Giải cứu kẹt xe, ngập nước cho sân bay Tân Sơn Nhất

Sân bay Tân Sơn Nhất ngập nước sau cơn mưa tối 26/8. Ảnh: CTV.
Sân bay Tân Sơn Nhất ngập nước sau cơn mưa tối 26/8. Ảnh: CTV.
TP - Ngày 16/9, làm việc với Sở Giao thông Vận tải TPHCM về chống ngập cấp bách cho sân bay Tân Sơn Nhất, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết sân bay có 50 bến đỗ máy bay đang khai thác. Các trận mưa to vừa qua đã gây ngập bến đậu số 11, 12, 26, 27 và đường lăn M1 trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Nguyên nhân chính gây ngập là hệ thống thoát nước từ sân bay qua mương A41 bị lấn chiếm, bồi lấp tạo thành nút thắt, gây khó khăn cho việc thoát nước.

Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết bên trong sân bay chia làm 3 khu vực thoát nước. Trong đó, khu vực hành chính, khu sân golf thoát nước về hướng đường Phạm Văn Bạch ra kênh Tham Lương. Hướng thứ hai là khu vực nhà ga quốc tế và khu vực sửa chữa máy bay nước thoát ra mương Nhật Bản. 

Hướng thoát nước thứ ba là khu vực sân đậu máy bay, thoát ra mương A41 ra đường Cộng Hòa. Do mương A41 có một đoạn bị lấn chiếm, bồi lấp tạo thành nút thắt nên khi mưa lớn nước không thoát kịp gây ngập sân đậu máy bay.

Ngành hàng không đã triển khai nhiều phương án chống ngập bên trong sân bay, như nạo vét hệ thống thoát nước phía trong sân bay, đồng thời tăng cường sử dụng hai máy bơm (công suất mỗi máy 1.500m3/giờ) để bơm nước từ khu vực sân đậu ra mương A41. Về hướng lâu dài, phương án làm hồ điều tiết chống ngập trong sân bay đang được nghiên cứu.

Theo trung tâm điều hành chương trình chống ngập, nguyên nhân gây ngập ngoài các trận mưa cực đoan có lượng mưa quá lớn xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là trận mưa ngày 26/8 có lượng mưa 149 mm, vượt gấp đôi tần suất thiết kế cống hiện nay, tình trạng lấn chiếm các mương thoát nước chính cho khu vực sân bay làm hạn chế khả năng thoát nước. Để giải cứu sân bay mỗi khi mưa lớn, HĐND TPHCM đã chấp thuận đầu tư dự án cải tạo mương  A41 gồm hai giai đoạn với tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng, trong đó khoảng 400 tỷ đồng chi cho công tác bồi thường giải tỏa.

Ngoài ra, trung tâm chống ngập đang triển khai và sẽ hoàn tất dự án cải tạo mương Nhật Bản (phía bên ngoài sân bay) vào tháng 9 để tăng năng lực thoát nước cho sân bay. Tổng chiều dài tuyến mương hơn 1,2 km từ tường rào sân bay đến đường Nguyễn Kiệm đang được lắp đặt cống hộp đôi (2 x 2,5m). Riêng dự án cải tạo kênh Hi Vọng với chiều dài hơn 1,8 km, chiều rộng kênh từ 6 -10 m dự kiến sẽ khởi công trong năm 2017, hoàn thành vào năm 2019.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết đã đề xuất UBND TPHCM thực hiện 5 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng để giảm kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. 

Theo đó, TPHCM sẽ cho xây dựng cầu vượt thép chữ y một chiều tại nút giao thông đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (Q.Tân Bình) với vốn đầu tư hơn 771 tỷ đồng. 

Từ đường Trường Sơn, nhánh 1 nối vào nhà ga quốc nội và nhánh 2 vào ga quốc tế. Giai đoạn hai tiếp theo, TPHCM sẽ xây hầm chui qua đường Trường Sơn, theo hướng từ cửa ra nhà ga quốc nội đi sang đường Hồng Hà với chiều rộng 6,5m, tổng chiều dài hầm 390m.

Ngoài ra, TPHCM sẽ làm cầu vượt chữ Y với nhánh Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn và nhánh Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm có tổng vốn đầu tư hơn 504 tỷ đồng. Dự án đã được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải đề xuất ba dự án khác, gồm: cải tạo, mở rộng đường Hoàng Minh Giám, đoạn từ ranh công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn nối đường Phổ Quang hiện hữu (Q.Phú Nhuận); mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (Q.Tân Bình).

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.