Giá than tăng sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng tăng theo

Giá than tăng sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng tăng theo
TP - Như báo chí đã đưa tin, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị: Từ 1/11/2006, tiếp tục đợt điều chỉnh (tăng) giá bán than trong nước, theo định hướng của Chính phủ.
Giá than tăng sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng tăng theo ảnh 1

Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng đang gấp rút hoàn thiện, dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 11/2006. Ảnh: PNB

Nếu đề nghị này được chấp thuận, hàng loạt mặt hàng thiết yếu sẽ phải tăng giá.

Tiêu thụ than nhiều nhất hiện nay là các đơn vị sản xuất ( thường gọi là các hộ) có tiêu dùng than. Đó là các hộ: Điện lực, Xi măng, Phân bón, Giấy.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mỗi năm tiêu thụ 4,5-5 triệu tấn than để sản xuất ra 8-9 KWh điện.

Hiện nay, giá mỗi tấn than ngành điện đang sử dụng khoảng 300.000 đ. Ông Tổng GĐ EVN dự tính: Nếu ngành than tăng giá bán than cho sản xuất điện lên 42%, tức là tăng đến trên 500.000đ/tấn than thì mỗi năm, ngành điện phải chi phí thêm khoảng 800 đến 1.000 tỷ đồng, đây là một khó khăn lớn trong sản xuất và bảo đảm cung cấp điện.

Đề cập vấn đề này, ông Mai Duy Thiện-một trưởng ban của EVN - nêu thêm thực tế khác:

Hiện, trong điều kiện chưa tăng giá bán than, để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh, phát triển nền kinh tế quốc dân và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân cả nước, đồng thời để thu hút đầu tư vào ngành điện, Bộ Công nghiệp đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng 8%, nhưng nếu giá bán than tăng 42% thì ngành điện sẽ phải xây dựng lại phương án giá bán điện trình Nhà nước để đảm bảo cân đối tài chính cho ngành điện cũng như để thu hút đầu tư phát triển ngành điện.

Than hiện là sản phẩm gần như bán độc quyền nên đương nhiên Nhà nước quyết định giá.

Chính phủ cũng thể hiện rất thận trọng khi giao Bộ Tài chính  làm trung gian thương thảo giữa TKV với 4 hộ kể trên.

Việc thương thảo mấy ngày qua vẫn đang diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan liên quan thuộc Chính phủ.

Tại Tổng Cty xi măng VN(VNCC), sau khi nhận được văn bản đề nghị (20/10/2006) của TKV về giá bán than từ 1/11/2006 (theo đó giá bán than cho sản xuất xi măng sẽ tăng 44% (với than cám 3b), từ 1/7/2007 tăng tiếp 5% nữa, tới 550.000 đ), VNCC dự tính: Nếu phải mua than theo giá do TKV đề nghị thì chi phí sản xuất xi măng của VNCC sẽ tăng gần 200 tỷ đồng.

Trong khi đó, như năm 2006, giá xi măng chỉ được phép tăng 2,5% ở miền Bắc và khoảng 7% ở miền Nam nên mới chỉ đáp ứng được một phần chi phí tăng do giá đầu vào (xăng dầu, vỏ bao, thạch cao, linke nhập khẩu…) đã tăng trước đó.

Tổng Cty hóa chất Việt Nam (VINACHEM) mỗi năm tiêu thụ khoảng 200.000 tấn than cho SX phân bón. Ngày 25/10/2006, VINACHEM đã họp bàn với TKV; theo đó, từ 1/1/2007 giá than cám 4b HG và than cục xô sẽ tăng, sao cho đến cuối năm 2007 thì việc mua bán than sẽ theo giá thị trường.

Theo VINACHEM, nếu điều này xảy ra thì giá than sẽ cao gấp đôi hiện nay, giá phân bón sẽ bị tác động lớn và giá phân đạm, phân lân nung chảy khó mà không tăng (bởi giá than chiếm 60% giá thành phân đạm và 10% giá thành phân lân nung chảy); thậm chí, nhà sản xuất lớn như Cty Phân đạm và hóa chất Hà Bắc cũng bị khủng khoảng và khó trụ được.

Làm việc với Tổng Cty Giấy, PV Tiền phong được biết: Mặc dù đã đạt được thỏa thuận với TKV về lộ trình tăng giá than, nhưng gánh nặng tăng giá sản phẩm giấy cũng đang đè nặng lên vai hộ tiêu thụ than lớn thứ tư của TKV… 

MỚI - NÓNG