Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các xung đột về quyền lợi dẫn đến tranh chấp xảy ra giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan Nhà nước là điều khó tránh khỏi.

Vậy, thực tiễn tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam hiện nay như thế nào? Đâu là những thách thức cũng như bài học kinh nghiệm đối với cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư? Chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” hôm nay sẽ có cuộc trao đổi với Ông Bạch Quốc An – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp để giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa Ông, dưới góc độ là đơn vị đại diện trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, Ông đánh giá như thế nào về thực tiễn tranh chấp và giải quyết tranh chấp đầu tư tại Việt Nam hiện nay?

        Chúng ta càng mở rộng đầu tư, càng thu hút nhiều nhà đầu tư, khuyến khích đầu tư thì đương nhiên, với sự gia tăng các nhà đầu tư thì tranh chấp đầu tư có thể phát sinh là điều tất yếu. Càng ngày chúng ta lại nhận được càng nhiều các khiếu nại, thông báo ý định khởi kiện của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện, đương nhiên chúng ta sẽ có những điểm trùng lặp, chồng chéo, chưa rõ ràng, dẫn tới sự không thống nhất về quan điểm, từ đó phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp.

Hơn thế nữa, trong quá trình thực thi, các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý các nhà đầu tư nước ngoài đã có những hành xử chưa phù hợp hoặc chưa đúng theo quan điểm của phía Nhà đầu tư, điển hình như việc chuyển nhượng vốn, bàn giao đất… 

Mặt khác, về phía nhà đầu tư, có những nhà đầu tư thực chất, thiện chí, nghiêm túc nhưng cũng có những nhà đầu tư, trong quá trình đầu tư lại muốn qua những vụ kiện để trục lợi…

PV: Sức ép trong cải cách thủ tục hành chính, minh bạch môi trường kinh doanh cũng đặt Việt Nam trước nhiều thách thức về tranh chấp đầu tư. Vậy, khó khăn đối với Chính phủ cũng như cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam khi đối diện với các vụ kiện tranh chấp này là gì, theo Ông?

Sức ép với các cơ quan quản lý Nhà nước là rất lớn, đặc biệt là liên quan đến các lĩnh vực như đất đai, môi trường, thuế… Hiện nay, với tinh thần Chính phủ kiến tạo thì sức ép này càng lớn.

Không phải bây giờ chúng ta mới nói đến vấn đề minh bạch hóa, trước đó từ lâu rồi nhưng để thực hiện trên thực tế thì không phải đơn giản. Các quy định pháp luật có tính ổn định nhất định, trong khi các quan hệ xã hội mà đối tượng điều chỉnh của các quy định pháp luật thì luôn luôn thay đổi, luôn luôn vận động. Mặt khác, nguyên tắc là các cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép cũng là khó khăn vô cùng lớn đối với cơ quan thực thi.

Tính đến thời điểm này, đã có 06 vụ nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam tại Trọng tài quốc tế, trong đó Chính phủ Việt Nam đã thắng 04 vụ, 01 vụ hòa giải thành và 01 vụ hiện đang trong quá trình tố tụng.

Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ảnh 1

PV: Vậy, từ thực tiễn tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam, theo Ông, bài học rút ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước khi đối diện với các tranh chấp này là gì?

Nhà đầu tư khi gặp khó khăn, bao giờ người ta cũng kêu đến các cơ qua quản lý Nhà nước, đề xuất các kiến nghị. Nếu chúng ta giải quyết thấu đáo được những vướng mắc, kiến nghị đó và giải thích được cho các nhà đầu tư hiểu rõ các quy định pháp luật Việt Nam thì chúng tôi nghĩ rằng sẽ không xảy ra tranh chấp.

Quan điểm của Chính phủ Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế là luôn hướng tới một giải pháp làm sao bảo đảm tốt nhất quyền lợi của nhà đầu tư và cũng bảo vệ được lợi ích của Chính phủ Việt Nam. Chính vì vậy, cơ quan Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là Bộ Tư pháp chúng tôi luôn luôn sẵn sàng ngồi lại với nhà đầu tư, để trao đổi, thương lượng, hòa giải trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ kiện. Trên thực tế, có khi ngày mai xảy ra phiên xét xử, ngày hôm nay chúng tôi đã đạt được thỏa thuận hòa giải thành...

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG