Giá rau sẽ còn tiếp tục cao chót vót

Giá rau sẽ còn tiếp tục cao chót vót
TP - “Lượng rau cung ứng cho thị trường phải mất một tháng nữa mới trở lại bình thường” - ông Trần Đức Vinh, Chủ nhiệm HTX sản xuất rau an toàn xã Yên Mỹ dự đoán.

Chưa bao giờ giá các loại rau củ lại tăng đột biến gấp đôi, gấp ba so với trước Tết trong những ngày gần đây. Khan hiếm rau còn kéo dài bao lâu? Liệu có phải những người trồng rau là những “ngư ông đắc lợi” còn những người tiêu dùng hàng ngày vẫn phải ăn những mớ rau với giá “cắt cổ”?

Giá rau vẫn trên trời!

Các siêu thị và các chợ lớn nhỏ của Hà Nội đang sốt lên vì thiếu rau xanh và giá rau củ thì cứ cao chót vót suốt từ mùng 3 Tết đến nay khiến cho người tiêu dùng kinh hãi.

Tại siêu thị Big C, khu vực bán rau củ quả mặc dù đang đầu tuần nhưng lại đông người mua bất thường. Hầu hết các loại rau củ ở đây có giá cao hơn ở các chợ từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg.

Tại các siêu thị nhỏ hơn như FIVI Mart, TMV Mark, Marko… gian hàng bán rau bày biện rất khiêm tốn cả về số lượng và chủng loại rau. Hỏi ra thì người phụ trách siêu thị nói do nguồn cung cấp rau xanh khan hiếm và giá cũng  đội lên. Và những ngày gần đây, khách hàng kéo đến mua rau tại siêu thị rất đông nên hàng hết sớm.

Tại các chợ bán lẻ, giá rau củ vẫn tiếp tục đắt đỏ dù đã sát Rằm tháng Giêng. Chợ Nhà Xanh trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy lúc giữa trưa, nếu như trước Tết các hàng rau ăm ắp màu xanh thì giờ trở nên lèo tèo trống trải trông thấy. Cà chua được hét giá từ 7.000 đồng – 10.000 đồng/kg; khoai tây 8.000đồng/kg; rau cần 10.000 đồng/mớ; rau muống 17.000 đồng/mớ...

Chỉ có mấy chợ cóc nằm sâu trong các ngõ đông dân cư và sinh viên sinh sống thì giá rau củ mới “dễ thở hơn” cho người có thu nhập thấp. Hầu như tất cả các loại rau củ đều rẻ hơn so với các chợ lớn từ 1.000đồng – 3.000đồng không phải mặc cả.

Thực tế, hiện nay lượng rau xanh cung cấp cho Hà Nội thiếu so với bình thường. Ngay cả những chợ bán lẻ nằm sát bên bãi trồng rau của xã Yên Mỹ (Thanh Trì) cũng trở nên xơ xác hơn bởi thiếu đi màu xanh tươi của các loại rau củ vốn xưa kia rất phong phú.

Cả khu chợ chỉ bán vài chiếc bắp cải còi cọc, vài củ xu hào bằng miệng chén, ngoài ra không có loại rau nào khác. Đáng nói nhất là các chợ đầu mối chuyên bán rau củ quả như chợ Dịch Vọng, Long Biên, chợ rau Đông Anh những ngày này đìu hiu hẳn.

Số lượng rau giao dịch ít, thậm chí  một số mặt hàng khan hiếm, lượng người đến mua cũng giảm hẳn. Tại chợ rau Vân Trì (Đông Anh) dạo này họp muộn hơn những ngày thường và cũng tan sớm hơn.

Có phải người trồng được hưởng lợi?

Trong vòng xoáy tăng giá của các loại rau củ, những tưởng người nông dân trực tiếp trồng rau là những người được lợi nhất. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược.

Đến tận nơi người trồng rau của huyện Đông Anh và Thanh Trì tìm hiểu, bài toán lãi lời cho người nông dân trong đợt tăng giá này được sáng tỏ.

Mặc dù giá rau gấp đôi, gấp ba so với trước Tết nhưng trời rét cây rau chậm phát triển, thậm chí đứng im, thời gian thu hoạch cho mỗi loại rau gần như gấp đôi, năng suất lại kém do phải thu hoạch sớm, chưa kể công chăm sóc cho cây trong điều kiện giá rét vô cùng cực nhọc.

Giá vật tư phân đạm tăng chóng mặt. Do vậy tính ra người trồng rau chả cải thiện được gì hơn sau Tết. Chị Khúc Thị Thơm (thôn 7, xã Yên Mỹ, Thanh Trì) đang xới mảnh đất vừa thu hoạch mọc đầy cỏ dại giữa trời rét mưa phùn phân trần:

“Mang tiếng là rau đắt nhưng những người như chúng tôi có được gì đâu. Chẳng hơn gì. Rét thế này rau trồng ăn dịp Tết đến giờ vẫn chưa cho thu hoạch thì bán cho ai. Giá phân bón đạm cứ tăng như thế này thì đâu cũng vào đấy thôi”.

Những người nông dân trồng rau tại Thanh Trì như chị Thơm chỉ mong có giống cây ổn định để trồng vụ mới được thuận lợi.

Rau muống hiện nay rất hiếm trên thị trường, tại bãi trồng rau này, những ruộng rau muống cháy rét vàng khè héo úa hầu như không sinh trưởng nổi vì thời tiết rét đậm. Tại Vân Trì, Đông Anh rau khan hiếm hơn so với Thanh Trì vì trước Tết giá rau quá rẻ khiến những người nông dân bị lỗ nên họ trồng ít hơn.

Do vậy rau đã chậm lớn lại trồng ít càng trở nên khan hiếm hơn. Những cánh đồng trồng rau ở Đông Anh hiện giờ là  những vạt ruộng rau non hay mới gieo hạt giống, rất ít những ruộng rau đủ lớn để thu hoạch.

Những người trồng hiện phải chăm sóc rau rất kỹ để chống lại giá rét.  Những tấm nilông căng lên bằng những cọc tre, phên lứa được gọt, vót cẩn thận, hay dùng vỏ trấu nghiền ra rải lên ruộng để sưởi ấm cho cây.

Anh Quản - một người trồng rau - ăn vội bát mỳ sau buổi chợ rau kéo dài đến quá trưa than thở: Vất vả lắm mà chẳng được là bao. Tiền mua ni lông hơn 300.000 đồng/sào rau, phân đạm các loại hơn 500.000 đồng/sào, công chăm sóc vất vả.

Rét quá chẳng biết làm thế nào cho cây lớn nhanh mà bán. Bắp cải bình thường chỉ hai tháng là thu hoạch bây giờ phải mất ba tháng, rau cải 20 - 25 ngày/lứa, bây giờ chờ đến 40 - 50 ngày một lứa. Anh Quản chỉ có một mong muốn thật giản dị: Giá cả thị trường trở về ổn định, mong sao một củ su hào giá từ 1.500 đồng - 2.000 đồng là được rồi! 

Tá Lâm - Lê Thơm

MỚI - NÓNG