Giá thực phẩm giảm mạnh

Giá thực phẩm giảm mạnh
TPO - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, từ cuối tháng tám tới nay, giá thực phẩm, rau xanh có xu hướng hạ nhiệt rõ rệt so với trước đó. Nhưng có ý kiến lo ngại giá thực phẩm sẽ tăng theo đà tăng lương đầu tháng 10 tới.

>Giá thực phẩm giảm mạnh

Thịt lợn đã qua thời kỳ bão giá. Ảnh: NT
Thịt lợn đã qua thời kỳ bão giá. Ảnh: NT.


Giá rau, thịt lợn sẽ giảm vào cuối tháng chín

Chị Hà (ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, suốt tuần nay, chị như trút được gánh nặng chi tiêu trong gia đình khi nhiều loại thực phẩm, rau xanh giảm giá. Theo chị Hà, rau mồng tơi, rau đay giảm 1.000 đồng/bó so với trước đó, giữ ở mức 2.500 đồng/bó. Rau cải đắng, thay vì 4.000 đồng/bó hồi cuối tháng bảy, giảm còn 2.500 - 3.000 đồng/bó.

Giá thịt lợn cũng giảm đáng kể. Thịt ba chỉ, sườn lợn hiện tại giá 110.000 đồng/kg. Nạc vai 120.000- 125.000 đồng/kg, giảm từ 20.000-30.000 đồng/kg. Mức giá này được chị Hà cho là “giúp các bà nội trợ vui như Tết”.

Một số tiểu thương tại các chợ đầu mối của Hà Nội nói, nguồn cung thịt lợn, rau xanh khá dồi dào. Nhu cầu tiêu dùng của người dân không tăng đột biến. Chị Vân (chủ sạp rau tại chợ Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Rau tại các chợ đầu mối rất nhiều vì đúng vụ thu hoạch ở các vùng lân cận Hà Nội”.

Xác nhận điều này, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội) cho biết, đầu tháng chín, các hộ xã viên đồng loạt xuống giống nhữn loại rau như cải, súp lơ, su hào…

“Thời tiết tương đối thuận lợi cho rau phát triển, dù vài ngày qua có mưa hơi nhiều, nhưng cơ bản không ảnh hưởng lớn. Khoảng cuối tháng chín, rau xanh sẽ vào lứa một loạt, lúc đó, giá rau sẽ còn giảm”, ông Hùng nhận định.

Đợt tháng sáu, bảy vừa qua, người Hà Nội chứng kiến “bão giá” thịt lợn. Nhưng tháng chín này, theo bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Công ty Minh Hiền, nguồn cung thịt lợn đã không còn “khan” như trước, giá cũng giảm mạnh.

Theo ông Nguyễn Viết Chiến - Giám đốc Trung tâm Tin học thống kê, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, giá thịt lợn hơi có xu hướng giảm mạnh.

Theo đó, tại miền Bắc là 60.000 - 61.000 đồng/kg, miền Trung 59.000 - 60.000 đồng/kg và miền Nam 56.000 - 57.000 đồng/kg.

Giá gà thịt tại miền Bắc khoảng 42.000 đồng/kg. Giá trứng gà ta 32.000 - 35.000 đồng/chục, gà công nghiệp dao động từ 5.000 - 25.500 đồng/chục, trứng vịt giảm nhẹ còn 25.000 - 30.500 đồng/chục.

Theo khảo sát của Trung tâm Thông tin Nông nghiệp Nông thôn cũng cho thấy, giá nông sản trong nước tuần qua giảm 0,12%, giá thực phẩm giảm 0,31% so với tuần trước đó. Riêng giá thịt lợn hơi tại Hà Nội giảm 9,55% so với tháng 8.

Bình lặng trước ngày tăng lương?

Theo Cục thống kê Thành phố Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng tại Hà Nội trong tháng chín chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, biên độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố Hà Nội giảm mạnh so với mức tăng 1,06% của kỳ so sánh liền trước. Bảy trên 11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng. Duy nhất nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng trên 1% (do trong nhóm này có đồ trang sức tăng giá do giá vàng tăng mạnh), còn lại đều tăng dưới 1%.

Sau nhiều tháng tăng giá mạnh, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng này giảm 0,02%. Trong đó, thực phẩm giảm 0,34%; lương thực giảm 0,26%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,02%.

Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, do nguồn cung lương thực cho các tỉnh phía Bắc tương đối dồi dào nên giá gạo tại thị trường Hà Nội tháng chín vẫn ổn định. Mặt hàng thực phẩm sau nhiều tháng tăng giá mạnh đến tháng này cũng đã giảm. Từ tháng sáu trở lại đây, tốc độ tăng CPI của Hà Nội có dấu hiệu chậm lại.

Tổ điều hành thị trường trong nước của Bộ Công thương cũng đưa ra dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2011 sẽ tăng thêm khoảng 0,8% so với tháng trước. Biên độ tăng này thấp hơn mức 0,93% của tháng tám so với tháng bảy liền trước.

Một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, sắp tới, giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh có thể biến động tăng nhẹ do tác động của thời tiết. Thêm vào đó, đầu tháng 10 tới, Chính phủ sẽ tăng lương – điều được coi là một trong những yếu tố có thể gây tăng giá các mặt hàng trên thị trường.

Văn Việt

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.