Giá nhiều mặt hàng đồng loạt tăng nhẹ

Giá nhiều mặt hàng đồng loạt tăng nhẹ
Sau đợt tăng giá xăng dầu lần thứ 3 trong năm 2005, báo cáo đánh giá tình hình phát triển thương mại 8 tháng đầu năm của Bộ Thương mại nhận định: Giá cả đã leo thang quá mức trong thời gian gần đây.
Giá nhiều mặt hàng đồng loạt tăng nhẹ ảnh 1

Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều tăng, kể cả các mặt hàng không chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá xăng dầu.

Theo khảo sát của Bộ Thương mại, tại nhiều siêu thị, nhiều mặt hàng bắt đầu tăng giá từ 3% đến 10%. Mặt hàng có mức tăng giá cao nhất (10%) là đường, đồ inox, nhựa gia dụng... Các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xà phòng... có mức tăng giá trung bình khoảng 5%; thực phẩm tươi sống cũng tăng tới 10%.

Không chỉ các sản phẩm sản xuất trong nước tăng giá mà cả những sản phẩm nhập khẩu cũng bắt đầu tăng giá như sữa bột, hóa mỹ phẩm. Tại các chợ đầu mối ở TPHCM và Hà Nội, nhiều mặt hàng đã bán theo giá mới: rau, củ, quả với mức tăng tối thiểu 1.000 đồng/kg so với trước khi xăng dầu biến động.

Theo Bộ Thương mại, trước mắt giá cả trên thị trường mới chỉ biến động ở mức độ nhẹ và có thể cầm cự đến hết tháng 8. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tiếp tục tăng quanh mức 0,5%.

Tin từ Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, trong tháng 8, giá thuốc tân dược nhìn chung ổn định với tỷ lệ tăng giảm không đáng kể.

Cụ thể, qua khảo sát giá thuốc của 1.000 sản phẩm thuốc sản xuất trong nước ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam cho thấy, khu vực Hà Nội và TPHCM rất ổn định. Tại khu vực Đà Nẵng, chỉ có 7/1.000 mặt hàng tăng giá (ví dụ Multivitamin tăng 13%; thuốc nhỏ mũi NaCl 0,9% tăng 21,67%...).

Nguyên nhân thuốc nhập khẩu tăng giá là do nhà sản xuất cắt giảm chương trình khuyến mại. Đối với nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc, nguồn nhập chủ yếu vẫn là các nước châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc).

Hơn một tuần nay, hàng trăm chủ tàu cá ở Sóc Trăng đã phải tính toán mọi cách để giảm nhiên liệu tối đa vì giá xăng dầu đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của họ.

Một số chủ tàu ở xã Trung Bình (huyện Long Phú) cho biết, với giá dầu như hiện nay, bình quân một chuyến ra khơi, một tàu cá phải tiêu tốn thêm trên 10 triệu đồng trong khi ngư trường khai thác ngày càng thu hẹp nên từ đầu năm đến nay trên 450 tàu cá ở Sóc Trăng chỉ khai thác được khoảng 12.500 tấn hải sản các loại, giảm trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay có trên 30 tàu cá lớn nhỏ phải tạm ngừng hoạt động với khoảng 100 ngư phủ thất nghiệp.

Tại TPHCM, sau tuần đầu tiên giá xăng dầu tăng lần thứ 3 trong năm, tuần qua tại các chợ đầu mối nhiều mặt hàng có chiều hướng tăng nhẹ do ảnh hưởng bởi giá cước vận tải.

Đầu tiên là trái cây, có trên 20 loại giá tăng thêm từ 800 đến 2.000đ/kg, cụ thể bòn bon Thái đã lên 27.500đ/kg; mãng cầu 9.500 lên 10.500đ/kg; quýt đường 13.000đ/kg lên 15.000đ/kg…

Song song đó, nhiều loại rau củ quả của Đà Lạt, Trung Quốc, Đài Loan… cũng được dịp tăng giá theo như cà rốt, khoai lang, súp lơ, su su, khổ qua, bí đỏ…

MỚI - NÓNG