Siêu thị nhắc địa phương nắm chắc tình hình xuất khẩu

Đại diện nhiều siêu thị cho hay, đã tiếp nhận được thông tin từ nhiều doanh nghiệp về việc không cần giải cứu thanh long, dưa hấu nữa
Đại diện nhiều siêu thị cho hay, đã tiếp nhận được thông tin từ nhiều doanh nghiệp về việc không cần giải cứu thanh long, dưa hấu nữa
TPO - Tại cuộc họp của Bộ Công Thương với các địa phương và doanh nghiệp, hiệp hội nông sản, các hệ thống siêu thị ngày 11/2, trong khi các địa phương vẫn kêu đang gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản, đại diện nhiều hệ thống siêu thị khẳng định địa phương cần xem lại số liệu thống kê vì diễn biến thực tế trái ngược hoàn toàn với những con số các địa phương cung cấp.

Địa phương lo ế

Đến dự hội nghị với tâm thế mong tìm được nhà tiêu thụ lớn để hỗ trợ cho bà con nông dân, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho hay, phần lớn các sản phẩm nông sản của tỉnh đều xuất sang Trung Quốc nên hiện nông sản tại địa phương tồn đọng khá lớn vì Trung Quốc đóng cửa khẩu.

Theo ông Dũng, cùng với nhiều loại nông sản đang gặp khó, điều đáng lo hiện nay, chính là xoài- mặt hàng chủ lực của tỉnh- chỉ còn 30 ngày nữa là thu hoạch với sản lượng ước tính khoảng 90 nghìn tấn nên việc tiêu thụ thời gian tới rất đáng lo ngại trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị đình trệ. Khoai lang sản lượng 11 nghìn tấn, nhãn 1.200 tấn, ớt, mít, thanh long mỗi loại cũng lên tới hàng nghìn. “Riêng khoai lang, bà con nông dân khá hoang mang do đến giờ không tìm được nguồn tiêu thụ. Nông dân hiện cần hỗ trợ về lãi suất, kho hàng đông lạnh để giảm bớt sức ép về tiêu thụ cho bà con”, ông Dũng nói.

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Đồng Nai cho hay, từ nay đến tháng 5 là thời điểm hơn 9.000 tấn chuối sẽ vào vụ thu hoạch. Sản lượng xoài đang vào vụ thu hoạch trên địa bàn tỉnh cũng hơn 59.000 tấn. Các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng khác từ nay đến tháng 9/2020 là mít, chôm chôm (sản lượng ước tính 155.000 tấn), sầu riêng (39.000 tấn). “Tỉnh mong muốn Bộ Công Thương kết nối hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh”, bà Lan kiến nghị.

Theo ông Hà Lê Thanh Chung, Phó giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận, thanh long đang lưu kho đông lạnh tại các đơn vị hơn 7.000 tấn. Dự kiến sẽ còn khoảng 20.000 tấn sắp đến đợt thu hoạch tới. Tổng sản lượng thanh long sẽ dự kiến thu hoạch đến hết tháng 3 trên địa bàn tỉnh tới 96.000 tấn. Đây là số lượng rất lớn nên mong muốn hỗ trợ kết nối với các đơn vị thu mua và thuê kho đông lạnh để trữ hàng cho các doanh nghiệp.

Bày tỏ lo lắng về việc hàng trái cây đang tồn đọng trên địa bàn tỉnh, ông Đặng Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang cho hay, hiện các mặt hàng trái cây sắp cho thu hoạch ước tính hơn 215.000 tấn (xoài, thanh long, mít, nhãn…) nên việc tiêu thụ trong thời gian tới rất lo.

Hàng năm, nông sản xuất khẩu của tỉnh sang Trung Quốc hơn 40 triệu USD, để giải quyết tình trạng ùn hàng xuất khẩu, tỉnh đã tổ chức bán hàng ở các địa phương nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. “Phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất là việc tỉnh đang tính tới. Chi phí logistic của Việt Nam hiện rất cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Làm sao để giảm chi phí logistic và hỗ trợ tiền điện cho DN là việc cần cần làm của tỉnh trong thời gian tới”, ông Tuấn đề xuất.

