Giám sát nợ công còn thủ công

Giám sát nợ công còn thủ công
TP - Theo đại diện Bộ Tài chính, công tác giám sát nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam hiện còn mang tính thủ công.

> Phải công khai mới kiểm soát được nợ công
> Mổ lãi suất, moi nợ xấu

Tại Hội thảo Tăng cường giám sát tài chính quốc gia ngày 27/8, ông Hoàng Hải, Cục phó Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2012 nợ công của Việt Nam hơn 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm 55,6% GDP. Trong đó, nợ Chính phủ gần 1,3 triệu tỷ đồng (43,2% GDP), nợ Chính phủ bảo lãnh hơn 343.000 tỷ đồng (11,6% GDP), nợ của chính quyền địa phương hơn 24.000 tỷ đồng (0,8% GDP). Năm 2012 chỉ trả được hơn 169.000 tỷ đồng.

Ông Hải cho rằng, công tác giám sát nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam còn mang tính thủ công. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giám sát nợ đang ở bước đầu, còn nhiều khiếm khuyết, không phát hiện ra hoặc phát hiện chậm các sai phạm…

Với thị trường tài chính, TS Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, Việt Nam đang tập trung vào giám sát an toàn vi mô mà thiếu giám sát vĩ mô. Giám sát an toàn vi mô chỉ ngăn chặn bất ổn của từng định chế tài chính, thiên về giám sát tuân thủ hơn là giám sát rủi ro. Trong khi đó, thị trường tài chính đang phát triển nhanh chóng, phức tạp, hình thành nhiều tập đoàn tài chính, tiềm ẩn rủi ro do sở hữu chéo giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; các rủi ro mang tính hệ thống từ sự bất ổn của môi trường kinh tế vĩ mô và các cú sốc bên ngoài.

“Trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay, việc đưa ra các chính sách tài chính cần thận trọng. Thực tế, khi bất ổn xảy ra, các chính sách thường thiên về thắt chặt, điều này có thể gây tác dụng ngược, làm tình hình trở nên xấu hơn”, ông Tuấn cảnh báo. Theo ông Tuấn, để xây dựng hệ thống giám sát tài chính minh bạch, hiệu quả, cần hình thành các cơ quan giám sát độc lập, có quyền lực (hiện chưa làm được).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG