Chính phủ họp thường kỳ tháng 2/2014:

Giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp. ảnh: N.Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp. ảnh: N.Bắc
TP - Ngày 28/2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2014, thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội những tháng đầu năm. Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần quan tâm giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ trái phiếu, vốn ngân sách, ODA...

Thí điểm chương trình tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, vụ Đông Xuân tại ĐBSCL sẽ có 11 triệu tấn lúa. Tuy nhiên thị trường xuất khẩu gạo không được thuận lợi. “Vấn đề tiêu thụ lúa gạo rất cấp thiết và đang lo ngại thời gian tới giá lúa có xu hướng giảm”, ông Phát nói và cho biết giá lúa tại Thái Lan hiện dưới 4.000 đồng/kg, trong khi họ còn tồn kho 17 triệu tấn gạo, áp lực bán ra mạnh và có thể sẽ bán bằng mọi giá. 

Trước tình hình này, ông Phát cho biết sẽ chỉ đạo điều chỉnh ngay cơ cấu lúa gạo và đề xuất triển khai sớm chương trình mua tạm trữ gạo, bắt đầu từ 15/3 và kéo dài trong 1 tháng.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, do tồn kho lớn nên dự báo Thái Lan sẽ bán gạo với số lượng lớn. Đây là thách thức với ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng trấn an là gạo Thái Lan do tồn kho lâu nên chất lượng đã giảm.

Ngoài ra, vừa qua chúng ta đã đàm phán, ký được các hiệp định xuất khẩu tập trung với số lượng lớn cho Indonesia 1 triệu tấn, Philippines là 1,5 triệu tấn. “Ít nhất các hiệp định Chính phủ sẽ xuất khẩu được 4- 4,5 triệu tấn trong năm nay, chưa kể đối với Cuba (400 nghìn tấn)”, ông Hoàng cho biết thêm và cũng đề xuất sớm triển khai chương trình thu mua tạm trữ gạo. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, cần có các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, trong đó cho phép tăng thêm đầu mối được xuất khẩu trong các hợp đồng tập trung, nhưng phải lưu ý kiểm soát giá, không phá giá nhau.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, ngay trong quý I này sẽ thực hiện chương trình thí điểm tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên những lĩnh vực như ứng dụng KHCN vào nông nghiệp, mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp, tăng trưởng xuất khẩu nông sản.

Tiền ra không đều

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tín dụng hai tháng đầu năm giảm 1,6%. Ông Bình đề nghị các bộ ngành liên quan cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư. 

“Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng đang rất cao, lên tới 57 nghìn tỷ, đây là tiền chúng ta chưa dùng đến. Do vậy phải đẩy nhanh giải ngân, duy trì số dư kho bạc 20 - 25 nghìn tỷ đồng là vừa”, ông Bình nói. Liên quan vấn đề tỷ giá, Thống đốc Bình cho biết, trong hai tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua được hơn 4 tỷ USD, tạo điều kiện gia tăng dự trữ ngoại tệ.

Góp ý vào nội dung này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, cần có tính toán để tiền ra đều, nhất là nguồn vốn xây dựng cơ bản. “Hiện nay các dự án giao thông lớn nhưng còn thiếu vốn đối ứng. Chúng tôi cần hơn 10.000 tỷ nhưng mới được cấp 2.000 tỷ, thiếu hơn 8.000 tỷ đồng. Nếu giao đủ vốn đối ứng thì có thể giải ngân được 35 nghìn tỷ đồng vốn ODA cho các công trình cần gấp rút hoàn thành trong năm nay”, ông Thăng đề nghị.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, cần có giải pháp hỗ trợ DN bởi số DN giải thể trong hai tháng đầu năm là 13 nghìn trong khi chỉ có gần 11 nghìn DN thành lập mới. “Tôi tính tổng số DN cả nước hiện nay không còn nổi 400 nghìn. Nếu tốc độ phục hồi DN chậm thì chương trình tái cơ cấu, cải cách không thành công”, ông Hải nói.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ trái phiếu, vốn ngân sách, ODA... đi liền với kiểm soát chặt chẽ chất lượng các công trình đầu tư xây dựng cơ bản. Thủ tướng cũng lưu lý các bộ, ngành và địa phương cần quan tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã được duyệt, trọng tâm là đẩy mạnh cổ phần hóa, bán, thoái vốn đầu tư ngoài ngành...

