'Gian khổ' dành phần ai khi thắt chặt chính sách tiền tệ?

'Gian khổ' dành phần ai khi thắt chặt chính sách tiền tệ?
TP - Một ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra “trần” lãi suất, việc PV liên hệ với lãnh đạo nhiều NH thương mại cổ phần để tìm hiểu thông tin trở nên khó khăn, đa số cuộc gọi đều được báo lại là “lãnh đạo ngân hàng chúng tôi đang họp gấp”.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó có những ngân hàng nông thôn mới chuyển thành đô thị, chắc hẳn có nhiều lý do để họp gấp.

Họ vốn đang chạy đua lãi suất để đối phó lại chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nay cuộc đua đã bị “thổi còi”, dĩ nhiên là không thể ngồi yên.

Lạm phát đang ở mức báo động đỏ, nên các biện pháp thắt chặt tiền tệ của NHNN dễ dàng được dư luận ủng hộ. Nhưng, đằng sau các chính sách “rằng hay thì thật là hay” này, giới kinh tế đã và đang đề cập đến việc “ngậm đắng nuốt cay” của không ít ngân hàng thương mại cổ phần.

Nghiên cứu sinh kinh tế học Nguyễn An Nguyên, từ Rice University (Hoa Kỳ), cho rằng việc NHNN phát hành tín phiếu bắt buộc, đã đem lại mối lợi khổng lồ cho các ngân hàng quốc doanh đang dư dả về thanh khoản đem bán lại trên thị trường liên ngân hàng.

Trong khi đó, các ngân hàng cổ phần, có vốn nhỏ hơn nhiều so với năm ngân hàng quốc doanh lớn, lại tiếp tục chịu thiệt thòi khi NHNN bán tiền trên thị trường liên ngân hàng theo hình thức đấu khối lượng.

Cụ thể là việc Agribank và BDIV trúng thầu toàn bộ 15 nghìn tỉ đồng ngày 20/2 vừa qua, và không ai có thể trách hai ngân hàng đó sẽ đưa số thanh khoản này bán lại trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao ngất ngưởng.

Ông Vũ Quang Việt (Vụ trưởng Vụ thống kê tài khoản của Liên Hợp Quốc), chỉ ra rằng chống lạm phát cần biện pháp “cả gói”, kết hợp đồng thời các biện pháp này và điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế. Chỉ giảm thanh khoản bằng bán tín phiếu sẽ bóp ngay “cổ họng” ngân hàng thương mại tư và khu vực tư nhân vì Cty nhà nước có lẽ sẽ êm thắm vì được ưu đãi.

Từ lâu, giới kinh tế đã đề cập đến phong trào thành lập ngân hàng ở Việt Nam. Các ngân hàng thương mại cổ phần, dù mới hay cũ, mạnh hay yếu, đều là “con đẻ” của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về thành lập ngân hàng.

Việc để cho những ngân hàng ngoài quốc doanh phải chịu thiệt thòi hơn ngân hàng quốc doanh, nếu có, khi NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ, liệu có công bằng và an toàn bởi rủi ro ngân hàng luôn có tính hệ thống (domino)?  

MỚI - NÓNG