Giảm thuế nhập khẩu, giá ôtô có giảm?

Giảm thuế nhập khẩu, giá ôtô có giảm?
Bộ Tài chính mới đây đã quyết định giảm thuế mạnh hàng loạt mặt hàng, trong đó đáng chú ý là giảm thuế suất thuế nhập khẩu với ôtô nguyên chiếc từ 80% xuống còn 70%. Điều này đang dấy lên hy vọng giá xe ôtô nhập khẩu sẽ giảm và qua đó kéo giá xe trong nước xuống theo.

>> 'Vừa bán vừa la vẫn đắt hàng'

Giảm thuế nhập khẩu, giá ôtô có giảm? ảnh 1

Các DN sản xuất lắp ráp ôtô không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường. (Ảnh: VietnamNet)

Theo một quan chức Bộ Tài chính thì việc giảm thuế nhập khẩu với ôtô lần này nhằm đẩy nhanh lộ trình thực hiện cam kết về thuế ôtô khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và ngăn chặn cơn sốt ôtô trong nước.

Theo quan chức này, hiện nay, thị trường ôtô trong nước đang vướng phải một "cơn sốt" kéo dài. Lượng xe cung cấp không đáp ứng kịp nhu cầu và giá xe thì vẫn ở mức cao. Người tiêu dùng vừa phải chịu mức giá cao lại phải chờ đợi đến vài ba tháng mới có xe. Đây là điều bất hợp lý. Khi thuế suất thuế nhập khẩu ôtô giảm thì giá xe nhập khẩu sẽ giảm. Lượng xe nhập khi đó sẽ tăng lên và tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, tạo ra sức ép làm cho giá xe trong nước giảm.

Theo tính toán của các nhà nhập khẩu, với mức thuế suất thuế nhập khẩu giảm 10% thì bình quân giá xe nhập khẩu sẽ giảm khoảng 16%. Như vậy 1 chiếc xe nhập khẩu có giá 20.000 USD (giá khai báo, chưa tính các loại thuế) sẽ giảm được trên 3.000 USD.

Nhiều người cũng đang kỳ vọng thời gian tới giá ôtô sẽ giảm, nhưng liệu điều này có trở thành hiện thực?

Hiện nay, nhu cầu về ôtô trên thị trường đang tăng mạnh, số lượng xe nợ khách hàng của các hãng xe đang ngày càng kéo dài. Chỉ tính 10 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, số lượng xe nợ khách hàng lên đến gần 10.000 chiếc tại thời điểm hiện tại. Riêng Công ty Toyota Việt Nam đang nợ gần 5.000 xe các loại, Ford gần 2.000 xe rồi Vidamco, Honda Việt Nam.... cũng nợ khách hàng. 

Với nhiều mẫu xe, đặt mua đầu tháng 8/2007 thì đến tháng 11/2007 mới được lấy xe như Camry 2007 (Toyota), hay Civic (Honda), thậm chí có mẫu xe như Captiva (GM Daewoo) phải đợi sang đầu năm 2008 mới có. Còn với những mẫu xe khác, nhanh nhất cũng phải chờ đợi 1 tháng sau mới có xe.

Với xe nhập khẩu cũng tương tự, từ đầu năm 2007đến nay, hầu hết các mẫu xe nhập khẩu cũng đều thiếu hàng, cứ về chiếc nào là khách lấy ngay chiếc đó. Nhiều doanh nghiệp chỉ nhập khẩu ôtô theo đơn đặt hàng, tức là khách hàng phải đặt tiền trước và đợi xe nhập trong vòng 2 tháng sau mới có.

Khi xe đã thiếu thì tất nhiên sẽ không có chuyện giảm giá. Trước kia khi xe ế ẩm, các đại lý  thường chủ động giảm giá bán để câu khách. Người tiêu dùng thường mua được xe với giá bán thấp hơn giá công bố của nhà sản xuất, nhưng khi thiếu xe thì ngược lại. Hiện nay nếu mua đúng giá phải chờ đợi tới cả quý, còn muốn mua ngay thì phải trả thêm từ 1.000 USD tới 3.000 USD so với giá công bố.

Vì vậy một câu hỏi đặt ra là khi thị trường đang thiếu lớn, giảm thuế nhập khẩu liệu giá xe có giảm theo? Vào tháng 1/2007, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đã giảm từ 90% xuống còn 80% theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Khi đó, theo tính toán mỗi chiếc xe cũng có mức giảm giá bình quân khoảng 15% nhưng trên thực tế hầu hết các mẫu xe nhập khẩu đã không giảm giá theo.

Cụ thể, mẫu xe Kia Morning khi thuế nhập khẩu còn 90% thì giá của 1 chiếc xe mới nhập nguyên chiếc khoảng 17.500 USD thì sau khi thuế giảm còn 80% giá xe vẫn không đổi. Hay như mẫu xe Gezt của Hyundai lúc thuế 90% thì giá là 21.800 USD  khi thuế còn 80% giá này vẫn giữ nguyên... Lý do là vì khi đó thị trường cũng đang thiếu xe, nhập về chiếc nào hết ngay chiếc đó mà khách hàng còn phải đặt tiền trước mới mua được thì làm gì có chuyện giảm giá.

Theo một số ý kiến, hiện nay nhu cầu xe đang tăng cao và thị trường đang thiếu, việc giảm 10% thuế với ôtô nguyên chiếc nhập khẩu chưa chắc đã kéo được giá xe giảm và hết thiếu xe như  kỳ vọng mà có khi chỉ mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho các nhà nhập khẩu còn người tiêu dùng chưa chắc được hưởng lợi gì.

Theo VietnamNet

MỚI - NÓNG