Giảm chi phí cả ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp

Giảm chi phí cả ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp
Bộ Tài chính vừa thực hiện rà soát toàn bộ các loại phí, lệ phí và giá cước vận tải. Đợt kiểm tra đã giúp các doanh nghiệp giảm trên 1.000 tỷ đồng những khoản chi phí bất hợp lý. 

Ông Lưu Đức Huy, Phó Phòng  Chính sách phí, lệ phí và các khoản thu khác của Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính đã trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong về một số vấn đề nổi lên qua đợt rà soát này.

Ông Huy cho biết: Khi Nghị định 57/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí được ban hành thì chỉ có 285 khoản phí và lệ phí được phép thu.

Theo kết quả rà soát thì có 343 khoản phí, lệ phí không được phép thu vào thời điểm ban hành nghị định này, trong đó có 140 khoản do các bộ, ngành ban hành sai thẩm quyền, không có trong danh mục và 203 khoản khác do các địa phương ban hành đã được loại bỏ, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp khoảng 150 tỷ đồng.

Hiện vẫn còn nhiều khoản phí và lệ phí có tính chất phân biệt đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, điều này là không phù hợp với nguyên tắc hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà ta buộc phải sửa. Liệu trong năm nay, ta có kịp xoá bỏ các mức phí, lệ phí có sự phân biệt này không ?

Theo tôi là kịp. Chúng tôi đã kiểm tra và phát hiện có 12 khoản phí và lệ phí còn phân biệt về mức thu và thường là thu phí, lệ phí của tổ chức, cá nhân nước ngoài cao hơn trong nước 2-3 lần.

Ví dụ như các khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực y tế, hàng hải, bưu chính viễn thông, lệ phí cấp phép khoáng sản... Hiện nay đã sửa được 10/12 loại, thống nhất với mức thu trong nước.

Còn 2 khoản nữa là lệ phí cấp phép hoạt động tàu cá và lệ phí cấp chứng chỉ tàu bay thì từ nay đến cuối năm sẽ sửa xong.

Tất cả việc sửa đổi, cân bằng mức thu này đã giảm được khoảng 300 tỷ đồng/năm đối với các đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Thưa ông, đợt rà soát này kèm theo việc bỏ bớt, giảm mức thu nhiều loại phí, lệ phí đã khiến ngân sách giảm mức thu cụ thể là bao nhiêu?

Khoảng 1.100 tỷ đồng, con số này chiếm một tỷ lệ đáng kể trong khoảng gần 10.000 tỷ đồng phí, lệ phí thu được hàng năm. Dù là giảm thu ngân sách nhưng lại giảm được chi phí cho các doanh nghiệp.

Thời gian qua, riêng lĩnh vực hàng hải các doanh nghiệp kêu phải chịu quá nhiều các loại phí, lệ phí. Sắp tới các loại phí trong lĩnh vực này có được điều chỉnh?  

Phí và lệ phí hàng hải thực ra đã được giảm mạnh và đã giảm 2 lần. Năm 2004 giảm khoảng 30% mức thu về phí bảo đảm hàng hải, phí trọng tải, hoa tiêu, cấp bến, phao neo... Và đến năm 2005, giảm khoảng 30 % nữa.

Bộ Tài chính dự kiến sẽ giảm khoảng 25% nữa các loại phí này trong năm 2006. Tuy nhiên, nhiều khoản do không được coi là phí, lệ phí được các cảng vụ đặt ra thường là khoản tiền dịch vụ về bãi đỗ, dọn vệ sinh... cũng không có hoá đơn, chứng từ mà chỉ do thoả thuận của 2 bên thì cũng khó giải quyết.

Về thu phí đường bộ hiện nay, doanh nghiệp phản ánh là phí, lệ phí cũng không giảm mà có xu hướng tăng. Riêng quốc lộ 1A, số trạm thu phí trong 2 năm qua đã xuất hiện nhiều hơn trước?

Hiện nay dọc quốc lộ 1A có khoảng 18 trạm. Nếu với các xe container 40 feet thì trung bình phí qua mỗi trạm là 80.000 đồng/trạm. Tuy nhiên, theo tôi thì không phải là nhiều, vì ở ta mức thu phí là rất thấp, nhiều nơi không đủ thu hồi vốn.

Qua đợt rà soát trên, Bộ Tài chính kiến nghị gì với Chính phủ để khắc phục những chính sách phí, lệ phí còn chưa phù hợp với thực tiễn ?

Bộ Tài  chính đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành khi xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành của mình không đưa nội dung quy định về phí, lệ phí không phù hợp, mâu thuẫn hoặc trái ngược với quy định Pháp lệnh phí, lệ phí.

Còn với hệ thống chính sách phí, lệ phí  chuyên ngành thì chỉ ghi nguyên tắc chung, còn nội dung cụ thể cần được thực hiện theo quy định  của pháp luật về phí, lệ phí.

Về Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ban hành ngày 3/6/2002 đến nay cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Và trong lĩnh vực phí sử dụng cầu, đường bộ, Bộ Tài chính đã đề nghị  Thủ tướng  sớm phê duyệt Quy hoạch mạng lưới thu phí cầu, đường bộ mà Bộ Giao thông Vận tải đã trình.

MỚI - NÓNG