Giá xăng dầu giảm - Sao cước vận tải không giảm?

Giá xăng dầu giảm - Sao cước vận tải không giảm?
Mỗi lần xăng dầu tăng giá, ngành vận tải là đơn vị “kêu” nhiều nhất. Đáp lại sau đó là giá cước vận tải được tăng lên. Nay giá xăng dầu đã giảm, vận tải vẫn cho áp dụng giá cước “thời đắt đỏ”...
Giá xăng dầu giảm - Sao cước vận tải không giảm? ảnh 1

Giá xăng dầu cao, hành khách bị thiệt vì giá cước vận tải tăng theo. Ảnh: C.TH.

Vì sao cước vận tải không chịu xuống giá?

Cước vận tải: lên dễ, xuống khó?

Taxi là một trong những phương tiện vận tải chịu tác động lớn từ biến động của giá xăng dầu. Cước taxi hiện là 8.500đ/km, tăng 500đ so với thời điểm tháng 6.

Ông Võ Ba, Giám đốc Taxi VinaSun, cho rằng khó mà giảm cước taxi trong thời điểm hiện nay, dù xăng đã giảm 500đ/lít so với thời điểm tháng 9. Cước tăng do tích lũy của việc tăng giá xăng dầu nhiều lần qua trong năm.

Ông dẫn chứng: cách đây chừng 8 năm, xăng khi đó chừng 5.500đ/lít, giá taxi là 6.000đ/km. Nay xăng 10.500đ/lít, giá taxi 8.500đồng/km thì rõ ràng cước taxi giảm chứ không tăng.

Trong khi đó chất lượng phục vụ của taxi ngày càng tốt hơn, xe cũng xịn hơn trước rất nhiều (giá khởi điểm 6.000đ/km đã hợp lý chưa chúng tôi sẽ có dịp đề cập sau)… 

Cũng theo ông Võ Ba, đợt tăng giá thêm 500đ/km với taxi vừa qua vẫn chỉ là “giải pháp tình thế của kinh doanh taxi”.

Căng thẳng nhất là vào đợt tháng 9, khi đó xăng 11.000đ/lít, tính ra mỗi ngày công ty phải bù lỗ 8 triệu đồng xăng dầu cho hơn 900 chiếc taxi của công ty. Dù giá xăng đã giảm 500đ/lít, nhưng cước taxi khó mà giảm vì kinh doanh taxi “đang bão hòa vốn chứ chưa sinh lời”.

Cước taxi chỉ có thể giảm 500đ/km khi giá xăng xuống còn khoảng 9.500đ/lít, ông Võ Ba khẳng định như vậy. 

Chưa hết. Vào thời điểm tháng 9-2006, giám đốc một hãng taxi đã từng kêu ca: xăng chiếm khoảng 30% giá thành của dịch vụ taxi, mỗi lần xăng tăng giá, kinh doanh taxi phải đối đầu với vấn đề sụt giảm doanh thu và thậm chí bù lỗ. Nếu giá xăng còn tăng nữa thì doanh nghiệp taxi chỉ có nước kinh doanh… xích lô.

Càng khó khăn hơn khi Chính phủ khống chế mức giá cước vận tải chỉ được tăng tối đa 8%. Trong thời gian này thì doanh nghiệp phải chịu trận thôi!

Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết,  hiện bến có gần 4.000 xe, trung bình có trên 1.000 xe rời bến mỗi ngày. Từ đầu năm đến nay, cước vận tải chỉ tăng một lần: 8% (riêng tuyến đi Bình Dương, Bình Phước tăng 14% do tuyến này có nhiều trạm thu phí).

Tính ra, cước tăng nhưng cũng không thấm vào đâu vì chỉ tăng 11đ/km, trong khi đó giá xăng của thời điểm tăng cước là dưới 8.000đ/lít. Đây chính là nguyên nhân vì sao hiện giá xăng dầu đã giảm so với thời điểm tháng 9, nhưng cước vận tải vẫn không giảm.

Ông Thừa cho rằng, khi nhà nước đã điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới thì cước vận tải cũng tuân theo quy luật này, tức là Cục Đường bộ nên kiến nghị với Chính phủ cho khung giá cước vận tải có giá sàn và giá trần. Khi giá xăng dầu lên hay xuống thì cước vận tải theo đó mà điều chỉnh, điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay.

