Gian nan xuất khẩu cuối năm

Gian nan xuất khẩu cuối năm
TP- “Trong sáu tháng cuối năm, việc vươn tới chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, đặc biệt chỉ tiêu xuất khẩu còn gặp rất nhiều gian nan”.

>> Xuất khẩu dệt may vượt hơn 4 tỉ USD

Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu nhấn mạnh như vậy tại hội nghị giao ban trực tuyến của bộ diễn ra hôm qua tại ba điểm cầu Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Ông Khu dẫn ra một số số liệu của sáu tháng đầu năm để cho thấy phần việc thực hiện được so với chỉ tiêu đề ra còn khá khiêm tốn. Điều đó cũng có nghĩa, nhiệm vụ phải hoàn thành kế hoạch cả năm trong sáu tháng còn lại là hết sức nặng nề.

Điều khiến cơ quan quản lý nhà nước ngành lẫn các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề hết sức lo lắng là vẫn còn quá nhiều quy định, chính sách bất hợp lý và cả thiếu sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ ngành, địa phương gây khó khăn, cản trở xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ngành dệt may vươn lên dẫn dầu về kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, song ngành này vẫn đang gặp nhiều trở ngại từ chính sách.

Ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) than phiền về những khó khăn trong giải tỏa mặt bằng khiến tiến độ xây dựng các công trình xây dựng điện bị chậm; vì thiếu cơ chế và sự phối hợp khiến việc chuyển giao lưới điện nông thôn giữa các địa phương với ngành điện cũng chậm trễ.

Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân bức xúc với những trở ngại do chính các bộ ngành đặt ra gây khó khăn lớn đối với doanh nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng.

Đó là, giá điện giờ cao điểm sáng (từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 phút) không hợp lý khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng cao. Gần đây, nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực thủ tục hải quan được ban hành với rất nhiều nội dung gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Những quy định này trái với tinh thần của Chính phủ trong đề án 30 về việc đơn giản hóa thủ tục quản lý doanh nghiệp” - ông Ân đánh giá.

“Phải tăng cường tháo gỡ cho doanh nghiệp, nếu không sẽ không thúc đẩy tăng trưởng” - ông Khu một lần nữa nhấn mạnh. Ông Khu đề nghị các cơ quan liên quan cùng phối hợp, giúp đỡ doanh nghiệp khai thác tốt các gói kích cầu của Chính phủ.

Ông Khu cũng yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công Thương cũng phải phối hợp rất nhiều với nhau, với các bộ ngành khác cũng như các địa phương để làm tốt việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Những khó khăn nào các đơn vị không giải quyết được, phải báo cáo lãnh đạo bộ để kịp thời có biện pháp” - ông Khu nói.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng cho rằng, Cục Hải quan cũng sẽ phải thay đổi cách đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp được tốt hơn.

“Cách đối thoại hàng năm như hiện nay không hiệu quả”- ông Cường nhìn nhận, đồng thời cho biết sẽ hướng tới đối thoại, tháo gỡ theo từng lĩnh vực cụ thể và thường xuyên thay vì mỗi năm một lần và dồn tất cả mọi thứ vào một lần gặp.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.