“Giá thép không có cớ để tăng cao”

“Giá thép không có cớ để tăng cao”
Bộ Công nghiệp vừa có công văn gửi tới Hiệp hội Thép và Tổng công ty Thép VN đề nghị phối hợp duy trì sản xuất thép và nâng cao ý thức của các doanh nghiệp, không lợi dụng biến động để tăng giá bất hợp lý.
“Giá thép không có cớ để tăng cao” ảnh 1

Công văn này ra đời ngay sau khi giá thép xây dựng trong nước vượt trên mức 8 triệu đồng/tấn. Một số dự báo còn để cập đến khả năng giá thép sẽ lên đến 9 triệu đồng/tấn và thậm chí là 10 triệu đồng vào tháng 9, 10 tới.

Về những mức giá này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, sáng nay 11/7.

Thưa ông, giá thép xây dựng trong nước hiện tại đang ở mức bao nhiêu?

Ở miền Bắc, giá bán ra đang giao động từ 7,9 - 8,1 triệu đồng/tấn; ở miền Nam là từ 8,2 - 8,3 triệu đồng/tấn.

Vì sao lại có sự chênh lệch khá lớn như vậy?

Vì tại thị trường miền Bắc, lượng tiêu thụ đang chậm và sụt giảm. Các doanh nghiệp ở miền Bắc đang nhìn nhau để cạnh tranh và giá bán không tăng lên cao được.

Với những mức giá đó thì các doanh nghiệp đang có lãi khá lớn?

Không. Nếu căn cứ theo giá phôi nhập khẩu hiện nay thì mức 8 - 8,2 triệu đồng/tấn vẫn lỗ; phải là mức 8,5 - 8,6 triệu đồng/tấn mới có thể hòa vốn.

Tức là giá thép hiện nay tăng chủ yếu là do giá phôi thế giới tăng, thưa ông?

Đúng thế. Từ tháng 4, 5, 6 đến nay, giá phôi nhập khẩu đã tăng từ dưới 400 USD/tấn lên 425 USD/tấn. Giá chào bán ở thời điểm này đang giao động từ 430 - 440 USD/tấn. Hiện có Vinakyoei (liên doanh thép Việt - Nhật) chấp nhận nhập với giá 430 USD/tấn. Nhưng nếu nhập với giá đó thì buộc phải tăng giá bán thép thành phẩm với mức trên 8,6 triệu đồng/tấn mới có lãi.

Giá phôi tăng chủ yếu do giá quặng thế giới tăng mạnh trong thời gian qua. Ba tập đoàn quặng lớn nhất thế giới (chiếm 71% lượng quặng toàn thế giới) gồm CVRD (Brasil) và Rio Tento, BHP Bilinton (Australia) đã liên kết lại để tăng giá lên tới 19%. Các nước xuất khẩu quặng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã chấp nhận mức tăng này; riêng Trung Quốc đang đàm phán nhưng có thể cũng sẽ phải chấp nhận.

Giá quặng tăng, giá thép phế cũng tăng theo, tăng từ 250 USD/tấn lên gần 300 USD/tấn. Cả hai nguồn này tăng, đẩy giá phôi thế giới lên cao, tất nhiên là không thể theo với mức 19% nói trên.

Nhưng, trong thời gian gần đây, công nghiệp sản xuất phôi của VN đã có tín hiệu khả quan…

Đúng là như vậy. Thực tế là lượng phôi phụ thuộc nhập khẩu trước đây là 80% đã giảm xuống còn 70%. Các doanh nghiệp cũng đang dồn sức để giảm tỷ lệ lệ thuộc này xuống. Nhất là khi Nhà máy Thép Phú Mỹ đi vào hoạt động với công suất 500 ngàn tấn phôi/năm. Tất nhiên là vừa mới đi vào hoạt động nên chưa thể chạy hết công suất được.

Ngoài ra, Thép Thái Nguyên cũng chạy được 240 ngàn tấn phôi/năm, Hòa Phát là 200 ngàn tấn/năm. Cuối năm nay có thêm các nhà máy Cửu Long, Vạn Lợi với công suất 500 ngàn và 200 ngàn tấn/năm.

Vậy thì những dự báo tăng “kịch trần” hay mức giá 9 triệu, 10 triệu/tấn thì sao, thưa ông?

Trước hết tôi xin nói là không có mức giá trần ở đây. “Trần” là từ chỉ dùng đối với một nền kinh tế tập trung. Như mức giá trước đây đặt ra 8 triệu đồng/tấn cũng chỉ là định hướng chỉ đạo. Nhà nước không can thiệp trực tiếp về giá mà có những biện pháp bình ổn khác.

Cũng trong vấn đề này, chỉ đạo mới đây của Bộ Công nghiệp là một định hướng để doanh nghiệp thực hiện. Đó là một chỉ đạo quan trọng khi mà chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm đã là 4%; nhiệm vụ 6 tháng còn lại là phải kiềm chế dưới 8% theo dự kiến của tốc độ tăng trưởng.

Nhưng, có một điểm đáng chú ý là tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước đang giảm dần trong ngành thép. Hiện chỉ có 3 doanh nghiệp nhà nước trong khi có tới trên 20 doanh nghiệp liên doanh và tư nhân. Vì thế, sự can thiệp của nhà nước là mang tính chỉ đạo, định hướng chứ không can thiệp trực tiếp.

Còn về những dự báo giá thép sẽ lên 9 triệu, thậm chí 10 triệu trong thời gian tới, theo nhận định của cá nhân tôi thì không có cớ gì để lên đến như vậy.

Sao lại “không có cớ gì” thưa ông?

Khi giá thép trong nước không cao, doanh nghiệp không nhiệt tình mua, không cạnh tranh mua thì nhà bán phôi không thể đẩy giá cao mãi. Quan trọng hơn, chúng ta là láng giềng của đại gia thép Trung Quốc (chiếm một phần ba thị phần thị trường thép thế giới). Khi giá thép trong nước quá cao, chênh lệch quá lớn với giá của láng giềng này thì thép của họ sẽ nhập vào.

Nên nhớ là Trung Quốc đang dư thừa thép và đang có hướng đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện tại thép Trung Quốc chưa vào vì chênh giá chưa lớn, hơn nữa họ chưa có thương hiệu tại thị trường Việt Nam.

Thứ hai, liên quan đến biểu thuế ASEAN - Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/6/2006. Trong biểu thuế này có nhiều mức thuế thấp đối với thép nhập khẩu, tạo thêm điều kiện để thép Trung Quốc vào cạnh tranh. Tương tự là biểu thuế ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ 1/10/2006, tạo thuận lợi cho một đại gia xuất khẩu thép nữa vào VN.

Tóm lại, tôi khẳng định lại rằng giá thép sẽ không thể tăng lên đến 9 triệu hay 10 triệu đồng/tấn trong thời gian tới như những dự báo trên.

Theo VnEconomy

MỚI - NÓNG