Gương đảng viên làm kinh tế giỏi:

Giám đốc bệnh viện tư nhân và bài thơ ca ngợi Đảng

Giám đốc bệnh viện tư nhân và bài thơ ca ngợi Đảng
Người thầy thuốc ưu tú 40 năm tuổi Đảng, sau 5 năm đã gây dựng nên một chi bộ 7 đảng viên, gây dựng được thương hiệu một bệnh viện (BV) nổi tiếng.

Trong khi nhiều bệnh viện ngại khám chữa bệnh cho những người đóng bảo hiểm thì ông lại xung phong nhận chữa cho người có thẻ BHYT, dù đây là một bệnh viện tư nhân…

Từ chàng Thiếu sinh quân…

Ông là Nguyễn Văn Luân, thầy thuốc ưu tú, sinh năm 1937 ở Thanh Hoá. Năm 12 tuổi, Luân đi thiếu sinh quân ở Quân khu 4 với mong ước góp sức đánh Pháp, giải phóng quê hương.

Năm 1953 – 1954, Luân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại, ông ngỡ ngàng khi được chọn đi học Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1961, tốt nghiệp Đại học Y khoa chuyên khoa Ngoại loại ưu, bác sĩ (BS) Luân được cử sang Xiêng Khoảng (Lào) làm chuyên gia y tế. Đoàn chuyên gia có 30 người, anh Luân nhỏ tuổi nhưng lại được giao trọng trách làm Trưởng đoàn.

Sang Lào được 1 tháng, anh Luân đã có thể nói thông thạo tiếng Lào để đi khám bệnh, truyền đạt kiến thức cho người dân nước bạn. Hòa thượng Thích Đăm Ni, một người có uy tín ở vùng Xiêng Khoảng bị bệnh thận, đi Viêng Chăn chữa nhưng bệnh không thuyên giảm đã được BS Luân chữa khỏi.

Xúc động vì được BS Luân tận tình cứu chữa, vị Hoà thượng đã tổ chức lễ buộc chỉ, nhận Luân làm em nuôi. Kết thúc 6 năm công tác ở Lào, anh Luân trở về Việt Nam với bao tình cảm thân thiết của những người bạn Lào và một Huân chương Chiến công hạng 3 do chính Bác Hồ ký tặng.

Về Việt Nam năm 1966, BS Luân làm giảng viên trường Đại học Y khoa Hà Nội và kiêm Phó khoa Tai mũi họng của BV Bạch Mai. Những năm 1972, khi giặc Mỹ điên cuồng cho “Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”, BV Bạch Mai trở thành nơi tập kết những người bị thương lớn nhất Hà Nội. BS Luân nhớ lại: Trước Noel mấy ngày, người dân Hà Nội đã được lệnh sơ tán cả.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống kiểm tra và yêu cầu các y bác sĩ đi sơ tán. Tôi thưa lại: Thưa Đại tướng, nếu BS cũng đi sơ tán nữa thì ai cứu chữa bệnh nhân, cứu thương bộ đội. Bác Giáp nghe cũng xuôi, không yêu cầu BS sơ tán nữa. Tối đó, tôi trực đêm, giặc Mỹ ném bom rải thảm khu vực Khâm Thiên, Bạch Mai. BV cũng bị chúng đánh sập, một mình tôi bươn bả tìm kiếm trong đống đổ nát đưa được 30 người (cả sống và chết) ra khỏi nơi bị sập.

Sáng ra, nhiều người chạy vội đến “xem ông Luân còn hay mất” (về những cảnh này, tôi đã được xem trong bộ phim Việt Nam cuộc chiến 10.000 ngày – PV).

Năm 1975, BS Luân được cử đi học 9 năm ở Đức. Năm 1983, vừa về nước ông lại được cử đi làm Trưởng đoàn chuyên gia y tế Việt Nam tại Angiêri. 6 năm trôi qua, trở về nước BS Luân được phân công làm Trưởng khoa Ngoại của BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh).

BS Luân kể lại: “Khi ấy, quyết định còn ghi rõ: không được xin nhà, không được đưa vợ con vào”. Lại một mình lặn lội nơi xa vắng, lương ít, chẳng giúp được gì cho gia đình. Cũng may, vợ ông cũng là BS, là chiến sĩ quân đội nên hiểu và thông cảm. Từ năm 1989 đến 1998, ông làm việc ở BV Chợ Rẫy. Trong thời gian ấy, có lần ông được chữa bệnh cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Bí thư chi bộ đến Giám đốc bệnh viện

Ngày 8/7/1998 là một ngày đáng nhớ trong cuộc đời BS Luân: Sáng hôm ấy, ông nhận quyết định nghỉ hưu và bịn rịn từ giã bạn bè, đồng nghiệp ở BV Chợ Rẫy. Nhưng buổi chiều, người ta đã thấy ông ngồi khám bệnh tại phòng khám tư nhân Vạn Hạnh trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài, Q10, TP Hồ Chí Minh.

