Giấc mơ đà điểu trên miền cát

Giấc mơ đà điểu trên miền cát
TP - Bỏ ra số tiền hàng chục tỷ đồng, một người gốc Quảng Trị tạm gác việc làm ăn đang thuận lợi ở TP Hồ Chí Minh, trở về vùng đất nghèo cát trắng để thực hiện ước mong nuôi đà điểu.
Giấc mơ đà điểu trên miền cát ảnh 1
Trại đà điểu ở vùng cát Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị

Ông là Lê Phước Bình, 52 tuổi, gốc ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, nhưng sinh ra và lớn lên ở miền Bắc khi cha ông đi tập kết. Năm 17 tuổi, ông đi bộ đội ở đơn vị Phòng không Không quân đóng ở Cần Thơ, rồi tham gia các chiến dịch ở Campuchia.

Ra quân, ông chuyển về công tác ở Cty Cao su Bình Long. Vài năm sau, ông lập công ty may ở TPHCM. Những năm tham gia trong quân ngũ đã tôi luyện cho ông một ý chí mạnh mẽ, táo bạo.

Đứng trên dải đất cát mênh mông ở quê nhà Quảng Trị đến nhức mắt, chốc chốc cơn gió khô hanh thổi qua những đụn cát bay tứ tung, ông nghĩ lung lắm.

Ông nhớ cách đây vài năm, có lần sang Trung Quốc giao dịch công việc, thấy người ta nuôi đà điểu rất tốt. Rồi những lần tham quan tại các trại giống đà điểu như ở Tam Kỳ (Quảng Nam), Ba Vì (Hà Nội), càng thôi thúc ông về quê phát triển mô hình nuôi đà điểu.

Đầu năm 2008, ông về Quảng Trị xin cấp phép thành lập Cty TNHH Một thành viên Thịnh Phước Dynamic đóng trụ sở ngay tại vùng cát xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng để thực hiện dự án nuôi đà điểu.

Sau tám tháng nuôi, đà điểu có thể xuất chuồng và đạt trọng lượng tối đa 1,5 tạ. Với giá bán khá cao trên thị trường hiện nay, việc nuôi đà điểu có lợi nhuận hơn trâu, bò nhiều lần là điều có thể.

Ông dự định, nếu mọi việc suôn sẻ, sau ba năm ông sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhà máy chế biến thức ăn cho đà điểu, khu sản xuất đồ mỹ nghệ, khu tham quan sinh thái trên diện tích hai hecta gần với khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc, trong đó lấy đà điểu làm trung tâm nhằm kích thích phát triển cho vùng cát Hải Lăng.

Tháng 10/2008, sau khi được tỉnh đồng ý phê duyệt dự án và cấp đất, ông đầu tư 23 tỷ đồng để cho xây dựng cơ sở hạ tầng như chuồng trại, trụ sở công ty, trồng cỏ làm thức ăn trên diện tích ban đầu khoảng 10 ha tại vùng cát xã Hải Thượng.

Sau đó ông trực tiếp lặn lội vào tận Trung tâm Giống Đà điểu ở Tam Kỳ (Quảng Nam) chọn mua 400 con đà điểu giống khoảng ba tháng tuổi (trọng lượng từ 18-20kg, giá 1,2 triệu đồng/con giống) về thả. Qua một tháng thả nuôi, có những con đạt trọng lượng trên 30 kg.

Để tiện chăm sóc cho lũ đà điểu, ông cho tuyển kỹ sư và 10 công nhân vào làm thường xuyên với lương khởi điểm khoảng 1,4 triệu đồng/tháng/lao động. Ông Bình cho biết, mô hình trang trại nuôi sau khi xây dựng hoàn tất trên toàn bộ diện tích 15 ha sẽ tốn chi phí đến 47 tỷ đồng.

Để dân sớm tiếp cận và làm quen với các sản phẩm từ đà điểu cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ, ông mở đại lý bán lẻ thịt đà điểu (mỗi kilôgam có giá 120.000-180.000 đồng) tại công ty và thị xã Đông Hà, sắp tới ông dự định sẽ mở rộng đại lý ra các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế.

MỚI - NÓNG