Giá tăng cao do "té nước theo mưa"

Giá tăng cao do "té nước theo mưa"
Một ngày sau khi công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3/2008, Tổ điều hành thị trường trong nước đã có cuộc họp nhận định về diễn biến tình hình giá cả trong quý I và dự báo tốc độ tăng giá tháng 4.

Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, tác động lớn nhất đến giá cả hàng hoá dịch vụ trong nước phải kể đến là giá cả các loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao. Đặc biệt, nhiều loại vật tư hàng hoá là đầu vào của sản xuất trong nước đã gây tác động không nhỏ đến mặt bằng giá.

Trong tháng 2, giá một số mặt hàng có giảm chút ít, song lại tăng trở lại vào tháng 3. Tăng cao chủ yếu là các mặt hàng nhạy cảm như: Thực phẩm, phân bón, thép, ximăng, vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh...

Ngoài các mặt hàng XK được giá như gạo, càphê, caosu, hạt tiêu, dầu thô, than đá... thì một số mặt hàng trong nước vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để chế biến cũng tăng mạnh như phân bón các loại tăng 74% so cùng kỳ, xăng dầu tăng 54%, phôi thép tăng 42%, sản phẩm thép tăng 18%, clinker tăng 32%.

Cùng với tác động của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với điện, than, xăng dầu - là những mặt hàng đầu vào thiết yếu của sản xuất, đầu năm 2008 điều chỉnh tiếp giá than bán cho 3 hộ tiêu thụ lớn là ximăng, giấy, phân bón; cuối tháng 2 điều chỉnh tăng giá bán các loại xăng dầu; điều chỉnh tăng lương; tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã làm cho chi phí sản xuất đầu vào tăng, tạo sức ép tăng giá nhiều mặt hàng trong nước.

Quý I, do rét đậm, rét hại kéo dài tại miền Bắc làm nhiều diện tích lúa, mạ, cây trồng bị chết (diện tích lúa chết gần 200.000ha), dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi chưa được ngăn chặn, dịch cúm gia cầm bùng phát; rét đậm làm chết hơn 88.000 con trâu bò đã gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thực phẩm, rau quả trên thị trường, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong kiềm chế tốc độ tăng giá nhưng nhiều chuyên gia nhận định, những giải pháp này chỉ giúp hạn chế tác động tăng giá bởi nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ bên ngoài.

"Té nước theo mưa"

Theo nhận định của Tổ điều hành thị trường trong nước, giá cả tăng mạnh còn do thị trường đã có dấu hiệu "té nước theo mưa" đối với một số mặt hàng như nguyên vật liệu xây dựng.

Điển hình là ngành thép. Tháng 3, giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng cao kỷ lục trên 800USD/tấn, gần 900USD/tấn. Trước đó, từ 1.1.2008, Trung Quốc chủ trương đánh thuế tài nguyên, điều chỉnh thuế XK phôi thép từ 15% lên 25% và thép thành phẩm từ 10% lên 15%, giá cước vận chuyển tăng...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Thép, với mức giá phôi thép kể trên, cộng tất cả các chi phí thì giá thép xây dựng bán trên thị trường chỉ có thể ở mức 16 triệu đồng/tấn, không thể có giá lên tới 17.000-18.000đ/tấn (thậm chí có nơi bán với giá 19.000đ/tấn).

Bên cạnh đó, mặc dù mức tiêu thụ thép có tăng, nhưng với toàn quý khoảng 945.000 tấn, nhiều khả năng có hiện tượng tư nhân găm giữ hàng, đầu cơ để bán giá cao. Hiện tượng các DN chỉ bán đến đại lý cấp 1, bỏ mặc mạng lưới phân phối thép đến tận người sử dụng cho tư nhân thao túng đã khiến lợi nhuận rơi cả vào khâu trung gian.

Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo trong tháng 4, giá cả nhiều mặt hàng sẽ ổn định hơn do Chính phủ đã có những giải pháp cứu chữa, đặc biệt Chính phủ đảm bảo ổn định, không tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu... Dự báo, CPI tháng 4 chỉ tăng 1,5%.

Kim ngạch XK tháng 3 ước đạt 4,7 tỉ USD, đưa kim ngạch XK quý I/2008 đạt 13,026 tỉ USD, tăng 22% so cùng kỳ năm trước. Ước kim ngạch NK tháng 3 đạt 7 tỉ USD, đưa kim ngạch NK quý I/2008 đạt 20,392 tỉ USD, tăng 62,5% so cùng kỳ. Như vậy, mức nhập siêu quý I đã lên tới 7,366 tỉ USD, mức kỷ lục từ trước đến nay.

Theo Lao động

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.