Giá vàng chịu áp lực giảm

Giá vàng chịu áp lực giảm
Giá vàng trong nước sáng nay hầu như không thay đổi so với cuối tuần vừa rồi, do giá vàng thế giới mở cửa tuần giao dịch mới với mức tăng yếu. Giới phân tích quốc tế cho rằng, giá vàng tuần này có thể giảm sâu hơn.

Đầu giờ sáng nay, giá vàng miếng các thương hiệu trong nước phổ biến ở mức trên 2.065.000 đồng/chỉ (mua vào) và quanh 2.075.000 đồng/chỉ (bán ra), ít thay đổi so với cuối tuần qua.

Tại hệ thống Ngân hàng Sacombank, giá vàng miếng SBJ lúc 9h sáng nay đứng ở mức 2.068.000 đồng/chỉ (mua vào) và 2.074.000 đồng/chỉ (bán ra).

Tại thị trường Tp.HCM, giá vàng miếng Phượng Hoàng của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tương ứng là 2.068.000 đồng/chỉ và 2.074.000 đồng/chỉ.

Trong hai ngày cuối tuần vừa rồi, hoạt động giao dịch trên thị trường vàng miếng tiếp tục được cải thiện. Anh Trần Việt Nam, đại diện của Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, cho biết, khối lượng giao dịch hàng ngày tại công ty kể từ thời điểm giá vàng có sự điều chỉnh giảm mạnh vào ngày thứ Năm tuần trước đã tăng gấp rưỡi so với thời gian giao dịch ảm đạm trước đó.

Theo anh Nam, hoạt động mua vào của các nhà đầu tư tại Bảo Tín Minh Châu đang chiếm 85%, trong khi hoạt động bán ra chỉ chiếm chừng 15%. Tuy nhiên, các nhà đầu tư mua vào ở thời điểm hiện nay vẫn là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, mua với khối lượng hạn chế, chủ yếu với mục đích tích trữ. “Lác đác có vài khách mua tới 50 cây”, anh Nam nói.

Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lúc 9h30 sáng nay đứng ở mức 2.068.000 đồng/chỉ (mua vào) và 2.074.000 đồng/chỉ (bán ra). Cùng thời điểm, tại chi nhánh Hà Nội của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng SJC có giá tương ứng là 2.068.000 đồng/chỉ và 2.074.000 đồng/chỉ.

Giới kinh doanh vàng cho rằng, các nhà đầu tư vàng vẫn đang thận trọng, đợi sự điều chỉnh giảm sâu hơn của giá kim loại này. Theo một nhà kinh doanh vàng, việc giá vàng giảm 20.000 đồng/chỉ trong tuần trước đã giúp giao dịch ấm lên, nhưng để thị trường có những chuyển biến thực sự, giá vàng cần phải giảm về sát mức 20 triệu đồng/lượng, hoặc thậm chí dưới mốc này.

“Những dự báo về việc giá vàng quốc tế sẽ còn giảm mạnh trong ngắn hạn khiến tâm lý chờ đợi vẫn còn đeo đẳng thị trường”, một nhà kinh doanh vàng nhận định.

Ở thời điểm hiện tại, so với giá vàng thế giới quy đổi, chưa tính thuế và các chi phí khác, giá vàng miếng bán ra trong nước đang cao hơn khoảng 1,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng khớp lệnh tại Trung tâm Giao dịch vàng SBJ tính tới 10h38 sáng nay dao động trong khoảng 19,50-19,64 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, tại sàn này có trên 221.000 lượng vàng được các nhà đầu tư sang tay thành công.

Một tuần giảm nữa của giá vàng?

Thị trường vàng giao ngay thế giới mở cửa tuần giao dịch mới với xu thế tăng yếu tại châu Á, phổ biến trong vùng 914-915 USD/oz trên bảng giá vàng điện tử Kitco.com.

Trong vòng một tháng rưỡi trở lại đây, xu thế giảm giá đã định hình rõ nét trên thị trường vàng thế giới do những áp lực đến từ sự mạnh lên của USD, dự báo lạm phát suy yếu, và sự dịu bớt của khủng hoảng tài chính. Một cuộc điều tra do hãng tin tài chính Bloomberg tiến hành đối với các nhà giao dịch, đầu tư và phân tích vàng cho thấy, 21 trong số 32 người được hỏi dự báo giá vàng tuần này sẽ giảm tiếp, 5 người dự báo tăng, và 6 người có quan điểm trung tính.

Các chuyên gia tư vấn thị trường vàng của Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sacombank (Sacombank-SBJ) cho rằng, giá vàng tuần này chịu tác động đan xen của những yếu tố tích cực và tiêu cực.

Trong tuần, thị trường tài chính Mỹ sẽ đón nhận kết quả kinh doanh quý 2 của nhiều tập đoàn lớn, đặc biệt là khối ngân hàng, như JPMorgan Chase, Citigroup, Goldman Sachs, Bank of America… Dự báo, những báo cáo kết quả kinh doanh này sẽ không mấy tốt đẹp, thúc đẩy giới đầu tư dè chừng hơn với thị trường chứng khoán, gom mua nhiều hơn USD, làm đồng tiền này lên giá, tạo áp lực đẩy giá vàng trượt sâu thêm.

Những thông tin kinh tế Mỹ khác đáng chú ý trong tuần bao gồm doanh số bán lẻ tháng 6 và chỉ số giá bán buôn (PPI) tháng 5 (thứ Ba), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) (thứ Tư)…

Theo Mai Phương
VnEconomy

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.