại quốc tế, hẳn không thể một sớm một chiều chúng ta  sẽ hưởng được tất cả những lợi ích do WTO mang lại?

Đúng vậy! Dù chúng ta đã có nhiều đổi mới về thể chế kinh tế để gia nhập WTO, song những đổi mới đó cũng chỉ ngang bằng những điều mà các thành viên trong WTO đã đạt được, trong khi đó các thành viên lâu nay của WTO đã nhuần nhuyễn với “luật chơi” của tổ chức này.

Chúng ta không thể ngay lập tức “chơi hay” bằng họ. Vấn đề là chúng ta phải tìm ra lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh của mình.

Tận dụng lợi thế về địa kinh tế

Vậy đâu là lợi thế của VN?

VN có lợi thế về địa kinh tế mà ít nước trên thế giới có được. Chúng ta có bờ biển kéo dài, nhiều cảng nước sâu, gần với lãnh hải quốc tế, nằm trong trung tâm của vùng tăng trưởng cao.

Đó là những lợi thế vô cùng to lớn, mà TQ với những lợi thế tương tự cũng đã khai thác từ năm 1978 với việc thành lập 5 đặc khu kinh tế và mở cửa 14 tỉnh ven biển...

Có người cho rằng với tự do hóa thương, thời của các đặc khu kinh tế đã qua?

Gia nhập WTO là “mở cửa” cả nước chứ không chỉ với mỗi địa phương nào, nhưng không phải địa phương nào của cả nước cũng có lợi thế về địa kinh tế như nhau, không phải ngẫu nhiên mà các vùng duyên hải của TQ đã rất phát triển sau khi được tạo cơ chế, được “mở cửa” đặc biệt.

Các đặc khu kinh tế đã diễn ra qua hai thời kỳ, hiện nay là thời của những đặc khu kinh tế không dựa trên các ưu đãi thuế quan, mà dựa trên lợi thế về địa kinh tế cũng như “độ mở” của thể chế...

WTO cấm việc dành ưu đãi đặc biệt cho các khu công nghiệp, như vậy sau khi gia nhập tổ chức này, các khu công nghiệp nằm sâu trong nội địa sẽ trở nên không hiệu quả.

Với việc gia nhập WTO và mở cửa mạnh hơn các vùng duyên hải, thì chắc chắn chúng ta sẽ tận dụng được những nguồn lực to lớn từ bên ngoài và tốc độ tăng trưởng GDP của VN không thể dưới 10%/năm.

Cần nhớ rằng tốc độ tăng trưởng GDP nhiều tỉnh ven biển TQ trong 20 năm qua đều ở mức 2 con số (trên 10%).

Ông cho rằng VN sẽ tăng trưởng GDP trên 10% sau khi gia nhập  WTO?

Trong những năm đầu sau khi vào WTO, VN sẽ có thời kỳ tăng trưởng GDP tương đối cao, với mức tăng trưởng có thể dự báo được là 8 đến 9%.

Còn nếu VN mở cửa các vùng ven biển và thiết lập được các khu kinh tế tự do thông thoáng để tận dụng lợi thế so sánh về địa kinh tế của các vùng đó, khả năng tăng trưởng GDP trên 10% là hoàn toàn có thể.

Xin cảm ơn ông!

Xây dựng khu kinh tế mở

Việt Nam đã có các khu chế xuất, các khu công nghiệp, đang xây dựng các khu công nghệ cao nhưng chưa có khu kinh tế mở với các tiêu chí hiện đại - ở một địa điểm có cảng nước sâu danh tiếng trên thế giới được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm; có một thể chế kinh tế, hành chính thông thoáng phù hợp với các thông lệ quốc tế...

Khu kinh tế mở này sẽ có khả năng thu hút và sử dụng hiệu quả các dòng vốn bên ngoài và cả bên trong. Chỉ một đặc khu kinh tế Thẩm Quyến của Trung Quốc trong nhiều năm đã thu hút được một khối lượng vốn FDI gần như bằng cả tổng giá trị FDI của Việt Nam. Cần có một chương trình xây dựng một số khu kinh tế mở ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG