Giao dịch CK: Vi phạm nhiều, xử lý chẳng bao nhiêu

Giao dịch CK: Vi phạm nhiều, xử lý chẳng bao nhiêu
TP - Từ đầu tháng 6/2007 đến nay, liên tiếp xảy ra các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực giao dịch chứng khoán.  Tuy nhiên, xử phạt quá nhẹ, vô tình khuyến khích các tổ chức, cá nhân vi phạm thêm.
Giao dịch CK: Vi phạm nhiều, xử lý chẳng bao nhiêu ảnh 1

Xử lý vi phạm như hiện nay khiến nhà đầu tư lo ngại vì hiện tượng làm giá. Ảnh: Phạm Yên

Sau khi hàng loạt các Cty chứng khoán vi phạm, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát các tổ chức niêm yết lại thi nhau giao dịch chứng khoán nhưng không “thèm” công bố thông tin thì ngày 28/6/2007, lần đầu tiên Thanh tra UBCKNN ra quyết định phạt tiền đến 30 triệu đồng vì  “làm giá chứng khoán” đối với một cá nhân.

Giơ cao

Điều đáng ngạc nhiên là những vi phạm kiểu trên đều bị UBCKNN và Trung tâm giao dịch chứng khoán “xử lý nghiêm khắc” nhưng vi phạm lại ngày càng tăng và nghiêm trọng hơn! 

Ngày 28/6/2007, trên trang web của UBCKNN đăng tải quyết định của thanh tra UBCKNN về việc phạt tiền 30 triệu đồng đối với bà Nguyễn Diễm Phương Khanh ở địa chỉ số 31 Trương Định (P.6, Q.3, TPHCM) do đã vi phạm quy định tại điểm a “thông đồng trong giao dịch chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo” trong khoản 1, điều 28, Nghị định 36 ngày 8/3/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Theo ông Lê Hải Trà, Phó Giám đốc TTGDCK TPHCM (HoSTC) thì đây là một “tin mừng” vì lần đầu tiên một hành vi làm giá để trục lợi bị chỉ đích danh. Phó giám đốc một Cty chứng khoán cho rằng “quyết định này chứng tỏ Thanh tra có thể tìm ra ai đã làm giá, cấu kết để nâng hay dìm giá, chỉ có điều UBCKNN có quyết tâm làm triệt để không mà thôi”.

Thời gian qua, HoSTC đã ra khá nhiều quyết định cảnh cáo các Cty chứng khoán, đình chỉ đại diện giao dịch vì lỗi trong quá trình kiểm tra và nhập lệnh, dẫn đến sửa lỗi sau giao dịch.

Trong đó có không ít những Cty chứng khoán tên tuổi như  Ngân hàng Đầu tư -Phát triển Việt Nam, Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Chứng khoán TPHCM, Gia Anh, Thái Bình Dương, Âu Lạc...

Đáng lo ngại hơn cả là tình trạng thành viên HĐQT, Ban kiểm soát âm thầm giao dịch mà không công bố thông tin theo quy định.

HoSTC đã ra thông báo ông Trần Đức Thọ - Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (mã chứng khoán SJS) đã giao dịch cổ phiếu SJS trên HoSTC mà không công bố thông tin;  ông Lưu Tấn Khoa – Kiểm soát viên Cty Cổ phần Thủy điện Ry Ninh II, rồi ông Lê Việt Hùng, kiểm soát viên Cty Bibica... cùng phạm những lỗi tương tự.

Không chỉ các tổ chức niêm yết Việt Nam mà Citigroup Global Ltd cũng bị HoSTC gửi văn bản nhắc nhở về việc giao dịch cổ phiếu NKD đạt tỷ lệ sở hữu 5,48% mà không công bố thông tin, vi phạm quy định báo cáo về sở hữu của cổ đông lớn.

... Đánh khẽ

Lý giải về hiện tượng trên, nhà phân tích chứng khoán Bùi Ngọc Tước nhận định: “Tôi không cho rằng các Cty chứng khoán và cá nhân trên sai sót do vô ý, hơn ai hết họ biết rõ các quy định và cũng không phải ai cũng vi phạm lần đầu. Có điều do chế tài quá nhẹ nên họ chẳng sợ gì”.

