Giá thuốc liên tục tăng: bất lực?

Bình ổn giá thuốc vẫn là bài toán chưa có lời giải. Ảnh: Lê Nguyễn
Bình ổn giá thuốc vẫn là bài toán chưa có lời giải. Ảnh: Lê Nguyễn
TP - Trong khi giá thuốc liên tục tăng, nhà thuốc bệnh viện bán thuốc giá cao hơn giá thị trường thì công tác thanh kiểm tra vẫn còn nhiều yếu kém…Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa xã hội (HĐND TPHCM) với Sở Y tế TPHCM chiều 25-5, nhiều vấn đề được mổ xẻ.
Bình ổn giá thuốc vẫn là bài toán chưa có lời giải. Ảnh: Lê Nguyễn
Bình ổn giá thuốc vẫn là bài toán chưa có lời giải. Ảnh: Lê Nguyễn.


Bó tay với giá thuốc bán lẻ

“Trong tháng 3 và 4-2010, Sở Y tế TPHCM xem xét 27 mặt hàng kê khai lại giá, nhưng mức tăng không đáng kể”- Bà Phạm Khánh Phong Lan- Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói. Theo bà Lan, với giá thuốc bán buôn có ổn định nhưng bán lẻ thì không kiểm soát được. Hệ thống bán lẻ thuốc được hoạt động theo Pháp lệnh giá, theo cơ chế thị trường và quy định của Bộ Y tế về niêm yết giá nên các nhà thuốc mặc sức tăng giá.

Hiện TPHCM có hơn 4.000 nhà thuốc, vì vậy theo Sở Y tế TPHCM, việc giá thuốc “loạn” là khó tránh khỏi. “Chúng tôi chỉ có thể quản lý bình ổn giá thuốc chứ không thể bắt giá thuốc ổn định”- Bà Lan nói.

Ông Nguyễn Văn Minh- Phó ban Văn hóa- Xã hội HĐND TPHCM cho rằng, theo quy định các nhà thuốc phải cách nhau 500m nhưng tại TPHCM, ra ngõ là gặp nhà thuốc. Vậy nên thuốc trôi nổi, không nguồn gốc, kém chất lượng vẫn tràn lan. “Có những loại thuốc trị viêm gan như Peg-intron giá lên tới vài triệu đồng/lọ mà người dân cũng phải cắn răng mua”- Ông Minh nói.

Bà Lan cho rằng, hệ thống lưu thông, phân phối thuốc ở TPHCM đang có vấn đề, không thể hạn chế được. Nhưng chỉ cần một nửa trong số công ty dược ở đây mua bán thuốc lòng vòng cũng đủ khiến giá thuốc tăng lên đến mức “đè” chết bệnh nhân.

Đóng tiền cũng không mua được thuốc

Trước bức xúc về việc người bệnh diện bảo hiểm y tế (BHYT) yêu cầu bệnh viện cung cấp thuốc thì được trả lời ra ngoài mua, vì danh mục thuốc bệnh viện không có. Đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM cho rằng, trong chi phí khám chữa bệnh BHYT thanh toán thì chi phí dành mua thuốc chiếm 50%. Riêng năm 2009, BHXH đã thanh toán tới 1.500 tỷ đồng cho giá thuốc nhưng cũng không ít bệnh nhân “kêu” bệnh viện không cho thuốc.

Theo BHXH TPHCM, do quy định của Bộ Y tế về danh mục thuốc gốc và biệt dược được dùng điều trị cho bệnh nhân có BHYT còn chưa rõ nên không ít bác sĩ cứ lấy biệt dược mà kê toa hoặc kê toa một số loại thuốc không có trong danh mục bệnh nhân có BHYT được hưởng.

Về việc nhà thuốc bệnh viện bán thuốc giá cao, lãi bất hợp lý, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng có những công ty dược trúng thầu cấp thuốc cho bệnh viện giá cao nên bệnh viện phải bán thuốc giá cao. Nguyên do là ngay cả công ty trúng thầu cấp thuốc thì thực ra là họ cũng đã phải mua thuốc qua mấy bậc trung gian.

Sự bất hợp lý về quản lý giá thuốc còn ở công tác thanh kiểm tra của Sở Y tế TPHCM quá yếu kém. Ông Nguyễn Minh Hùng- Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết, năm 2009 thanh tra đã kiểm tra 4.465 cơ sở, xử lý vi phạm tại 752 cơ sở. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng việc xử phạt của Thanh tra Sở Y tế còn nhiều vấn đề chưa ổn nên mới có tình trạng có nhiều nhà thuốc bị xử rồi vẫn tiếp tục tái phạm. Bà Lan cũng thừa nhận hiện thanh tra Sở Y tế TPHCM đang thiếu số lượng và cũng yếu chất lượng nên thanh tra gặp khó khăn.

Ngành công nghiệp dược bị bỏ quên

Được xác định là một trong 4 ngành công nghiệp ưu tiên của TPHCM nhưng đến nay ngành công nghiệp dược TPHCM vẫn bị bỏ quên do thiếu năng lực và công nghệ, cũng như hỗ trợ từ ngành chức năng.

Tại hội thảo Công nghệ trong công nghiệp dược diễn ra ngày 26-5 tại TPHCM, PGS- TS Lê Văn Truyền- chuyên gia cao cấp dược học cho biết, TPHCM nắm giữ trên 70% tổng lượng dược phẩm cả nước, có hơn 20 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP- WHO và gần 100 công ty dược làm nhiệm vụ lưu thông thuốc. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dược TPHCM phát triển quy mô nhỏ. Hiện Việt Nam chưa có công nghiệp sản xuất nguyên liệu dược.  

 
MỚI - NÓNG