Đi lại dịp Tết:

Giá vé 'cắt cổ', bắt khách như 'xe dù'

Giá vé 'cắt cổ', bắt khách như 'xe dù'
TP - Bến xe đông, nhiều xe khách chất lượng cao tăng giá, bắt khách như xe dù. Làm ăn chụp giật là cụm từ được nhiều người dân nói đến khi phải đi lại bằng xe khách trong dịp gần Tết Nguyên đán...
Giá vé 'cắt cổ', bắt khách như 'xe dù' ảnh 1
Hành khách vật lộn với hành trình về quê ăn Tết (ảnh chụp sáng 7/2 tại Bến xe Mỹ Đình) - Ảnh: Đức Nam

Sáng sớm ngày 7-2, đoạn đường từ Giải Phóng tới Bến xe Nước Ngầm đã kẹt xe nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do lượng xe khách tại 2 bến Giáp Bát và Nước Ngầm tăng đột biến, cộng thêm các dòng xe chạy sai làn đường.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, hiện nay tuyến Hà Nội - Vinh/Hà Tĩnh, duy nhất có xe khách của Cty Văn Minh vẫn giữ nguyên giá vé 115 nghìn đồng (về Vinh) và 130 nghìn đồng (về Hà Tĩnh).

Đây cũng là hãng xe duy nhất giới hạn bán 1 người chỉ được mua 4 vé như ga Hà Nội và bị đầu nậu gom vé rao bán trên mạng với giá cao gấp đôi.

Thậm chí đại diện công ty này phải mua lại vé của đầu nậu (với giá cao) để bán lại bằng giá gốc.

Tại Bến xe Nước Ngầm, các xe chạy tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh tha hồ đón khách dù giá vé tăng cao ngất ngưởng.

Trong bến treo hai bảng thông báo giá cước vận tải mới với mức tăng cao nhất là 70%. Giá vé xe khách giường nằm Hà Nội - Hà Tĩnh ngày thường có giá chỉ 140 nghìn đồng nhưng nay hầu như các hãng xe đã đồng loạt tăng giá lên 220 nghìn đồng. Giá vé xe ghế ngồi tăng từ 120 lên 180 nghìn đồng.

Tuy tăng giá vé cao nhưng không ít xe khách vẫn bố trí thêm các ghế nhựa để bắt khách dọc đường.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, các doanh nghiệp vận tải khách Hà Tĩnh đã làm công văn trình lên các cơ quan chức năng từ hồi tháng 1 về việc tăng giá cước dịp cao điểm đi lại này.

Thực ra, việc tăng giá vé không thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước nhưng tăng cao ngất ngưởng trong dịp lượng xe không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại đã thể hiện tính chụp giật của một số doanh nghiệp.

Theo cách lý giải của những doanh nghiệp tăng giá vé: Khách chỉ đông một chiều, chiều còn lại chạy rỗng nên điều chỉnh giá vé để bù đắp lại.

Chiều 7-2, một lãnh đạo Bến xe Nước Ngầm cho biết vừa xử phạt một nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Tân Kỳ (Nghệ An) vì tùy tiện tăng giá vé. Doanh nghiệp này đã thông báo tăng cước từ 100 nghìn đồng lên 140 nghìn đồng nhưng khi đi trên đường lại tiếp tục thu của khách 40 nghìn đồng nữa.

Bến xe Nước Ngầm cho biết, khi gặp trường hợp tương tự, hành khách có thể gọi vào đường dây nóng: 04.38615312.

Sáng 7-2, trên các trục đường chính tại cửa ngõ Thủ đô, CSGT và cảnh sát trật tự chốt tại nhiều điểm nhưng nhiều xe khách vẫn cố tình vi phạm.

Chiều 7-2, Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Đội trưởng CSGT số 6 (tuần tra kiểm soát đoạn từ Bến xe Mỹ Đình tới Nga ba Hoàng Quốc Việt) cho biết, trong ngày đã xử lý 37 xe khách các loại dừng đỗ đón khách sai quy định.

Trước đó, ngày 6-2, CSGT số 6 đã xử lý 54 trường hợp xe khách vi phạm. 

Chỉ một đoạn đường từ Bến xe Mỹ Đình tới Ngã ba Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt có 4 lực lượng chốt (CSGT Từ Liêm, CSGT dẫn đoàn, CSGT số 6 và đội trật tự). Người dân bắt xe đứng hai bên vệ đường đông không kém trong bến.

Theo quan sát của PV Tiền Phong, hầu như xe khách nào cũng tận dụng cơ hội bắt khách dọc tuyến đường từ cửa Bến xe Mỹ Đình tới chân cầu Thăng Long.

Ngay đoạn ngã ba Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt, từ sớm đã có một đội cảnh sát trật tự đứng dàn hàng ngăn không cho các xe khách dừng đỗ bắt khách gây ùn tắc tại vị trí trọng yếu lưu thông. Tuy nhiên, chỉ qua đó một đoạn (phía cầu Thăng Long), nhiều xe vẫn tranh thủ vợt khách.

Đáng ngạc nhiên nhất, những xe có thương hiệu như Kumho - Việt Thanh (từng được mệnh danh là hàng không mặt đất) vẫn tranh thủ vợt khách; xe khách thương hiệu ABC thong dong đón khách ngoài Bến xe Nước Ngầm như xe dù.  

MỚI - NÓNG