Theo ông Tước, tất cả vi phạm trên đều do UBCKNN hay HoSTC phải điều tra, truy tìm mới ra, nếu sai sót do vô ý thì họ đã “tự thú” rồi. Một chuyên gia chứng khoán xin giấu tên khẳng định các vi phạm trên đều mang lại lợi lộc cho người vi phạm.

Cụ thể như giao dịch lượng cổ phiếu lớn mà không công bố thì giá cổ phiếu sẽ không bị ảnh hưởng, huỷ ngay lệnh trong cùng đợt sẽ giúp Cty hoặc khách hàng của mình có cơ hội đặt lại giá hay tính toán có lợi ngay đợt sau, sửa lỗi sau giao dịch sẽ làm lợi cho khách hàng hay Cty mình...

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam lắc đầu: “Xử phạt như vừa qua thì quá nhẹ, vô tình khuyến khích các tổ chức, cá nhân vi phạm thêm”.

Ông Lê Hải Trà, Phó Giám đốc HoSTC thừa nhận hình thức xử phạt như vừa qua hơi nhẹ nhưng “quy định chỉ cho phép như vậy nên chúng tôi không thể làm hơn”.

Từ lâu dư luận rất bức xúc về việc UBCKNN và các trung tâm “giơ cao đánh khẽ” vì chỉ nhắc nhở cảnh cáo, nặng lắm mới đình chỉ tư cách đại diện 1-3 tháng.

Giám đốc một Cty chứng khoán lớn bức xúc “phạt kiểu này chỉ thiệt cho những Cty chứng khoán tuân thủ đúng quy định”. Vụ phạt bà Phương Khanh 30 triệu cũng để lại nhiều dấu hỏi. Quyết định ký từ 30/5 nhưng 28/6 mới công bố.

Chúng tôi liên lạc với ông Chánh Thanh tra UBCKNN Hoàng Đức Long để biết chi tiết hơn vụ việc thì chỉ nhận được câu hỏi trả lời “tôi đang bận làm việc với cơ quan điều tra” và chấm hết. Ngay cả ông Lê Hải Trà cũng không được biết hơn gì ngoài thông báo trên trang web của UBCKNN.

Theo nguồn tin riêng của Tiền phong hành vi của bà Phương Khánh bị phát hiện do kiện cáo! Theo điều 28 nghị định 36 thì ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm điều này còn bị hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ các khoản thu trái pháp luật nhưng không thấy UBCKNN nhắc đến điều này.

Ông Trà cũng thắc mắc là suốt 7 năm với bao nghi vấn từ dư luận và thực tế thị trường nhưng không hiểu sao mới chỉ mình bà Khanh bị xử lý? Có lẽ còn khá nhiều câu hỏi mà UBCKNN và các Trung tâm GDCK cần trả lời hơn là việc chỉ xử phạt một cá nhân, cảnh cáo nhắc nhở vài ba Cty chứng khoán, tổ chức niêm yết... để thị trường chứng khoán Việt Nam minh bạch và trong sạch hơn.

Nhắn tin để biết thị trường chứng khoán

Công ty Cổ phần phát triển Công nghệ Hà Thành và báo Tiền phong phối hợp thực hiện dịch vụ nhắn tin qua đầu số 8209 để biết 9 thông tin cơ bản trên thị trường chứng khoán.

9 thông tin đó gồm: 1. Kết quả giao dịch; 2. Chỉ số thị trường TP HCM; 3. Chỉ số thị trường Hà Nội; 4. 5 chứng khoán tăng giá mạnh nhất;5.  5 chứng khoán giảm giá mạnh nhất; 6. 5 chứng khoán giao dịch nhiều nhất; 7. Thống kê giao dịch theo tuần; 8. Thống kê giao dịch theo tháng; 9. Thống kê giao dịch theo năm.

Bạn đọc soạn tin theo cú pháp như hướng dẫn của bảng dưới đây rồi gửi đến số 8209. Mức cước phải trả là 2.000 đồng/bản tin.

Giao dịch CK: Vi phạm nhiều, xử lý chẳng bao nhiêu ảnh 2
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.