Đưa ra hàng loạt số liệu cho thấy hầu hết các mặt xuất khẩu của Sơn La đang phụ thuộc thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho biết, việc Trung Quốc đóng cửa các cửa khẩu ảnh hưởng rất lớn đến hàng hóa của tỉnh và nếu không có giải pháp, tình hình sẽ rất khó khăn. Theo bà Doan, tỉnh có sản lượng ước tính khoảng 98 nghìn tấn mận, 190.000 tấn xoài và 220.000 tấn nhãn - là mặt hàng có sản lượng xuất khẩu lớn thứ hai của Sơn La.  

Siêu thị nói: Doanh nghiệp bảo không cần giải cứu nữa

Trước chia sẻ của các địa phương về việc hàng nông sản cần “giải cứu” đang tồn đọng nhiều, đại diện hàng loạt chuỗi siêu thị lớn nhất ở Việt Nam đều khẳng định, các thông tin địa phương cần giải cứu cần xem lại. Thực tế, những ngày qua, nhiều hệ thống siêu thị nhận được thông tin không cần hỗ trợ tiêu thụ nông sản nữa. Điều này hoàn toàn trái ngược với các thông tin các địa phương đang nêu những ngày qua.

Bà Đinh Hải Vân, Giám đốc thu mua miền Bắc, đại diện BigC&Go cho hay, từ 5/2 mỗi ngày trung bình tiêu thụ 100 tấn dưa hấu, gấp 10 lần lượng bán hàng ngày. Thanh long đỏ và trắng sản lượng tiêu thụ 70 tấn nhưng vài ngày qua, mỗi ngày các nhà cung cấp cho hệ thống chỉ cung cấp 25 tấn. “Đến sáng nay chúng tôi nhận được thông tin ở Tiền Giang không cần giải cứu thanh long nữa. Vì vậy đề nghị sở địa phương cho biết tình hình thực tế nông sản cần hỗ trợ ở địa phương để đơn vị có kế hoạch thu mua”, bà Vân cho hay.

Phó tổng giám đốc Công ty Vin Ecommerce, đại diện chuỗi siêu thị Vinmart, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho hay, sản lượng của sở công thương tỉnh yêu cầu hỗ trợ rất lớn nhưng thực tế doanh nghiệp khi thực hiện chương trình hỗ trợ tiêu thụ thì không được cung cấp đúng như đề nghị hỗ trợ tiêu thụ. “Như với Gia Lai, chúng tôi cần 60 tấn thanh long cho một hệ thống và 120 tấn cho hai hệ thống nhưng lượng hàng giao rất thấp, chỉ đạt 10 tấn/lần. Cùng với sự hỗ trợ nông dân của doanh nghiệp, chúng tôi cũng cần sự cam kết ngược lại từ người nông dân về sản lượng bán để doanh nghiệp không bị động trong kế hoạch bán hàng”, bà Thủy chia sẻ.

Bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua miền Bắc, đại diện hệ thống siêu thị Aeon Mall cho hay, hệ thống siêu thị của đơn vị tiêu thụ 60 tấn dưa hấu và 20 tấn thanh long/ngày. “Chúng tôi cũng nhận được thông tin là thanh long và dưa hấu giờ không cần giải cứu nữa. Các nhà cung cấp cũng không giao hàng cho chúng tôi nữa. Vì vậy cần thống nhất thông tin từ các địa phương”, bà Quỳnh chia sẻ. Đại diện Aeon cũng cho rằng, với các mặt hàng nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ, cũng cần xác định không phải hàng kém chất lượng thì đưa vào nhờ hỗ trợ tiêu thụ. Làm như vậy dần người tiêu dùng sẽ quay lưng lại.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại diện chuỗi siêu thị Coopmart cho hay, với 800 điểm bán trên toàn quốc, lượng hàng tiêu thụ của đơn vị mỗi ngày khoảng 1.600 tấn. Đây là số lượng rất lớn. Trong 3 ngày vừa rồi, đơn vị cũng nhận được thông tin về việc sản lượng thanh long và dưa hấu cũng được nhiều, không cần giải cứu nữa. Bản thân doanh nghiệp cũng phải đợi 2 ngày mới nhận được hàng giao.

Trước những chia sẻ khó khăn từ các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, doanh nghiệp siêu thị có hàng nghìn mặt hàng bán, vì vậy để DN không bị ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, người nông dân và các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ về sản lượng cần tiêu thụ.

MỚI - NÓNG