Giá vàng tăng, giảm mạnh, ai có lợi?

Giá vàng tăng, giảm mạnh, ai có lợi?
Chưa bao giờ giá vàng biến động mạnh như vừa qua. Chỉ trong một thời gian ngắn, tính từ sau Tết Nguyên đán đến nay - tức từ 12/2 đến 28/2, giá vàng trong nước đã tăng gần 1 triệu đồng/lượng, mức tăng kỷ lục.
Giá vàng tăng, giảm mạnh, ai có lợi? ảnh 1

Giá vàng cuối ngày 28/2 tại TPHCM đứng ở mức 18,48 – 18,50 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với mức giá cao nhất trong ngày (18,60 triệu đồng/lượng).

Đến thời điểm này giá vàng tại thị trường tự do được giao dịch với mức bán ra 18,85 triệu đồng/lượng; mua vào là 18,77 triệu đồng/lượng.

Giá vàng biến động mạnh có tác động gì đến thị trường?

Thực tế cho thấy, đối với các doanh nghiệp vàng có quy mô hoạt động lớn, sự biến động giá là cơ hội kinh doanh và khẳng định bản lĩnh điều hành hoạt động của doanh nghiệp.

Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) Trương Công Nhơn cho rằng, với cách thu thập và xử lý thông tin qua mạng, SJC có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, mua bao nhiêu cũng bán và bán bao nhiêu cũng mua.

Trên thị trường vàng đã xuất hiện những nhà đầu tư hoặc nhóm nhà đầu tư ngắn hạn: mua vào khi giá thấp, bán ra khi giá cao, thu lãi nhanh với khối lượng mua bán từ vài chục đến vài trăm lượng vàng.

Tuy nhiên, với giá liên tục tăng cao như thời gian qua, đã có những nhà đầu cơ phá sản hoặc mất vốn: tính trên số tiền thu được thì có lời nhưng so với vốn vàng - từ lúc đầu bỏ ra - thì chỉ có lỗ. Họ an ủi nhau: vẫn hơn là gởi tiền tiết kiệm ở ngân hàng.

Giá vàng tăng không ảnh hưởng đến đời sống và tác động trực tiếp đến giá cả thị trường. Nhiều doanh nghiệp vàng đã khẳng định như vậy. Song vàng lại có tác động đến lạm phát.

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), chính khối lượng vàng tồn trữ trong dân nhiều năm qua không đưa vào lưu thông được là một trong những tác nhân.

Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), mức vàng Việt Nam nhập khẩu mỗi năm hơn 60 tấn, tương đương 1 tỷ USD. Lượng vàng đưa vào sản xuất hàng trang sức cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu chiếm chưa đến phân nửa.

Do vậy, lượng vàng nằm ở dạng tồn trữ trong dân hiện rất lớn - một khối lượng tiền khổng lồ không được luân chuyển và không thể tạo ra giá trị thặng dư ấy đang ngày một tăng.

Trong khi đó, vàng thu hút vào các ngân hàng thương mại rất ít do lãi suất thấp hơn tiền đồng; không doanh nghiệp nào dám vay vàng để kinh doanh vì rủi ro quá lớn. Làm sao thu hút khối lượng vàng rất lớn còn nằm trong nhà dân, tạo dòng chảy đưa vào lưu thông là vấn đề cần được quan tâm.

Cũng theo nhận định của các doanh nghiệp vàng, trong khi nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nữ trang nhỏ đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, nhiều thợ kim hoàn phải chuyển nghề vì giá vàng "nhảy múa" thì các doanh nghiệp vàng của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam là có lợi: họ sản xuất hàng trang sức bằng nguyên liệu tại chỗ rẻ hơn (cả năm nay, vàng trong nước thường thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 200.000 đồng/lượng) và bán ra với giá cao (xuất khẩu theo giá vàng thế giới) 

Theo Thiên Ngân
 Sài Gòn giải phóng

MỚI - NÓNG