Được biết trong tháng 11 tới, Hiệp hội vận tải sẽ tổ chức hiệp thương tuyến vận tải Hà Nội- TPHCM, sẽ đi theo hướng trên, nếu hiệp thương thành công, sẽ dần áp dụng khung giá cho các mô hình vận tải khác. Khi đó, giá xăng dầu lên, cước vận tải sẽ lên và ngược lại. Đây là hướng tất yếu của thị trường.

Giá xăng dầu: bao giờ xuống nữa?

Điểm lại tình hình xăng dầu. Từ 17g ngày 12-9, giá xăng chính thức giảm 1.000đ/lít trên toàn quốc. Cụ thể, giá xăng A92 giảm từ 12.000đ/lít xuống còn 11.000đ/lít; xăng A90 giảm từ 11.800đ/lít xuống còn 10.800đ/lít; xăng A83 giảm từ 11.600đ/lít xuống còn 10.600đ/lít.

Kế đó, từ 21g ngày 6-10, giá bán lẻ xăng các loại trên toàn quốc chính thức giảm xuống 500đ/lít.

Về vấn đề cước vận tải, ông Nguyễn Ngọc Thừa cho rằng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn muốn “nắm đằng chuôi”, nhưng người tiêu dùng, trong đó có các nhà xe và hành khách chỉ hiểu cơ quan quản lý và doanh nghiệp kinh doanh đã lấy lý do giá dầu thế giới tăng để tăng giá bán, vậy nay khi giá thế giới giảm, giá xăng bán lẻ trong nước cũng phải giảm.

Khi giá xăng dầu giảm thêm thì có lẽ khi đó Hiệp hội vận tải sẽ có ý kiến trình các cấp thẩm quyền xem xét vấn đề giá cước một cách hợp lý.

Như vậy, sau chưa đầy một tháng, giá xăng bán lẻ trên thị trường lại tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm xuống. Với mức giảm 500đ/lít được công bố, giá xăng A92 giảm từ 11.000đ/lít còn 10.500đ/lít, xăng A90 giảm từ 10.800đ/lít xuống còn 10.300đ/lít, xăng A83 giảm từ 10.600đ/lít xuống còn 10.100đ/lít….

Thế nhưng mức giảm này cũng khó mà bù đắp khó khăn cho doanh nghiệp vận tải vì tính chung sau hai lần tăng giá gần đây, giá xăng đã tăng thêm khoảng 20%, còn giảm xuống chưa đầy 5%. Điều này nói lên khó khăn lớn mà doanh nghiệp vận tải đang chịu đựng, giám đốc một hãng xe vận tải tư nhân cho biết như vậy. 

Trong khi đó vào cuối tuần trước, Bộ Tài chính đang tính phương án giảm tiếp giá xăng bán lẻ trong nước ở mức 500đ/lít. Đây là tín hiệu lạc quan để cước vận tải  có “thời cơ” giảm giá.

“Tuy nhiên, mức giảm dự kiến trên còn quá thấp, bởi căn cứ giá dầu thế giới hiện nay, thì đúng ra giá bán lẻ xăng trong nước sẽ có giá chừng 9.500đ/lít, khi đó chúng tôi sẽ xem xét đến việc giảm cước taxi…”, ông Võ Ba nhận định.

Mong đợi này hoàn toàn có cơ sở, bởi cuối năm 2005, khi giá dầu thị trường thế giới ngang với mức giá hiện nay, giá xăng bán lẻ trong nước là 9.500đ/lít xăng Mogas 92, còn hiện nay giá bán lẻ xăng cùng loại là 10.500đ/lít, cao hơn 1.000đ/lít.

Mặt khác, theo tính toán của các nhà kinh doanh, với giá xăng dầu thế giới cũng như mức thuế nhập khẩu và giá xăng bán lẻ trên thị trường như hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn có lãi cao. Do đó, việc tiếp tục giảm giá bán lẻ xăng là điều có thể thực hiện được.

Theo Bá Tân
SGGP

MỚI - NÓNG