Giảm chi phí, bỏ “lót tay” để thúc đẩy xuất khẩu

Có một số ngành hàng phát triển xuất khẩu rất nhanh, nhưng có một số ngành hàng còn lúng túng, lúc trồi lúc sụt.
Có một số ngành hàng phát triển xuất khẩu rất nhanh, nhưng có một số ngành hàng còn lúng túng, lúc trồi lúc sụt.
TP - Tại Hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần giảm chi phí, bỏ tình trạng lót tay và phải có chiến lược để đưa hàng hóa xâm nhập vào kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ.

Lo sản xuất mất cân đối

Cùng với việc nêu bật những thành tích liên quan đến xuất khẩu của năm 2017, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong các năm gần đây xuất khẩu đã chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang dựa vào nhóm hàng điện tử (chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cụ thể khối FDI vẫn chiếm trên 70% xuất khẩu. Sự phụ thuộc cũng thể hiện rõ đối với nhiều mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản. Nhiều mặt hàng như sắn, cao su, thanh long,…lại phụ thuộc vào một thị trường duy nhất là Trung Quốc trong khi việc sản xuất còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu...

“Vấn đề an toàn thực phẩm tuy được cải thiện so với trước đây nhưng chưa thật sự bền vững. Đây đó vẫn xuất hiện tình trạng sản phẩm xuất khẩu như thủy sản, hạt tiêu, gạo bị trả về do không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam”, ông Trần Tuấn Anh nói. Người đứng đầu ngành công thương cũng cho rằng, hiện chi phí của nền kinh tế còn cao. Cụ thể, chi phí lãi suất, chi phí vận tải, mức thu các loại phí cảng còn cao ở nhiều nơi,... làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Phó Chủ tịch  Hiệp hội Dệt May Việt Nam Trương Văn Cẩm cho rằng, một trong những thách thức với các mặt hàng xuất khẩu cần nhận diện rõ trong thời gian tới chính là những vấn đề của nội bộ các ngành hàng. Với ngành dệt may, hiện việc phát triển rất mất cân đối. Khâu yếu nhất chính là kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất. Trong đó, riêng sợi sản xuất 1,4 tấn/năm có có tới 876 nghìn tấn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan - Trung Quốc.  Nguồn vải may cũng có tới 50% nhập khẩu từ Trung Quốc. Tỷ lệ giá trị gia tăng của may xuất khẩu tính ra mới đạt khoảng 50% do chủ yếu làm theo phương thức gia công.

Việc cân đối trong xuất khẩu cũng là vấn đề được đại diện UBND tỉnh Bắc Giang kiến nghị liên quan đến việc thúc đẩy. Lãnh đạo tỉnh này cho rằng, vải thiều có tính thời vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn nên khó khăn lớn nhất là khâu sơ chế, đóng gói và bảo quản. Vì vậy, việc xuất khẩu sang các thị trường xa thường gặp nhiều khó khăn, giá thành vận chuyển cao cũng giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Việc Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành sớm tháo gỡ khó khăn cho vải thiều xuất khẩu sẽ giúp việc tiêu thụ tốt và đỡ bấp bênh hơn.

Xóa lót tay gầm bàn, định hướng lại xuất khẩu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hóa, trở thành một nước thu nhập cao mà không thành công trong xuất khẩu.

Theo Thủ tướng, chúng ta đã có nhiều cải cách về mặt thủ tục hành chính nhưng thực hiện vẫn chưa tốt, doanh nghiệp (DN) vẫn phản ánh việc chưa thuận lợi về cải cách thủ tục hành chính. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng cho biết, đã giao các bộ, ngành kiểm tra và đích thân Thủ tướng cũng đã trực tiếp kiểm tra tại cảng Hải Phòng và các địa phương khác .

“Việc giảm chi phí cho DN là rất quan trọng. Chi phí vốn, chi phí thủ tục, chi phí tiền lương và đặc biệt chi phí không chính thức hay còn gọi là chi phí gầm bàn còn quá lớn. Những chi phí này không giảm được thì rất khó. Một đất nước xuất khẩu mà chi phí quá lớn thì làm sao cạnh tranh được. Cơ bản sản phẩm của Việt Nam là tốt thì mới xuất khẩu được như vậy nhưng đâu đó vẫn còn những con sâu làm ảnh hưởng đến hình ảnh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, hiệp hội làm sao để tạo làn sóng cách mạng trong đời sống nhân dân, trong việc tố cáo các hành vi làm hàng gian lận lừa đảo người tiêu dùng.

“Đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn, nói lên sự kìm chế không xuất khẩu được của một số ngành hàng của chúng ta là vì sao. Có một số ngành hàng phát triển rất nhanh, nhưng có một số ngành hàng còn lúng túng, lúc trồi lúc sụt. Tất nhiên do thị trường thế giới nhưng cũng do cách tổ chức quản lý của chúng ta. Vì vậy, trước khi sản xuất sản phẩm nào ở trong nước thì cần phải nghĩ đến việc tiêu thụ ở đâu, phải sản xuất cái xã hội cần chứ không phải cái mình có”, Thủ tướng nói.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng nêu ra 5 câu hỏi lớn với ngành công thương, bộ ngành và các hiệp hội ngành hàng. Theo đó, làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam. Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không chỉ có tôm đông lạnh, cá phi-lê… không chỉ có chế biến thô. Cùng đó, cần có sáng kiến để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu.

“Một đất nước xuất khẩu mà chi phí quá lớn thì làm sao cạnh tranh được”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

MỚI - NÓNG