Hàng loạt lãnh đạo tập đoàn nhà nước vướng vòng lao lý

Giải mã những nặng gánh lên nền kinh tế

Tập đoàn hóa chất Việt Nam đang loay hoay với các khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng của 4 dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vina Chem (Hải Phòng) và DAP2 - Lào Cai. Ảnh: Như Ý.
Tập đoàn hóa chất Việt Nam đang loay hoay với các khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng của 4 dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vina Chem (Hải Phòng) và DAP2 - Lào Cai. Ảnh: Như Ý.
TP - Theo các chuyên gia, việc bổ nhiệm cán bộ ở nhiều nơi, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty nhiều khi dựa trên yếu tố thân hữu, vây cánh, con ông cháu cha. 

Trong khi đó, việc giám sát đầu tư, quản lý vốn nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không chặt chẽ vô tình tạo điều kiện cho những “con sâu” đục khoét, làm mất vốn nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng chỉ trong vài dự án. Việc xử lý hình sự những kẻ gây thua lỗ và xử lý cả những người ra quyết định bổ nhiệm là cần thiết.

Làm giàu nhờ… “cơ chế”

Bình luận về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, xã hội đã lên tiếng từ lâu về thực trạng các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa đóng góp vai trò chủ đạo của nó cũng như với các nguồn lực được phân bổ cho khối này. Chẳng hạn, việc phân bổ ngân sách cho các DNNN vẫn rất lớn, có những cái chỉ DNNN họ mới được làm nên dẫn đến chuyện mặc nhiên các DN được coi là đóng góp chính cho nền kinh tế, như các tập đoàn ngành điện, dầu khí, khai thác khoáng sản...

Cũng không phải khu vực tư nhân không có khả năng làm được mà vì chúng ta chỉ cho DNNN làm, mãi sau này mới dần dần cho tư nhân tham gia vào các lĩnh vực khác nhau, song đặc quyền vẫn thuộc về các DNNN. Vì vậy, tỉ trọng các DNNN cao trong các lĩnh vực chủ chốt là điều không đáng ngạc nhiên. Do đó, DNNN mặc dù ít nhiều cũng đã cải thiện hiệu quả so với trước đây nhưng vẫn chưa tương xứng với nền kinh tế thị trường đang phát triển hiện nay, với yêu cầu nâng cao hiệu quả cạnh tranh.

Cũng theo bà Phạm Chi Lan, xét về hiệu năng sử dụng các nguồn lực của đất nước, DNNN hiệu quả kinh doanh thấp. “Một nước nghèo, rất thiếu thốn về nguồn lực, lại giao hết việc cho DNNN mà họ không sử dụng hiệu quả, đấy là nhân tố làm cho đất nước không phát triển được. Đáng nhẽ càng nghèo càng phải tiết kiệm tài nguyên, phải khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nhưng chúng ta lại trao vào tay những DNNN làm ăn không hiệu quả khiến cho nền kinh tế ngày càng rơi vào khó khăn”, bà Lan phân tích.

Giải mã những nặng gánh lên nền kinh tế ảnh 1 Trụ sở Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh: Như Ý.

