Giá sữa đồng loạt giảm

Giá một số mặt hàng sữa VnExpress
Giá một số mặt hàng sữa VnExpress
Chưa đến hạn chính thức áp dụng trần giá bán lẻ, nhưng tại một số đại lý, mức niêm yết đã điều chỉnh giảm, từ vài chục đến hàng trăm nghìn mỗi hộp.

Chị Xuân, chủ một đại lý trên phố Đội Cấn (Ba Đình) vừa nhận được thông báo của một số hãng sữa về việc giảm giá bằng mức trần bán buôn đối với một số mặt hàng từ ngày 1/6. Với số hàng đã nhập trước đây, một số hãng sữa cũng thông báo sẽ hỗ trợ các đại lý 100% khoản chênh lệch giữa giá cũ và giá mới để có thể bán lẻ đúng mức quy định của giá trần. Theo đó, từ nay đến ngày 21/6, thời điểm chính thức hạ giá bán lẻ, nhưng sản phẩm nào còn tồn lại sẽ được kiểm kê và doanh nghiệp hỗ trợ đại lý khoảng vài chục nghìn mỗi hộp.

Trước đó, Bộ Tài chính đã công bố chính thức áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi từ ngày 1/6. Quyết định có hiệu lực từ đầu tháng 6 nhưng được thực hiện trong khâu bán buôn sau ngày 10/6 và bán lẻ là sau 20/6.

Chủ đại lý này cũng cho biết, cùng với việc giảm giá bán buôn, giá bán lẻ khuyến nghị cũng đã được các doanh nghiệp thông báo. Giá mới được bán tới tay người tiêu dùng sẽ giảm khoảng vài chục đến hàng trăm nghìn mỗi hộp, tùy trọng lượng.

Theo khảo sát của VnExpress tại Hà Nội, giá bán lẻ khuyến nghị của hãng đối với mặt hàng Enfagrow A + 3 loại 1,8kg sẽ thấp hơn mức hiện hành tại các cửa hàng khoảng 180.000 đến 200.000 đồng mỗi hộp; Enfamil A+ 1 loại 900g giảm 70.000 đến 100.000 đồng, 400g giảm 35.000 đến 45.000 đồng; Enfamil A+2 giảm từ 75.000 đến 100.000 đồng mỗi hộp 900g... Một số sản phẩm khác có mức giá giảm ít hơn như Abbott Grow 3, Grow G-Power vanilla, loại 900g giảm khoảng 20.000 đến 25.000 đồng mỗi hộp.

Tuy nhiên, theo chị Xuân, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa đưa ra thông điệp gì với các đại lý. "Mức chúng tôi nhập nhiều sản phẩm trước đây cao hơn giá trần từ 20.000-40.000 đồng mỗi hộp. Nếu doanh nghiệp không hỗ trợ, chắc chúng tôi sẽ phải chịu lỗ đáng kể. Với mức này, đại lý cấp 2 cũng không muốn nhập hàng vì sợ lỗ", chị cho hay.

Về tình hình kinh doanh trong vòng chục ngày nay, chị Duyên, chủ shop sữa trên phố Đội Cấn cho biết, sức tiêu thụ có xu hướng giảm nhẹ. "Các đại lý nhỏ vẫn lấy hàng của chúng tôi thì từ hôm biết sắp áp giá trần đều nhập rất cầm chừng. Người dân thì có vẻ kỳ vọng giá giảm nên mua cũng ít hơn. Do đó, sức tiêu thụ chỉ bằng 60-70% so với trước đó", chị Duyên nói.

Chị Huyền, chủ một đại lý cấp 2 trên phố Mai Dịch, Cầu Giấy cũng cho biết khoảng hơn một tuần nay gần như không nhập thêm hàng mới. "Mấy hôm nay khách mua cũng cầm chừng. Bình thường, nhiều người mua 3-4 hộp một lúc thì nay chỉ lấy 1-2 hộp", bà chủ này cho hay.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho biết, sau khi quy định áp giá trần chính thức được ban hành, cơ quan này cũng nhận được một số phản hồi của doanh nghiệp rằng mức giá trần hơi thấp. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, khi tính toán mức giá theo 2 phương pháp là chi phí và so sánh, cơ quan này đã đảm bảo mức lợi nhuận phù hợp cho doanh nghiệp.

"Quan điểm của Bộ là để mức giá trần thấp để buộc các doanh nghiệp phải xem xét cắt giảm các chi phí bất hợp lý như tiền quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị...", ông cho hay. Trước đó, sau khi thanh tra 5 doanh nghiệp chiếm 90% phần trong nước, Bộ Tài chính đã phát hiện hơn 386 tỷ đồng khoản chi phí bất hợp lý về quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị.

Ông Nghĩa cũng cho biết, ngay sau khi có biện pháp bình ổn giá mới, cơ quan quản lý đã phát hiện một số chiêu lách luật của doanh nghiệp như thay đổi mẫu mã, trọng lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khi ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện giá trần, Bộ Tài chính đã tính toán nhằm hạn chế tình trạng trên. Theo đó, những mặt hàng bị áp giá trần nếu thay đổi trọng lượng, doanh nghiệp phải tính toán lại giá đúng theo trọng lượng mới. Còn với các sản phẩm thay đổi quy cách đóng gói, bao bì mẫu mã và thông tin chất lượng phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì được coi là mặt hàng mới và tính lại giá bán tối đa.

Theo Ngọc Tuyên

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG