Giám đốc WeCreate Vietnam: ‘Nền tảng online có ý nghĩa rất to lớn với phụ nữ’

Chị Ngô Thị Hoài
Chị Ngô Thị Hoài
Là người dẫn dắt WeCreate – chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam, một trong 115 sáng kiến giành được giải thưởng của Chương trình Lãnh đạo Cộng đồng của Facebook (FCLP) năm 2018, chị Ngô Thị Hoài luôn mong muốn giúp thật nhiều phụ nữ Việt Nam khởi nghiệp thành công.

Nghiên cứu của Sáng kiến Kinh doanh Mekong (MBI) cho thấy 25% các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam được phát triển bởi các doanh nhân nữ. Thực tế cho thấy phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng sở hữu những phẩm chất cần thiết cho phép vận hành một doanh nghiệp hiệu quả và phát triển bền vững. Đó là sự kiên trì, tinh thần cầu thị, khả năng phân tích và cân nhắc kỹ lưỡng, cũng như sự “nhạy cảm” và quyết đoán khi phải đưa ra các quyết định khó khăn.

Nguồn cảm hứng từ những câu chuyện thành công

Là người đứng đầu một tổ chức cung cấp các mạng lưới cố vấn, kết nối và đào tạo chuyên sâu dành cho phụ nữ mang giấc mơ khởi nghiệp, chị Hoài hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn mà nữ giới phải đương đầu trong quá trình khởi nghiệp, cũng như tin tưởng hơn bất cứ ai vào tiềm năng và cơ hội thành công của phụ nữ. Đã có rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng được viết bởi những thành viên của mạng lưới WeCreate Vietnam. Một trong số đó chính là câu chuyện của “bà chủ” thương hiệu quần áo trẻ em Bu.  

Là bà mẹ 3 con, ý tưởng khởi nghiệp đến với Thảo chính từ sự lo lắng bản năng của một người mẹ trước tình trạng quần áo trẻ em “bẩn”, độc hại tràn lan trên thị trường. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc, Thảo bắt đầu tìm hiểu về chất liệu vải sợi tre, được xem như chất liệu an toàn, cao cấp dành cho trẻ nhỏ, với những đặc tính mềm nhẹ, thoáng mát và kháng khuẩn tự nhiên. Bắt đầu với quy mô sản xuất hạn chế, và nhân sự chỉ vỏn vẹn 3 người gồm Thảo, mẹ Thảo và một người hàng xóm, Thảo vấp phải không ít khó khăn. Thế nhưng Thảo đã quyết tâm áp dụng tiêu chuẩn OKO-Tech 100’ – tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về may mặc vào các sản phẩm của mình và từng chấp nhận “đổ bỏ” cả lô hàng chỉ vì những lỗi sai nhỏ. Thảo quyết định tham gia khóa học Startup Academy của WeCreate để hoàn thiện mô hình kinh doanh của mình.

Vận dụng linh hoạt các kiến thức được học cùng sự hỗ trợ của nhiều mentor, một năm sau ngày tốt nghiệp, thương hiệu quần áo trẻ em Bu đã có được sức sống mới. Thỏa mãn các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe về hàng may mặc, Bu dần chiếm được cảm tình và sự tin yêu của người tiêu dùng. Với xưởng may 70 công nhân tại Thái Nguyên và 30 nhân sự làm việc tại Hà Nội, Bu tự tin cung cấp các sản phẩm tới hơn 60 đại lý trên toàn quốc, doanh thu tăng gấp 20 lần so với ngày đầu. Sản phẩm của Bu cũng đã “tìm đường” tới với những chuỗi cửa hàng chất lượng cao. 

Bản thân hành trình của chị Hoài, Giám đốc WeCreate Vietnam, cũng là một câu chuyện tràn đầy cảm hứng. Từ bỏ công việc với thu nhập hấp dẫn để trở thành người nội trợ, đã có lúc chị Hoài cảm thấy khủng hoảng. May mắn là trong thời điểm đó, chị biết đến WeCreate và bị thuyết phục bởi những giá trị mà chương trình mang lại. Chị quyết định tham gia đội ngũ thực hiện chương trình WeCreate tại Việt Nam, đem đến cho phụ nữ một nền tảng mới để khai phá các tiềm năng của bản thân và vững tin trên bước đường khởi nghiệp.

“Chúng tôi muốn hướng đến người phụ nữ, chị em các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, người khuyết tật… Bản thân tôi làm được, thì chắc chắn những người phụ nữ ngoài kia, họ cũng sẽ làm được” – chị Hoài xúc động chia sẻ.

Khai phóng tiềm năng doanh nhân nữ

Gạt sang bên những khó khăn hiện hữu, phụ nữ thời nay cũng có được một công cụ vô cùng đắc lực giúp ích cho quá trình khởi nghiệp, đó chính là nền tảng số, các mô hình mạng xã hội giúp nâng cao kiến thức, kết nối cộng đồng cũng như tối ưu hóa các hoạt động truyền thông – tiếp thị. Chị Hoài cũng nhanh chóng nhận thấy nền tảng online và mạng xã hội, đặc biệt là Facebook chính là cơ hội lớn để chị có thể hỗ trợ nhiều hơn các học viên nữ muốn khởi nghiệp.

Chị cho biết, trước đây, hoạt động của chương trình chủ yếu là offline (huấn luyện trực tiếp), nên số lượng học viên được tiếp cận các chương trình của WeCreate chưa nhiều. Đặc biệt, đối với những vùng nông thông, vùng xa, để tổ chức các chương trình huấn luyện cũng rất khó khăn khi phải di chuyển nhiều, tốn kém, học viên đi lại cũng vất vả…  

Từ khi đưa chương trình lên online, WeCreate đã nhân rộng giá trị và những điển hình thành công của mình rộng khắp. Chương trình đã kết nối các hội nhóm phụ nữ từ nhiều vùng miền, mang tới cho họ thông tin về các khóa học CEO miễn phí, các chương trình du học ngắn hạn cho phụ nữ... Các nhóm cũng rất tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để giúp đỡ nhau, cùng nhau khởi nghiệp thành công. Với chị Hoài, nền tảng online, truyền thông xã hội thực sự là một công cụ mạnh mẽ để chị và các cộng sự tiếp tục sứ mệnh “trao quyền” cho những người phụ nữ.

Với sáng kiến được FCLP vinh danh và hỗ trợ, chị Ngô Thị Thu Hoài cũng đã gặt hái nhiều trải nghiệm lí thú: “Cảm ơn Facebook đã hiểu giá trị của những gì chúng tôi đang làm, và ủng hộ những tham vọng của chúng tôi. Buổi #Meetup đầu tiên với các lãnh đạo cộng đồng đến từ khắp nơi trên giới tụ họp tại trụ sở chính của Facebook ở Menlo Park là một trải nghiệm tuyệt vời khi chúng tôi được gặp gỡ, cùng nhau học hỏi và chia sẻ. Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ giúp WeCreate khai phóng nhiều tiềm năng hơn nữa cho các nữ doanh nhân Việt Nam trong tương lai”.

Những nỗ lực của Chương trình cũng không nằm ngoài mục tiêu xóa bỏ những định kiến về người phụ nữ làm kinh doanh, giúp phụ nữ có được niềm hạnh phúc trọn vẹn từ chính đam mê của mình cũng như niềm tin, sự ủng hộ của những người thân yêu nhất.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.