Không giải cứu người giàu

Đề cập đến thị trường bất động sản, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, hiện nay có không ít DN bất động sản muốn được hỗ trợ, chờ Chính phủ, ngân hàng cho giãn nợ, khoanh nợ. Theo Bộ trưởng Thăng, ngọn nguồn của khó khăn trên thị trường bất động sản hiện nay là do giá nhà đất quá cao. 

Do đó, để tháo gỡ vướng mắc này, cần giải pháp hữu hiệu nhất là các chủ đầu tư phải tiếp tục giảm giá. Đối với các dự án đang cầm cố ngân hàng, tồn kho, ông Thăng đề nghị cần thuê kiểm toán độc lập vào xác định giá nhà một cách chính xác. Trên cơ sở đó, DN phải bán theo giá đã qua kiểm toán. “Chủ đầu tư bất động sản toàn đại gia, toàn đi xe Phantom thì giải cứu cái gì? Bất động sản phải giảm giá, thì chắc chắn sẽ tiêu thụ được”, ông Thăng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, câu chuyện thị trường thì không thể ra mệnh lệnh được, nên với các dự án đang vay ngân hàng, chỉ có thể là ngân hàng ra điều kiện rồi thu hồi, phát mại…

Trong phiên họp này, Chính phủ cũng thảo luận về xử lý nợ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Nguyên nhân sập cầu treo do đứt neo đầu cáp

Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, nguyên nhân sập cầu treo Chu Va 6 là do bị đứt ắc neo tăng đơ tại đầu neo cáp. Nguyên nhân đứt ắc neo tăng đơ là do khi chế tạo lẽ ra phải khoan để bắt nối, nhưng khi thi công lại hàn nên sắt bị giòn như gang nên ắc neo bị đứt thẳng ra. Nếu được thi công đúng thiết kế thì cả trăm người đi trên cầu cũng không thể đứt được. Cầu Chu Va 6 do chủ đầu tư, công ty thiết kế, thi công đều của huyện Tam Đường và không có thẩm định thiết kế.

Kiểm tra dấu hiệu doanh nghiệp sữa liên kết tăng giá

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ lo ngại quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại khi các doanh nghiệp sữa liên tục tăng giá. 

“Trước đây dư luận đã đề cập 3 doanh nghiệp viễn thông lớn tăng cước 3 G cùng thời điểm liệu có vi phạm pháp luật cạnh tranh không. Lần này thì đến các doanh nghiệp sữa, chỉ trong một thời gian ngắn các doanh nghiệp sữa lớn như: Mead Johnson, Vinamilk, Nestle, FrieslandCampina đều tăng giá”- Ông Nhân nói và đặt nghi vấn, có hay không việc các doanh nghiệp lớn này liên kết để tăng giá, vi phạm Luật Cạnh tranh.

“Chúng tôi đề nghị Bộ Công thương, Cục Quản lý cạnh tranh cùng với các bộ ngành liên quan bám sát việc giải trình tăng giá của những DN. Trong hội nhập chúng ta phải có quyền bảo vệ người tiêu dùng bằng giám sát cạnh tranh không lành mạnh. 

Trong một thị trường mà dưới năm người cạnh tranh là nguy cơ thỏa thuận rất lớn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, ông Nhân nói. Phát biểu sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành có liên quan, trực tiếp là Bộ Tài chính, kiểm tra việc tăng giá sữa vừa qua, xử lý kiên quyết theo quy định pháp luật. “4 doanh nghiệp sữa lên giá một lúc là không được đâu. Chúng ta phải kiểm soát độc quyền, giá cả phải minh bạch”, Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG