Giá tiêu dùng sẽ vào đợt leo thang mới

Giá tiêu dùng sẽ vào đợt leo thang mới
Sáng nay, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng sẽ tác động lớn đến giá tiêu dùng thời gian tới.
Giá tiêu dùng sẽ vào đợt leo thang mới ảnh 1
Các mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi việc xăng tăng giá

Mức tăng giá xăng 1.500 đồng/lít là khá cao, ông đánh giá thế nào về tác động của việc tăng giá này đến chỉ số giá tiêu dùng?

Xăng là mặt hàng chiến lược, với mức tăng cao như vậy chắc chắn sẽ có tác động lớn tới giá tiêu dùng. Mức tăng cụ thể bao nhiêu còn phụ thuộc vào cơ cấu giá xăng trong giá sản phẩm đó.

Việt Nam chưa hẳn là một nền kinh tế thị trường và đại bộ phận thu nhập của người dân còn rất thấp. Vì vậy các biện pháp kinh tế phải tính đến tác động ảnh hưởng đến đời sống người lao động.

Hai hôm trước, liên bộ Tài chính - Thương mại khẳng định là không tăng giá xăng. Theo ông, việc tăng giá xăng bất ngờ là để chống đầu cơ hay do các cơ quan chủ quan không lường hết được biến động của giá dầu thế giới?

Đúng là những lần tăng giá xăng trước đều rục rịch trong dư luận, rồi mới điều chỉnh giá. Tuy nhiên, trên thế giới vấn đề tăng giá luôn phải có yếu tố bí mật. Việc bất ngờ tăng giá, theo tôi, có nguyên nhân là để hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ xăng thu lợi bất hợp pháp. Tuy nhiên, còn nguyên nhân nào khác nữa thì tôi không nắm cụ thể vì không ở trong ban điều hành giá của Chính phủ.

Nhưng ông sẽ giải thích "yếu tố bí mật" như thế nào khi tối qua, 20 phút trước thời điểm tăng giá, nhiều cây xăng đã ngừng hoạt động?

Theo tôi được biết, những lần họp điều chỉnh giá xăng không chỉ vài người có thẩm quyền của bộ Tài chính - Thương mại mà có nhiều thành phần khác tham dự. Do vậy, không loại trừ trường hợp rò rỉ thông tin. Từ khi đi đến quyết định cho đến lúc ra văn bản mang tính pháp quy phải có thời gian. Và trong thời gian đó, những thông tin tăng giá đã kịp chuyển đi.

Theo ông, cơ chế xăng dầu hiện nay có gì bất cập, thông thường sau khi giá xăng dầu thế giới tăng cả tuần, thậm chí có xu hướng giảm thì giá trong nước mới tăng?

Hiện nay những nước cung cấp dầu lớn cho thế giới đang gặp những vấn đề xung đột phức tạp. Trong thời gian ngắn mà có lúc giá dầu xuống 58 USD/thùng. Nếu những vấn đề của Iran không được giải quyết thì giá xăng cũng không thể lường. Do vậy, biên độ tăng rộng ra và theo tôi với biên độ rộng như vậy thì việc giữ ổn định giá điều chỉnh sẽ dài hơn so với những lần điều chỉnh trước.

Ý thứ hai là có thể điều chỉnh tăng nhiều hơn nữa được không? Hiện nay mình đang hướng tới nền kinh tế thị trường. Anh nghĩ đến lợi ích của nhà nước thì cũng phải nghĩ đến lợi ích của người lao động, trực tiếp tạo ra nguồn lực đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Trong lúc việc làm hạn chế, thu nhập thấp mà giá cả cứ leo thang mãi thì chắn chắn lòng dân không yên, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế năm 2006.

Khi giá dầu thế giới giảm mạnh giá xăng trong nước chỉ giảm 500 đồng/lít. Ông lý giải thế nào về sự bất hợp lý "giảm ít, tăng nhiều"?

Tác động trực tiếp đến sản xuất là dầu, chúng ta đang kìm giữ hoặc điều chỉnh rất ít để hỗ trợ sản xuất. Khoản lỗ của dầu chưa có điều kiện để bù nên đành thông qua xử lý giá xăng để bù lỗ một phần cho giá dầu. Như vậy, nhìn trên tổng thể cả xăng và dầu, mức bù lỗ sẽ phù hợp với khả năng chịu đựng của ngân sách.

Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nên giá dầu thế giới tăng thì chúng ta cũng có lợi. Tại sao không lấy lợi nhuận từ việc bán dầu để bù lỗ cho giá xăng?

Theo tôi biết, năm nào ngân sách nhà nước cũng có bù lỗ xăng dầu, năm 2004 bù lỗ khoảng 5.800 tỷ đồng, năm 2005 bù lỗ khoảng 6.500 tỷ đồng. Khoản ngân sách bù lỗ này lấy ra từ việc bán dầu thô. Nhưng nếu kìm giá xăng, nhà nước bù lỗ hết thì không còn ngân sách dành cho đầu tư, phát triển.

Theo Việt Anh
Vnexpress

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.