Giá tiêu dùng có thể tăng mạnh trong tháng 10

Giá tiêu dùng có thể tăng mạnh trong tháng 10
Ông Nguyễn Khánh Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10/2006 có thể tăng từ 1-3% so với mức tăng 0,3% của tháng 9.
Giá tiêu dùng có thể tăng mạnh trong tháng 10 ảnh 1

CPI trong tháng 10/2006 có thể tăng từ 1-3% so với mức tăng 0,3% của tháng 9.

Theo các chuyên gia kinh tế, đã thành "tiền lệ", mỗi lần rục rịch tăng lương là giá các mặt hàng thiết yếu đón đầu tăng giá trước và lần tăng lương từ tháng 10 này cũng không nằm ngoài quy luật. Điều này cùng với nhiều yếu tố tác động làm tăng giá sẽ đẩy CPI tăng khá cao trong những tháng còn lại của năm 2006, tạo sức ép đáng kể cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Khánh Long phân tích, với khoảng 4 triệu người đang hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách hiện nay, việc tăng lương sẽ làm tăng lượng tiền mặt đưa vào lưu thông. Điều này sẽ kích cầu và làm cho CPI tăng.

Ngoài tăng lương,  từ nay đến cuối năm còn xuất hiện nhiều yếu tố tác động làm tăng CPI, do  thời tiết diễn biến xấu, và cơn bão số 6 vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Việc khôi phục cơ sở hạ tầng, các điều kiện sinh hoạt, sản xuất để người dân trở lại cuộc sống bình thường sẽ tác động đáng kể làm tăng giá cả hàng hóa. Thêm vào đó, nhu cầu thanh toán của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, cũng như tâm lý mua sắm trong dân tăng vào cuối năm, cũng khiến CPI có nguy cơ "vọt" lên.

Diễn biến của nền kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến CPI. Sau thời kỳ "hạ nhiệt", giá dầu thô thế giới có nhiều khả năng nhích lên trong thời gian tới do một số thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bắt đầu cắt giảm sản lượng khai thác. Thị trường vàng, tiền tệ có nguy cơ tăng cao hơn vào cuối năm nên thị trường nội địa cũng sẽ bị chi phối.

Dù có nhiều yếu tố diễn biến bất lợi tác động làm tăng CPI trong những tháng còn lại của năm 2006, nhưng một số chuyên gia kinh tế lạc quan đưa ra dự báo, kết thúc năm nay, CPI sẽ tăng ở dưới tốc độ tăng GDP do xuất hiện khá nhiều yếu tố "hãm" CPI.

Theo ông Nguyễn Khánh Long, trước hết đó là chính sách điều tiết nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ linh hoạt, mềm dẻo theo hướng bám sát diễn biến của thị trường. Do giá điện vẫn ổn định nên chi phí đầu vào của một số ngành kinh tế lớn như xi măng, sắt thép có xu hướng biến động không nhiều và điều này sẽ hạn chế tác động dây chuyền đến các ngành kinh tế khác.

MỚI - NÓNG