Giá USD tăng vọt trở lại

Giá USD tăng cao đến múc kỷ lục
Giá USD tăng cao đến múc kỷ lục
TPO - Giá USD đang bắt đầu đợt tăng giá mới với mức tăng cao kỷ lục. Sở giao dịch Ngân hàng nhà nước bán ra USD ở mức 23.284 đồng, tăng 234 đồng so với cuối tuần trước.

Ngày 24/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ (USD) ở mức 22.654 VND. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào ở mức 22.700 đồng và bán ra ở mức 23.284 đồng, tăng 234 đồng so với cuối tuần trước.

Việc tăng giá bán của Ngân hàng nhà nước cũng khiến các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng giá bán USD. Vào 12h ngày 24/7, Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.205 đồng (mua) và 23.275 đồng (bán); tăng 25 đồng so với phiên giao dịch ngày trước đó (ngày 23/7). Ngân hàng Viettinbank ở mức 23.185 đồng (mua) và 23.285 đồng (bán); tăng tới 25 đồng ở chiều mua và 45 đồng ở chiều bán.

Sau hơn 20 ngày cơ quan quản lý giảm tỷ giá bán ra của Sở giao dịch để can thiệp thị trường, đến nay, giá USD đã tăng trở lại. Trước đó ngày 3/7, Ngân hàng Nhà nước đã giảm tỷ giá bán ra từ 23.300 đồng về 23.050 đồng.

Đây là đợt tăng thứ tư của giá USD tính từ đầu năm đến nay và cũng là đợt tăng mạnh nhất. Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá tăng mạnh do áp lực đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc) phá giá. Bên cạnh đó, các đồng tiền của một số nước như Nhật Bản, Singapore giảm giá trong tháng vừa qua.

Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cũng cho biết, các đồng tiền trong khu vực dù mất giá nhanh hơn VND trong 1 tháng qua nhưng lại lên giá khá nhiều so với VND trong khoảng thời gian 1 năm. Ðiều này đã giúp xuất khẩu Việt nam hưởng lợi trong một thời gian dài. Ngoài ra, lượng vay nợ ngoại tệ của Việt nam là rất lớn nên cái lợi từ xuất khẩu cần phải cân đối với cái hại của áp lực trả nợ nước ngoài.

Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết đúng là thị trường đã lập tức phản ứng và nâng giá USD ngay khi NHNN bán ra với giá cao hơn so với mức niêm yết trước. Trước thông tin có nhiều quan ngại về việc Trung Quốc chủ động phá giá đồng NDT và có thể các quỹ ngoại sẽ lo ngại rút tiền về, vị này cho rằng, diễn biến trên thị trường cho thấy  không đến mức phản ứng mạnh thế.

"Hiện các thị trường đều xấu như nhau, cho nên các nhà đầu tư ngoại cũng không vội vàng rút tiền về nước, mà họ chỉ co cụm trên tài khoản", vị này nói và lưu ý "cầu" thị trường có đúng là có xu hướng tăng.

Có thể tỷ giá đang phản ứng quá mạnh với động thái mới của NHNN bởi trong ngắn hạn cung cầu ngoại tệ vẫn tương đối cân bằng, đặc biệt sau khi NHNN đã bán ra dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, áp lực về dài hạn không nhỏ bởi cả các yếu tố trong và ngoài nước.

Trong nước, cán cân thương mại yếu dần với -880 triệu USD nhập siêu trong nửa đầu tháng 7, đồng thời dòng vốn ngoại khó có thể duy trì mức cao như nửa đầu năm. Từ bên ngoài, việc đồng CNY liên tục mất giá cũng cần đặc biệt lưu ý. Trong tuần qua, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm USD/VND tăng lên mức cao nhất trong 1 năm khiến đồng CNY mất giá -6.5% so với VND kể từ mức đỉnh.

Tỷ giá USD/VND đã có những diễn biến rất phức tạp trong tuần qua. Sau khi ra tín hiệu sẽ can thiệp thị trường và hạ giá bán USD xuống 23.050 từ ngày 4/7, thực tế tới tuần qua NHNN mới bán USD cho các NHTM.

Lượng ngoại tệ lớn được bán ra giúp bù đắp thiếu hụt cung cầu, tỷ giá của các NHTM khá ổn định trong cả tuần, giao dịch ở mức 23.010/23.080 đồng, tuy nhiên tỷ giá tự do vẫn không ngừng tăng, lên mức 23.270/23.320 đồng, tăng +90 đồng so với tuần trước, +2.64% so với đầu năm và lên sát mức trần 23.340 ứng với biên độ 3% so với tỷ giá tham chiếu 22.660 đồng.

Lãi suất USD liên ngân hàng duy trì ở mức cao, theo số liệu của NHNN thì lãi suất kỳ hạn qua đêm giao dịch ở sát mức 2% vào cuối tuần 13/7. Chênh lệch lãi suất USD-VND đảo chiều nhưng áp lực lên tỷ giá vẫn cao.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.