Giải mã nguyên nhân trung tâm thương mại thành “chùa Bà Đanh”

TTTM Tràng Tiền Plaza ảm đạm dù giảm giá nhiều mặt hàng vào cuối năm. Ảnh: Như Ý.
TTTM Tràng Tiền Plaza ảm đạm dù giảm giá nhiều mặt hàng vào cuối năm. Ảnh: Như Ý.
TP - Tại nhiều trung tâm thương mại (TTTM) sang trọng, hào nhoáng đang diễn ra cảnh chợ chiều: Nhân viên bán hàng chỉ ngồi chơi, buôn chuyện, vì vắng khách. Ngoài chuyện sức mua yếu, còn có yếu tố làm ăn thiếu chuyên nghiệp của một số TTTM.

Kỳ 1: Tăng khuyến mại vẫn đìu hiu

Cuối năm, nhiều TTTM tại Hà Nội đua nhau khuyến mại, giảm giá nhưng cảnh ế ẩm bao trùm khắp nơi. Thậm chí, có những TTTM cả ngày không có khách ghé qua.

Cần xem lại chiến lược bán hàng

9 giờ sáng ngày 12/1, tại TTTM Tràng Tiền Plaza (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chỉ thấy các nhân viên bán hàng đang dọn dẹp lại cửa hàng, lác đác bóng khách qua lại ngắm nghía. Sau nhiều lần chỉnh trang, cơ cấu Tràng Tiền Plaza “tái xuất” với đặc điểm nổi bật dễ thấy ngay từ bên ngoài (là những hoa văn trang trí cầu kỳ). Bên trong, là hàng loạt các gian hàng từ các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Kenzo, Christian Dior, Cartier, Rolex... Tại đây, các túi xách có giá từ 1.000 - 5.000 USD, thậm chí có cái lên đến 25.000 USD, đồng hồ trị giá bằng cả căn hộ chung cư cao cấp...

Hào nhoáng là vậy nhưng hoạt động mua bán ở đây dường như “đóng băng”. Một nhân viên bán hàng đồng hồ Cartier cho biết, chiếc đồng hồ rẻ nhất có giá 60 triệu đồng, cao nhất hơn 1,8 tỷ đồng. “Ngày cuối tuần còn có khách qua lại, đầu tuần không thấy bóng người ghé thăm. Nhiều lúc nhân viên bán hàng chỉ cần khách vào hỏi để nói chuyện thôi cũng không có”, nhân viên này nói.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội,  tính đến năm 2012 trên địa bàn có 110 siêu thị và 20 TTTM. Trong đó có 13 siêu thị hạng nhất, 26 siêu thị hạng hai, 48 siêu thị hạng ba. Riêng giai đoạn 2012 - 2014 đã có 8 TTTM được đưa vào hoạt động với kinh phí đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng. 

Nhiều thương hiệu lớn từ quần áo, giày dép, túi xách... cũng rơi vào cảnh tương tự. Thậm chí, nhiều thương hiệu giảm giá 50% khách hàng cũng không mặn mà. Chị Ngọc Ánh, nhân viên bán giày thương hiệu Joelle chia sẻ: “Cuối năm là dịp mua sắm lớn nhất nên cửa hàng đưa ra mức giảm giá cao để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, các mẫu giày cứ sáng đem ra bày, tối lại cất vào”.

Cũng nằm tại vị trí đắt giá ở thủ đô, TTTM Lotte Center (quận Ba Đình, Hà Nội) từ lúc khai trương tháng 9/2014 cho đến nay, thường xuyên khuyến mãi nhưng khách hàng đến tham quan là chủ yếu.

So về mật độ khách đến thì TTTM Royal City (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có phần nhỉnh hơn các nơi khác, bởi mặt bằng rộng và tích hợp nhiều điểm
vui chơi.

TTTM Mipec Tower (229 Tây Sơn, Hà Nội) dù đã “thoát xác” bằng cách đổi tên vẫn phải nhượng lại 4 sàn thương mại cho doanh nghiệp khác. Một TTTM có tiếng, tọa lạc trong khu nhà giàu tại Long Biên (Hà Nội) cũng vắng ngắt khách đến lạ lùng.

Lạm phát trung tâm thương mại?

Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phân tích, hiện nay xu hướng mua sắm các mặt hàng cao cấp tại Việt Nam đang lớn dần lên. Tuy nhiên, con số này không nhiều. Tâm lý khách hàng có tiền thường thích đi mua sắm ở nước ngoài. Bởi vì họ cho rằng, tại nơi sản xuất ra mặt hàng cao cấp có giá cả hợp lý và không sợ mua phải hàng nhái.

Hơn nữa, có những món hàng xa xỉ sau khi được trừ thuế, người mua có thừa tiền đi máy bay và thuê khách sạn.

TTTM mở ra phải hiểu đối tượng mình hướng đến để quảng bá. Không thể bày vào một TTTM hạng sang toàn các mặt hàng bình dân rồi giảm giá, khuyến mại. Và ngược lại, nếu trưng bày các mặt hàng quần áo lên đến mấy nghìn USD tại những TTTM bình dân hiệu quả kinh doanh không đạt được”, bà Dung nói.

Ngoài các TTTM lớn như: Tràng Tiền, Lotte, Royal..., tại Hà Nội xuất hiện không ít TTTM mọc lên sau quá trình cải tạo các khu chợ truyền thống như: TTTM Hàng Da, Cửa Nam, Chợ Mơ...  Sở Công Thương Hà Nội từng dự kiến “đến năm 2020, quy mô dân số thủ đô sẽ là 9,4 triệu người, thu nhập bình quân 7.500 USD/người nên tổng mức bán lẻ sẽ đạt khoảng 45,6 tỷ USD…”. Do có tinh thần lạc quan đó nên dự kiến phải có khoảng 999 siêu thị và 64 TTTM để đáp ứng
nhu cầu.

Bà Ngô Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội trong cuộc họp tổng kết về mô hình chợ truyền thống lên TTTM cũng thừa nhận: Có một số chợ kết hợp TTTM hiệu quả chưa cao. “Sở Công Thương đã biết việc này, đã kiểm tra, đánh giá và báo cáo chi tiết lên UBND TP Hà Nội. Trong đó kiến nghị đối với công trình chưa khởi công cần phải rà soát quy mô, năng lực tài chính, thiết kế của chủ đầu tư. UBND TP đã đồng ý dừng triển khai mô hình chợ” - bà Lan nói.                                    

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.