Giao dịch kho quỹ ở Ngân hàng Nhà nước: Phải "khâu túi"?

Giao dịch kho quỹ ở Ngân hàng Nhà nước: Phải "khâu túi"?
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM có phản ứng về việc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM yêu cầu nhân viên đến giao dịch tiền bạc phải... "khâu túi"?
Giao dịch kho quỹ ở Ngân hàng Nhà nước: Phải "khâu túi"? ảnh 1

Áo không túi nhưng nếu không phải là trang phục ngân hàng hay bluse thì cũng rất khó biết nhân viên có nhiệm vụ và được phép ra vào hay không. Ảnh: VNN

Trên thực tế, đây là quy định "phải mặc trang phục không túi", tuy nhiên một phần do chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không triệt để trong việc kiểm soát, nên việc trang phục và người ra vào khu vực giao dịch kho quỹ hiện nay vẫn còn rất lộn xộn.

Không có chuyện buộc phải khâu túi!

Ngày 30/6/2006, Phó Giám đốc thường trực ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM ký ban hành văn bản số 853/NHNN.HCM.07, quy định trang phục của nhân viên bộ phận ngân quỹ.

Văn bản này quy định: “Từ ngày 15/7/2006, khi giao dịch quỹ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM, nhân viên của các tổ chức tín dụng trên địa bàn được yêu cầu mặc trang phục không túi”.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, quy định này dựa trên văn bản của Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Điều 22 Quyết định 269/2002/QĐ-NHNN ngày 01/4/2002 do Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký, quy định:

“Những người có nhiệm vụ vào quầy giao dịch tiền mặt hoặc kho tiền phải mặc bảo hộ lao động không có túi hoặc trang phục giao dịch không có túi”.

Theo đó, công văn số 199/PHKQ ngày 10/4/2002 hướng dẫn thực hiện quyết định 269 quy định nhân viên các ngân hàng đến giao dịch vào trong khu vực kho quỹ, có thể mặc áo dài, áo choàng, sơ mi không túi, không được mang các loại tư trang, túi xách… vào khu vực này.

Tuy nhiên theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lâu nay nhiều ngân hàng thương mại chưa chấp hành. Theo lý giải của ngân hàng Nhà nước, một phần cũng vì số lượng rất lớn, mà các ngân hàng thương mại khi nhận tiền phải kiểm tra, nên thời gian rất lâu, và những người đi cùng để hộ tống cũng phải tham gia trợ giúp kiểm tiền, sắp xếp cho vào bao, vận chuyển tiền.

Phía ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi ban hành văn bản 853, những ngày qua Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng có nhận được phản ứng của các ngân hàng thương mại.

Một phần, văn bản này ban hành vào giữa năm, khi các ngân hàng đã trang bị đồng phục có túi cho nhân viên, nên không có trang phục không túi để giao dịch.

Để hỗ trợ việc này, Ngân hàng Nhà nước may sẵn áo sơ mi và bluse trắng không túi, để nhân viên các ngân hàng đến giao dịch nếu mặc trang phục có túi, sẽ choàng thêm bên ngoài khi vào khu vực kho quỹ.

“Chứ không hề có việc yêu cầu nhân viên các ngân hàng đến đây giao dịch phải khâu túi” - một cán bộ ngân hàng làm việc với phóng viên, giải thích.

Người không có nhiệm vụ vẫn vào khu vực giao dịch kho quỹ

Mặc trang phục không túi vào khu vực giao dịch kho quỹ, tiền bạc, đó cũng là quy định cần thiết. Nhiều nước trên thế giới thực hiện rất nghiêm ngặt.

Tuy nhiên văn bản của Thống đốc ngân hàng ban hành từ năm 2002 nhưng đến nay các ngân hàng thương mại vẫn không thực hiện, do việc triển khai không đến nơi đến chốn và thiếu kiên quyết của Ngân hàng Nhà nước.

Chẳng hạn, ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM chỉ chú ý đến túi áo chứ không chú ý đến… túi quần. Khi nhân viên các ngân hàng thương mại mặc trang phục có túi đến đây giao dịch, chỉ cần choàng chiếc áo trơn ở nơi đây cung cấp là được.

Thậm chí, chính ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cũng vi phạm quy định, không những vẫn để cho người mặc trang phục có túi vào khu vực giao dịch, mà còn để cho cả người không có nhiệm vụ vào trong khu giao dịch kho quỹ.

Trong hai lần làm việc tại ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM ngày 17 và 18/7, phóng viên thấy có tất cả 4 người nam có mặt trong khu vực giao dịch kho quỹ mặc áo có túi.

Trong số này có một người mặc sắc phục bảo vệ của ngành ngân hàng, áo có hai túi với nắp đậy hẳn hoi. Cán bộ ngân hàng Nhà nước làm việc với phóng viên cho biết, đó là bảo vệ của ngân hàng thương mại cùng đi theo nhân viên.

Cùng thời điểm, còn có một người mặc áo sơ mi thường, đầu đội nón vải, cũng có mặt trong khu vực giao dịch. Người này không tham gia đếm tiền, không rõ có nhiệm vụ gì.

Theo quy định của quyết định 269, điều 37 và 38, mục III "Vào ra kho tiền", chỉ những chức vụ có nhiệm vụ được quy định mới được vào ra khu vực này.

Những chức vụ, nhân viên không có trong danh sách được vào ra, nếu làm nhiệm vụ liên quan trong kho quỹ, phải có văn bản ký đồng ý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hoặc của Tổng giám đốc tổ chức tín dụng mới được vào.

Như vậy, chưa kể áo có túi, những người trên đây không được vào khu vực giao dịch kho quỹ.

Theo VietnamNet

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.