Đúng là không nghỉ, dù chỉ là một nửa ngày và thời gian công tác của ông đã là 44 năm 10 tháng. BS Luân tâm sự: “Tôi bàn với người bạn và không dừng lại ở phòng khám này. Vậy là mọi người cùng góp sức vào sau hai năm gây dựng, đúng ngày 27/7/2000 – ngày thương binh liệt sĩ – là ngày thành lập BV Đa khoa Vạn Hạnh để ghi nhớ công ơn những người đã ngã xuống.

Khi ấy, phòng khám chỉ có mình tôi là đảng viên, phải về sinh hoạt ở địa phương, rồi sinh hoạt ở chi bộ Đảng ngoài doanh nghiệp ở Q10. Vì thế, tôi cứ canh cánh trong lòng “không được tách mình ra ngoài xã hội” và quyết tâm thành lập Chi bộ Đảng. Rồi ngày vui cũng đến, ngày 16/12/2004 cấp ủy Đảng đã quyết định cho phép BV Đa khoa Vạn Hạnh thành lập chi bộ do tôi làm Bí thư cùng 2 đảng viên khác là Nguyễn Thế Dương, Dương Việt Dũng”.

BS Nguyễn Văn Luân cười vang kể: “Tôi nói vui với mọi người, nếu cứ dựa vào tuổi mà cho nghỉ hưu là không đúng đâu. Mà quả vậy, tôi về hưu năm 61 tuổi, năm nay 68 tuổi nhưng vẫn mổ bình thường!”. Một nhân viên của ông nhận xét: “Thầy thật khoẻ. Không ai đến bệnh viện sớm bằng thầy. 68 tuổi mà thầy mổ ca nào yên tâm ca đó”. Với tính tình vui vẻ, ham làm việc và làm việc rất khoa học, BS Luân đã từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam.

Có chi bộ, mọi việc tiến triển tốt hẳn lên. Công việc trôi chảy hơn, ý thức mọi người cao hơn và BV cũng thay đổi rõ hơn. Số đảng viên cũng tăng dần từ 3 lên 7 người. Sau 5 năm hoạt động, từ một phòng khám nhỏ bé đến nay BV Đa khoa Vạn Hạnh đã nổi tiếng, được đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm máy móc trang thiết bị hiện đại và có 286 CBCNV, trong đó có 107 bác sĩ, dược sĩ; 150 giường bệnh trên diện tích 5.640m2. BV có đủ các khoa và 6 phòng mổ hiện đại rộng 183m2 (có thể giải phẫu thẩm mỹ cao cấp).

Trong 5 năm qua, BV đã khám cho 434.649 lượt người, mổ 40.000 ca đủ các chuyên khoa, chưa gặp biến cố gây tử vong nào tại BV. Mổ nội soi đã được triển khai ở tất cả các khoa. Dẫn tôi đi thăm một vòng BV, BS Luân chỉ tôi vào các khu điều trị, khám bệnh. Buổi sáng, người đến khám đông cứng nhưng được hướng dẫn tận tình nên ai cũng thoải mái.

Hiện nay, BV Đa khoa Vạn Hạnh đang chuẩn bị thủ tục, phương án để tiếp nhận các bệnh nhân có thẻ bảo hiểm đến khám chữa bệnh. Biết là sẽ thêm người, vất vả nhưng BS Luân vẫn sẵn sàng. “Phải có tấm lòng vì mọi người, khi ấy bạn sẽ làm được. Và tôi có thêm một phương châm nữa gắn với công tác Đảng: Nếu đảng viên đói thì nói không ai nghe. Vì thế, các đảng viên ở đây luôn gương mẫu, vì người bệnh, vì chủ đầu tư và vì người lao động. Đó là chu trình khép kín, có lợi chung.

Thu nhập thấp nhất ở đây là 1 triệu đồng/người. Làm thêm giờ, trực ca, hay mổ đều được bồi dưỡng thêm tiền. Ngoài ra anh em còn được đi học để nâng cao trình độ nên họ rất vui vẻ và cho rằng: ở đây không thua kém BV Nhà nước, thậm chí còn thu nhập cao hơn”- ông tâm sự.  Hàng ngày BS Luân đi làm bằng xe taxi, ăn cơm trong căng tin cùng mọi người, hòa đồng với tất cả.

3 người con của ông đều đã thành đạt. Vợ ông đã nghỉ hưu. Lẽ ra ông có thể yên tâm nghỉ nhưng ông không chịu: “Tôi muốn được mang chút sức lực giúp đỡ người nghèo, người bệnh”. Trước khi chia tay, BS Luân đọc cho tôi nghe một bài thơ dài viết về Đảng của ông, xin được chép ra đây mấy câu cuối:

Nói chuyện hôm nay, nhớ  người đi trước

Từ đói nghèo mà có hôm nay

Từ đói nghèo mà có bàn tay

Cùng khối óc Đảng gieo năm  tháng

Cùng khối óc Đảng gieo ánh sáng – tung cánh bay cao bốn phương trời

Từ trái tim tôi, xin cảm ơn người – Đảng quang vinh dạy

 tôi nghề thuốc

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.