Cũng theo bà Lan, việc duy trì tình trạng độc quyền quá cao, quá lâu như vậy làm triệt tiêu khả năng phát triển của các DN khác. Cũng vì thói quen các DNNN thường được hỗ trợ nhiều từ cơ chế nên các DN khác khi tham gia cơ chế thị trường cũng có thể chạy theo xu hướng thân hữu, kết nối với nơi nào đó có thể phân bổ nguồn lực để được hưởng lợi tương tự các DNNN. Như vậy, chính DNNN đã “đóng góp” vào việc tạo nên tình trạng thân hữu ở Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đi theo cách đó để làm thân với các cơ quan nhà nước, cố gắng để thuyết phục, giành được những ưu đãi, đặc quyền nhất định trong kinh doanh. Tất cả vô hình trung tạo nên xu hướng không cần biết công nghệ là gì mà chỉ cần biết ai, cơ quan nào có thể tạo thuận lợi cho mình, phân bổ lợi ích cho mình. Công nghệ của họ chính là “công nghệ phong bì”. Thực trạng đó tạo nên môi trường kinh doanh không tốt ở Việt Nam, tạo những thói quen không tốt cho DN Việt Nam, thúc đẩy tham nhũng. Lẽ ra DNNN phải tập trung lo cạnh tranh lành mạnh trên thương trường thì họ lại tập trung lo cho các mối quan hệ - một nhân tố vẩn đục rất xấu trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Giải mã những nặng gánh lên nền kinh tế ảnh 2 Trụ sở Tập đoàn Cao su Việt Nam. Ảnh: PV.

Cần chuyển nguồn lực cho khối DN tư nhân

Cũng theo bà Phạm Chi Lan, từ cách phân bổ nguồn lực cho DNNN tạo ra cách phân bổ quyền lực nói chung ở Việt Nam. Như vậy, DNNN chính là người khởi đầu cho những chuyện đó trong xã hội, trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay. Kể cả trong quá trình hội nhập, đáng nhẽ phải tiếp nhận cạnh tranh, mở cửa thị trường để tăng khả năng cạnh tranh của các DN lên, mở ra môi trường cạnh tranh trong nước.

Nhìn lại 10 năm hội nhập, tham gia WTO của Việt Nam với những cam kết rất mạnh về mở cửa thị trường nhưng thực tế, Việt Nam mở không được bao nhiêu, có cái mở, có cái đóng. Rốt cục, cái mở của Việt Nam là mở theo cam kết tạo thuận lợi cho các DN nước ngoài hơn là mở cho DN trong nước, vì vậy mà các DN tư nhân trong nước vẫn èo uột, không thể phát triển, bị chèn ép không thể kết nối với thị trường nước ngoài.

“Các DN tư nhân bị chèn ép bởi DNNN và cả DN nước ngoài, không được hưởng tự do kinh doanh một cách thực sự. Từ đó, DN tư nhân ngày càng teo tóp đi”, bà Lan phân tích.

Về việc tái cơ cấu, đổi mới DNNN, theo bà Lan, Chính phủ đã đưa ra vấn đề này từ hơn 20 năm nay nhưng thực tế không đạt được như mong muốn. “Cổ phần hóa về danh nghĩa là có giảm số DNNN đi. Tuy nhiên, khi tính lại tiêu chí DNNN theo luật định bây giờ chỉ DN 100% vốn nhà nước mới là DNNN. Tuy nhiên, hàng nghìn DN khác được cổ phần hóa nhưng tỉ trọng nhà nước vẫn quá cao thì vẫn phải coi họ là DNNN. Cứ tính như thế để tự động viên, an ủi, để tạo ra ngộ nhận Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu DNNN rất hiệu quả, điều đó không phải. Các vị lãnh đạo ở các cơ quan thực sự chịu trách nhiệm về vấn đề cổ phần hóa đã thừa nhận tỉ lệ vốn nhà nước được cổ phần hóa mới chỉ được 8% thôi, còn 92% vốn nhà nước vẫn còn nguyên đấy, không thể gọi là cổ phần hóa thành công được”, bà Lan phân tích.

Tất cả vô hình trung tạo nên xu hướng không cần biết công nghệ là gì mà chỉ cần biết ai, cơ quan nào có thể tạo thuận lợi cho mình, phân bổ lợi ích cho mình. Công nghệ của họ chính là “công nghệ phong bì”. Thực trạng đó tạo nên môi trường kinh doanh không tốt ở Việt Nam, tạo những thói quen không tốt cho DN Việt Nam, thúc đẩy tham nhũng.

Chuyên gia Phạm Chi Lan

MỚI - NÓNG