Giải pháp nào kiềm chế tăng giá?

Giải pháp nào kiềm chế tăng giá?
TP - Từ năm 2004-2006, lạm phát đã tăng tổng cộng 24,5%. Nếu giả định đó là sự mất giá của đồng tiền thì đã mất giá tới ¼, đó là chưa kể thêm năm nay... Giải pháp nào để từ nay đến cuối năm đảm bảo CPI thấp hơn tốc độ tăng trưởng?
Giải pháp nào kiềm chế tăng giá? ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Thắng

Đây là vấn đề được các chuyên gia mổ xẻ tại hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả 7 tháng 2007, dự báo giá những tháng cuối năm”, diễn ra ngày 21/8, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại, Dịch vụ và Giá cả Tổng cục Thống kê dự báo chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2007 sẽ là 8,4%.

Đến tháng 10 giá mới giảm

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Tổng cục thống kê. Ông Thắng cho biết:

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2007 lại tiếp tục tăng thêm 0,94%, đưa CPI 7 tháng lên 6,19%. Khả năng tỷ lệ lạm phát cao đã hiện rõ.

Cùng với các bộ, ngành khác Tổng cục Thống kể đã phải giải trình trước Chính phủ về phương pháp tính giá chỉ số tiêu dùng hiện nay. Chúng tôi khẳng định phương pháp tính CPI hiện nay của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, các số liệu CPI của Việt Nam được các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB, quan tâm sử dụng và đánh giá tốt.

Ngày 8/8, thời điểm chính thức giảm thuế nhập khẩu của 18 nhóm hàng với hàng trăm mặt hàng có hiệu lực. Dự kiến, trong tháng 8 thị trường sẽ không có biến động giá, mà có thể phải đến tháng 10 khi những lô hàng giảm thuế được đưa ra thị trường giá mới giảm nhưng mức giảm sẽ không đáng kể.

Từ nay đến hết năm cần tập trung bình ổn giá lương thực và thực phẩm vì hai nhóm hàng này chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số giá tiêu dùng. Còn 5 tháng là hết năm, nếu giữ được CPI tăng giá như 5 tháng cuối năm 2006 (+- 2,1%) thì chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2007 sẽ  là 8,4%. 

Cần hình thành hệ thống phân phối lớn

Giải pháp nào kiềm chế tăng giá? ảnh 2
Ông Hoàng Thọ Xuân

Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương: Hiện việc cung cấp nhóm hàng hóa, lương thực, thực phẩm tới người tiêu dùng chưa có một hệ thống các DN lớn làm kênh phân phối, tiêu thụ.

Vai trò bình ổn thị trường sẽ cần tới các nhà phân phối lớn. Bởi thứ nhất, họ làm việc theo luật, có tiềm lực, mạng lưới đại lý phân phối, tiêu thụ cũng như thị phần lớn. Có những nhà phân phối lớn như vậy, chúng ta sẽ tránh được tình trạng “tâm lý ăn theo”, tùy tiện nâng giá của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Theo tôi, chúng ta cần sớm thiết kế cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để hình thành hệ thống các nhà phân phối lớn với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày như lương thực, thực phẩm… Hệ thống này sẽ giúp bình ổn, hạ nhiệt thị trường, tạo ra tiền đề thực thi hiệu quả hơn các chính sách vĩ mô của Nhà nước.

Với những mặt hàng có mức giá cao và gần đây tăng giá mạnh thường bị phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào - giá nguyên vật liệu thế giới, chúng ta cần kiểm soát xem cơ chế giá, chi phí đã hợp lý hay chưa để từ đó loại bỏ ra những chi phí bất hợp lý trong khâu sản xuất, phân phối, lưu thông làm tăng giá sản phẩm đầu ra.

Bộ Tài chính và Bộ Công thương đang có các đoàn kiểm tra các mặt hàng như thép, gas, sữa (đã có hệ thống phân phối, các DN lớn, Hiệp hội… và giá đang tăng cao) để đưa ra những kết luận về cơ cấu hình thành giá, chi phí, hệ  thống phân phối trên cơ sở đó đề ra các giải pháp điều hành vĩ mô hiệu quả nhất.

Thực sự chúng tôi đang lo ngại: lúng túng trong xử lý các mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm – nhóm hàng có giá tăng cao và đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp triệt để nhất. Trước mắt tôi vẫn cho rằng với nhóm hàng này cần một kênh phân phối mạnh để đưa từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng.

Tôi dự báo CPI cả năm 2007 sẽ tăng trong khoảng 8,3-8,4%.

Còn độc quyền thì cần có chế tài linh hoạt

Giải pháp nào kiềm chế tăng giá? ảnh 3
Ông Võ Trí Thành

Ông Võ Trí Thành – Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ: Câu chuyện lạm phát sẽ không chỉ trong năm nay mà còn tiếp diễn. Những vấn đề ngắn hạn và dài hạn chúng ta phải làm, đó là: Về chính sách tiền tệ (độ nhạy của lượng cung tiền); về ngân sách và can thiệp thị trường.

Nói về can thiệp thị trường, bài học lớn nhất chúng ta phải rút ra trong năm nay đó là về điều hành xử lý xăng dầu. Chúng ta cứ nói về hiệu ứng tăng giá thị trường khi điều chỉnh giá xăng, vậy chỉ xin nhắc lại, thời điểm tháng 5 khi tình hình Iran nóng, bầu cử Quốc hội đang diễn ra thì lại quyết định thả nổi giá xăng theo cơ chế thị trường cho doanh nghiệp, khiến cho Nhà nước khi muốn quay lại áp giá, rất khó.

Chúng ta có thể làm vậy nhưng chỉ  khi hội đủ 3 điều kiện: DN phải được cạnh tranh lành mạnh, có cơ chế giám sát và xử lý tranh chấp. Việc Chính phủ chỉ đạo, liên bộ phải bàn và Bộ Tài chính phải ra văn bản quyết định điều chỉnh giảm giá xăng vừa rồi là một ví dụ. Theo tôi, đối với thị trường một khi còn độc quyền thì còn phải có chế tài linh hoạt. 

Hai nhóm giải pháp trong chính sách tiền tệ

Giải pháp nào kiềm chế tăng giá? ảnh 4
Ông Nguyễn Đại Lai

Ông Nguyễn Đại Lai – Phó vụ trưởng vụ phát triển chiến lược NHNN: Để kiểm soát được lạm phát dưới góc độ chính sách tiền tệ có 2 nhóm giải pháp song song.

Một là nhóm cấp tốc: Tức  là lấy tiền mặt từ trong lưu thông về Ngân hàng Trung ương bằng 4 con đường (bán ra một khối lượng đủ lớn số trái phiếu, tín phiếu KBNN cho các NHTM, Ngân hàng Trung ương bán ra từ từ  một lượng đủ cần thiết USD, tiếp tục tăng nhẹ và từ từ dự trữ bắt buộc nhất là đối với tiền gửi ngắn hạn tại các NHTM, Ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất chiết khấu); bên cạnh đó phải mở chiến dịch chống “đô la hóa”...

Nhóm giải pháp chiến lược cần cởi trói cho NHNN sớm trở thành Ngân hàng Trung ương đích thực. Bộ tài chính cần phải tham mưu cho Chính phủ tăng cường phát hành các loại trái phiếu, tín phiếu dài hạn từ trên 10 năm đến 30 năm, siết chặt các hoạt động thanh tra tài chính trên TTCK...

MỚI - NÓNG