Giải mã TPbank trước giờ G niêm yết

Câu chuyện tự tái cơ cấu của TPBank đã trở thành một điểm sáng và bài học cho giới nhà băng.
Câu chuyện tự tái cơ cấu của TPBank đã trở thành một điểm sáng và bài học cho giới nhà băng.
TP - Sau khi HDbank mở hàng cổ phiếu ngành ngân hàng lên sàn Hose vào đầu năm nay, TPbank  đang trở thành cái tên thứ hai trong giới nhà băng ráo riết thực   hiện mục tiêu niêm yết. TPbank- họ là ai, sẽ chào sàn thế nào và liệu cổ phiếu ngân hàng này có được giới đầu tư săn đuổi như kỳ vọng? Hãy cùng Tiền Phong “mổ xẻ”…

Tự tái cơ cấu

Cách đây 8 năm, trong trào lưu nhà nhà đi đầu tư tài chính, tập đoàn FPT cũng không phải ngoại lệ. FPT đã tham gia thành lập công ty chứng khoán FPTS, công ty quản lý quỹ FPT Capital và ngân hàng Tiên Phong.

Tham gia thành lập TPBank cùng với FPT còn có một số tổ chức lớn nữa như Mobifone và ổng công ty Tái bảo hiểm Vinare. Đi vào hoạt động từ giữa năm 2008, ngân hàng này đã đạt được kết quả khả quan trong những năm đầu hoạt động.  Tuy nhiên, Tiên Phong đã sớm gặp phải nhiều biến cố lớn vào năm 2011 với mức lỗ tương đương ½ vốn điều lệ. Tình thế này buộc ngân hàng phải được “giải cứu” khẩn cấp.

Còn nhớ, giai đoạn 2011-2015, Tiên Phong là một trong 9 ngân hàng phải tái cơ cấu giai đoạn 1. May mắn, khi đó, thay vì phải chờ “gả” bán hay sáp nhập, Tiên phong  gặp một nhà đầu tư có số má. Việc “đại gia” vàng bạc Đỗ Minh Phú cùng người em trai là ông Đỗ Anh Tú quyết  định “tất tay” bán hết cổ phần tại nhà máy Diana là con gà đẻ trứng vàng lấy một cục tiền to (180 triệu USD) và rót thẳng vào đã làm thay đổi số phận Ngân hàng.

5 năm tự tái cơ cấu ngân hàng, dù có những thời điểm bế tắc kiểu như “húc đầu vào đá” (lời ông Đỗ Minh Phú) nhưng đến giờ này, vị chủ tịch Hội đồng quản trị vốn là “đại gia vàng bạc” và em trai đã gặt được trái ngọt đáng kể. Ngoài sự ổn định về mặt cơ cấu cổ đông, setup lại toàn bộ hình ảnh, thương hiệu (đổi tên thành Ngân hàng TienphongBank), đến hết quý 1/2017, ngân hàng đã khắc phục được hoàn toàn lỗ lũy kế và thặng dư âm vốn cổ phần, rồi sau đó ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 1.200 tỷ trong năm 2017.

Lột xác

Trả lời báo chí, ông Đỗ Minh Phú, chủ tịch HĐQT TPBank từng thừa nhận: Quyết định đầu tư vào vào Ngân hàng Tiên Phong lúc đó với tôi như “lao đầu vào đá”. “TiênPhong Bank khi đó có 3 cái tôi gọi là 3 “không”. 1/không có cách đúng, cách chuẩn để phát triển của 1 NHTM; 2/ Không có một đội ngũ lãnh đạo đủ năng lực; 3/ Không có đủ công nghệ. Làm thế nào để làm được đối với tôi khi đó gần như là việc bất khả thi”, ông Phú kể và tự rút ra kết luận: Sự thành công của  TPBank đến từ  may mắn không phải loay hoay tìm nguồn tiền ngoài. Bên cạnh,  NH đã có một sự quản trị thực mà ở đây vai trò của những lãnh đạo rất quan trọng. Chính 3 yếu tố thực này đã giúp TPBank tái cơ cấu thành công.

Cùng với kinh doanh tốt, TPBank được đánh giá là kiểm soát tốt về chất lượng tín dụng khi tỷ lệ nợ xấu 3 năm gần đây chỉ ở mức trên dưới 1%. Nhờ vậy, TPBank được các nhà đầu tư đánh giá khá cao. Hồi cuối năm 2016, tổ chức IFC đã bỏ ra khoảng 403 tỷ đồng tương đương hơn 18 triệu USD để mua 5% vốn của TPBank thì đến đúng một năm sau quỹ PYN Elite Fund phải bỏ gấp hơn 2 lần số tiền đó (40 triệu USD) để được sở hữu 5% vốn ở TPBank.

Mới đây, ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm với tổng thu nhập và lợi nhuận tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, tương tự hồi năm 2017. Đến hết tháng 2/2018, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 275,8 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. ROE năm 2018 phấn đấu đạt hơn 18%, tăng 2,4 điểm phần trăm so với mức 15,6% năm trước. So với các ngân hàng khác, tỷ suất sinh lời tại TPBank năm 2017 cũng thuộc nhóm dẫn đầu.

Chia sẻ trong lần phỏng vấn gần đây, ông Petri Deryng - Giám đốc PYN Elite Fund, cho biết việc góp vốn vào TPBank là khoản đầu tư mới lớn nhất của quỹ này từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam đến nay. Ông Petri Deryng đánh giá với chiến lược này doanh thu và lợi nhuận ròng của ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt trong 5 năm tới.

Giải mã TPbank trước giờ G niêm yết ảnh 1 “Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng. Ngân hàng là nhóm có kết quả tốt nhất trong VN Index, tăng 37% tính đến 30/3, theo số liệu của Bloomberg”, ông Đỗ Minh Phú.

Lên sàn

Trên sàn OTC hiện nay, cổ phiếu TPB được chào mua chào bán (mặc dù cổ phiếu này đã tạm ngưng giao dịch để chờ lên sàn từ hôm 21/3) ở quanh mức 28.000 - 30.000 đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với chưa đầy 1 năm trước.

TPBank dự kiến sẽ sàn giá bao nhiêu? Theo cáo bạch vừa công bố, TPBank sẽ niêm yết 555 triệu cổ phiếu TPB trên HoSE 2 ngày sau buổi roadshow tại TPHCM và Hà Nội ( dự kiến chào sàn ngày 19/4). Với giá khởi điểm là 32.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường của TPBank ước đạt 17.760 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 8 trên ba sàn.

Tại mức giá trên, P/E và P/B của TPBank lần lượt là 19,4 lần và 2,8 lần, thấp hơn mức bình quân của các cổ phiếu ngân hàng có vốn điều lệ trong khoảng 5.000-10.000 tỷ đồng là 22,83 lần và 3,08 lần. “Ngân hàng Thương mại Tiên Phong (TPBank) dự kiến mức vốn hóa thị trường ít nhất một tỷ USD trong quý IV sau đợt niêm yết trong tháng này”, theo Chủ tịch HĐQT  Đỗ Minh Phú.

Là đơn vị tư vấn, công  ty chứng khoán SSI thì cho rằng, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần (P/B) tại thời điểm 31/12/2017 của cổ phiếu TPB đạt khoảng 11.429 đồng/cổ phần.Dựa trên hai phương pháp tính giá theo P/B và P/E, công ty chứng khoán SSI cho rằng cổ phiếu của TPB tham chiếu ở vùng từ 34.000 - 38.000 đồng, và bình quân hai phương pháp này thì giá cổ phiếu rơi vào 36.132 đồng.

Cũng theo cáo bạch, TPBank dự kiến chào bán riêng lẻ khoảng 15% cổ phần và phát hành 28% dưới dạng cổ phiếu hưởng cổ tức và cổ phiếu thưởng trong 3 tháng cuối năm. Ngân hàng cũng đã được cổ đông thông qua việc chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 24,9% để chuẩn bị cho việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ trong đó bao gồm phát hành riêng lẻ cho NĐTNN. Theo phương án này, TPBank sẽ phát hành 87,63 triệu cổ phiếu mới, tương đương 15% vốn điều lệ hiện tại. Trong đó, ngân hàng chào bán tối đa 55,29 triệu cổ phiếu (8,23%) cho NĐTNN và còn lại sẽ phát hành cho nhà đầu tư trong nước.

Nhận định về xu hướng phát triển của ngành  trong 5 năm tới, ông Phú cho rằng hệ thông ngân hàng Việt Nam có những thay đổi căn bản thời gian qua. Những gì yếu kém, sai lầm nhất đã bộc lộ,  có 9 NHTMCP đã tái cơ cấu giai đoạn đầu tiên. “Không phải ngẫu nhiên tại thời điểm này hầu hết giá cổ phiếu NH đều tăng và ngành đã lấy lại phong độ. 5 năm tới tôi cho rằng sẽ là giai đoạn ngành NH cất cánh”, ông Phú nói.

TPBank muốn giữ số 1 về ngân hàng số

Ngoài các con số có thể đo đếm được, TPBank đang đi tiên phong trong lĩnh vực ngân hàng số tính đến thời điểm này. Với việc cho ra đời Livebank, là phương thức giao dịch trực tuyến 24/7 đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2017, TPBank đang được đông đảo người dùng đánh giá cao về dịch vụ ngân hàng số. Tại thời điểm cuối năm 2017, một số tổ chức quốc tế cũng đã ghi nhận đây là ngân hàng số xuất sắc nhất Việt Nam. Và mục tiêu của ngân hàng này đề ra hiện nay vẫn tiếp tục là đứng đầu về ngân hàng số.

Lợi nhuận trước thuế của TPBank năm 2018 dự kiến lên đạt 2.200 tỷ đồng - tăng gấp đôi so với năm 2017, tổng tài sản tăng 17% lên 140.000 tỷ đồng. Ngân hàng đặt mục tiêu nợ xấu dưới mức 1%.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.