Giảm lãi suất cơ bản: Mừng nhiều, lo không ít

Giảm lãi suất cơ bản: Mừng nhiều, lo không ít
TP- Từ hôm nay, 21/10,  hàng loạt biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu có hiệu lực. Động thái này đã khiến không chỉ các doanh nghiệp (DN) cần vốn mà ngay cả các ngân hàng cũng cảm thấy “dễ thở” hơn.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế vẫn xem đây là điều kiện “cần” chứ chưa “đủ” để cả ngân hàng lẫn DN vượt qua khó khăn…

Trong đó đáng chú ý nhất là lãi suất cơ bản (LSCB) VND giảm từ 14%/năm xuống còn 13%/năm, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng tăng từ 5%/năm lên 10%/ năm và NHNN sẽ thanh toán trước hạn 20.300 tỷ tín phiếu bắt buộc cho NH nào có nhu cầu.

 Vốn sẽ dồi dào hơn

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng đây là một quyết định cần thiết trong hoàn cảnh các ngân hàng nhỏ gặp nhiều khó khăn, chi phí cao, lợi nhuận thấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn hoạt động, một số phải ngưng hoạt động và đứng trên bờ vực phá sản.

TS Trần Hoàng Ngân (ĐHKT TPHCM) cũng nhận định: Với những biện pháp được thực hiện cùng lúc như trên sẽ khiến hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản tốt hơn và dòng vốn sẽ dồi dào, nhiều DN dễ tiếp cận vốn ngân hàng để mở rộng kinh doanh, sản xuất.

Chủ tịch HĐQT Sacombank Đặng Văn Thành thừa nhận thời gian qua một số ngân hàng có tình trạng thừa vốn vì lãi suất cao, gần đây đã giảm nhưng với lãi suất nhiều nơi 19%-20% thì nhiều DN vẫn ngán ngại, nay NHNN thực hiện đồng loạt các giải pháp trên thì đầu ra của các ngân hàng sẽ “khai thông hơn, không chỉ DN mà ngân hàng cũng được lợi”.

Trao đổi với Tiền phong, các chuyên gia kinh tế đều chung ý kiến các biện pháp trên nếu thực thi đồng bộ và khả thi sẽ góp phần ngăn chặn giảm phát nhiều khả năng sẽ xảy ra, giúp nhiều DN thêm vốn phục hồi sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, kích cầu sức mua của dân chúng đang chậm lại…

Tổng GĐ một ngân hàng lớn phân tích: “Nếu chỉ giảm LSCB không thì tác động chưa lớn lắm nhưng tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và cho các ngân hàng rút trước hạn tín phiếu bắt buộc sẽ giúp nhiều ngân hàng cải thiện được thanh khoản, thậm chí sẽ có thêm khoản lợi nhuận lớn”.

Ông này tính ngân hàng của mình sẽ được lợi từ hai khoản trên lên tới cả trăm tỷ đồng, số tiền khá lớn trong hoàn cảnh nhiều DN phải cắt giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm 2008.

Tổng GĐ ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình đánh giá đối với một số ngân hàng đã đụng trần chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 30% thì giảm LSCB chưa hẳn là một tin vui bằng việc tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và “giải ngân” nguồn vốn từ tín phiếu bắt buộc.

Phó Tổng GĐ một quỹ đầu tư nói trong tình hình nhiều nguồn vốn, kể cả vốn FDI đang khó khăn thì hàng chục ngàn tỷ đồng tín phiếu bắt buộc được các ngân hàng rút ra và bơm vào thị trường tiền tệ sẽ “kích cầu” rất đáng kể.

Vẫn còn nỗi lo

Bên cạnh những tín hiệu vui từ “gói” giải pháp trên của NHNH thì vẫn có không ít ý kiến bày tỏ hạ lãi suất cơ bản không đồng nghĩa với việc DN sẽ nhẹ gánh vốn vay. Lãnh đạo nhiều ngân hàng đánh giá giảm LSCB 1% sẽ khiến DN cảm thấy nhẹ hơn chút đỉnh nhưng các ngân hàng cũng sẽ chỉ giảm lãi vay tương ứng 1-2%.

Trong bối cảnh tổng lợi nhuận của nhiều DN chỉ 20%/năm thì vay với lãi khó có thể dưới 16% sẽ khiến họ “tiến thoái lưỡng nan”.  TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng khẳng định cả khi được ưu ái vay với lãi suất trên nhiều DN cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi giá sản phẩm hạ, tiêu thụ chậm như hiện nay.

Hơn nữa dù lãi suất thấp thì các ngân hàng vẫn phải đảm bảo an toàn và thực tế cho thấy không ít các DN không vay được vốn vừa qua là do chưa đủ chuẩn chứ không thực sự vì lãi cao.

GĐ phụ trách khách hàng DN một ngân hàng dẫn chứng việc ngân hàng ông đang dành khoảng 2.000 tỷ cho các DN xuất khẩu vay với lãi suất bằng lãi suất USD nhưng rất nhiều DN nộp hồ sơ rồi bị từ chối.

LSCB giảm sẽ áp lực buộc nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ không chỉ hạ lãi suất vay mà còn giảm cả lãi suất huy động. Phó Tổng GĐ một ngân hàng mới tăng vốn điều lệ lên trên 1.000 tỷ đồng nói các ngân hàng lớn sẽ có lợi hơn vì nếu lãi huy động giảm nhiều khách hàng sẽ chọn họ, mặt khác các ngân hàng này cũng sẽ có lợi thế về nguồn vốn để chiếm ưu thế một khi các ngân hàng đua hạ lãi suất.

Một chuyên gia kinh tế khuyến cáo các DN đừng cho rằng hạ LSCB là liều thuốc hữu hiệu nhất để họ dễ tiếp cận vốn hay vượt qua giai đoạn vẫn còn khó khăn này vì sử dụng đồng vốn ra sao mới là điều quan trọng nhất, chưa kể vốn không hẳn là bài toán khó nhất đối vối nhiều DN.

Về phía ngân hàng, hạ LSCB hay nới lỏng chính sách tiền tệ cũng chưa quyết định được họ cạnh tranh tốt hay mạnh lên hơn nếu như “bài học” cho vay bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán hay tăng vốn ồ ạt như năm 2007 vẫn bị xem nhẹ.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.