Giá rét Sa Pa hút khách

Giá rét Sa Pa hút khách
TP - “Mấy tuần vừa qua, một số đoàn lẻ tẻ từ TP HCM đã đến khách sạn của chúng tôi ở Sa Pa. Chúng tôi đang chuẩn bị đón khách từ miền Nam ra ăn Tết, nhất là từ mùng Ba Tết”, bà Thu Hương, Cty TNHH Du lịch Sa Pa có trụ sở ở Hà Nội, nói.

>> Sapa mờ sương lạnh

Sa Pa trở nên hấp dẫn hơn Đà Lạt trong con mắt du khách miền Nam, theo chị Võ Hoa Sinh (giáo viên Trường PTTH Thủ Đức, quận 9, TP Hồ Chí Minh), ở chỗ “Sa Pa rét hơn Đà Lạt, có thể đem đến cảm giác như ở phương Bắc. Đặc biệt, Sa Pa còn có cảnh quan hoang dã hơn, ít bị tây hoá hơn so với Đà Lạt”.

Hai tiếng Sa Pa lãng mạn còn là đích đến của không ít cặp uyên ương trẻ cho dù họ đang sống ở miền Bắc cũng giá lạnh. Bùi T.D., giảng viên Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, vừa cố thu xếp từ khoản lương èo ọt để đưa vợ lên Sa Pa trăng mật cuối tuần vừa qua với giá phòng khiêm tốn 150.000 đồng/ngày ở Khách sạn Đăng Trung.

Còn theo bà Thu Hương, công ty du lịch của bà đã nhận được đăng ký trăng mật dịp Nguyên đán lên Sa Pa của ba cặp uyên ương ở Hà Nội.

Không rõ có phải nhờ ngành du lịch quảng bá hình ảnh Việt Nam qua truyền hình CNN của Mỹ đợt vừa qua hết 500.000 USD không mà nhiều hãng du lịch lữ hành đều hỉ hả số du khách ngoại gia tăng.

Ông Tô Bá Hiếu, phụ trách Khách sạn Bamboo 3 ở Sa Pa cho biết, đêm 23 tháng Chạp cho biết, khách sạn của ông đón liền một lúc 40 du khách Pháp. Các khách sạn cao giá như Bamboo, từ 50 - 60 USD/phòng/ngày, lúc nào cũng hết phòng.

Hoàng Gia, Hoàng Liên, Hàm Rồng đưa ra giá phòng không bao giờ dưới 40 USD. Các khách sạn đắt hơn như Châu Long, Victoria, cũng phải đặt trước mấy ngày mới có phòng dù giá không dưới 100 USD/phòng/ngày.

Lên Sa Pa dịp này cho đến hết Tết Nguyên đán Mậu Tý, theo ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Lào Cai, một trong những nhà khí tượng giàu kinh nghiệm về các hiện tượng thời tiết dị thường ở miền núi phía Bắc, du khách sẽ có cơ hội chứng kiến băng giá và mưa đông kết.

Các xã vùng cao thuộc các huyện Bát Xát, Si Ma Cai, Sa Pa, có khả năng xảy ra mưa đông kết vào những ngày lạnh giá trong thời gian tới, kể cả Tết Nguyên đán. “Đây là hiện tượng thời tiết đặc sắc của miền Bắc, chỉ xuất hiện tại tỉnh Lào Cai”, ông Hải nhấn mạnh.

Nếu du khách thực sự muốn thưởng thức cái rét buốt như kim châm tại Sa Pa, ông Hải khuyến cáo, nên đi du lịch vào tháng 12 hoặc nửa đầu tháng 1. Còn mấy ngày tới, với mấy đợt gió mùa đông bắc mạnh tăng cường, du khách có thể chứng kiến cảnh băng giá và sương muối.

Khi xuất hiện, băng giá và sương muối trải đều một lớp mỏng trên đường đi. Chúng bám vào mái nhà, cành cây, ngọn cỏ, các đồ vật để sát đất ngoài trời, khiến ta có cảm tưởng như có một ai đó mang muối ăn ra vãi. Nếu du lịch dã ngoại càng lên cao, ông Hải lưu ý cường độ băng giá và sương muối cũng tăng theo.

Thời gian tồn tại băng giá và sương muối cũng lâu hơn. Để đắm mình trong cái rét ngọt tê tái, chứng kiến cảnh sương mù đặc quánh ở Sa Pa, thậm chí cả mưa đông kết, vào dịp Tết Nguyên đán và suốt tháng Giêng (là tháng ăn chơi), vì thế, du khách cần mang đủ quần áo ấm và một số loại thuốc chống viêm đường hô hấp trên. 

MỚI - NÓNG