Giáp Tết, hàng hoá tăng giá mạnh

Giáp Tết, hàng hoá tăng giá mạnh
Càng gần đến Tết, nhiều mặt hàng, nhất là thực phẩm chế biến, đã tăng giá mạnh. Dự báo giá các loại hàng này còn tăng cao hơn vào cận Tết.

So với thời điểm đầu tháng 1, tại chợ Bến Thành, nhiều mặt hàng thực phẩm đã tăng giá khoảng 20.000 đồng/kg như chả lụa (giá hiện là 130.000 đồng/kg), giò thủ (120.000 đồng/kg), xúc xích (120.000 đồng/kg), khô cá sặc (320.000 đồng/kg)... Riêng giá khô mực tăng đến 60.000 đồng, lên 350.000 đồng/kg; khô bò tăng 50.000 đồng, lên 300.000 đồng/kg; tôm khô tăng 100.000 - 150.000 đồng, dao động trong khoảng từ 350.000 - 500.000 đồng/kg.

Tại chợ Bình Tây, các mặt hàng khô cũng tăng giá tương tự. Giá khô mực tại chợ này là 380.000 đồng/kg, tôm khô từ 350.000 - 600.000 đồng/kg.

“Hơn chục năm ngồi chợ, chưa năm nào thấy giá hàng khô tăng cao đến thế này. Giá tăng cao vậy, cũng không phải chỉ là do giá chung, nhu cầu người dân tăng cao mà còn là do các chủ hàng đầu mối “to” gom hàng để đẩy giá lên cao nhằm kiếm lãi lớn trong dịp Tết này” - Chủ một cửa hàng khô tại chợ Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội)

Tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền, giá mực tươi tăng rất mạnh so với đầu tháng, từ 70.000 - 90.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg; giá tôm tăng khoảng 5.000 đồng/kg, giá cá tăng bình quân 2.000 đồng/kg...

Đại diện Ban quản lý các chợ Bến Thành (Q.1), Bình Tây (Q.6), An Đông (Q.5) nhận định, giá cả hiện nay chỉ mới vào đợt tăng thăm dò thị trường. Vào lúc cao điểm 10 ngày trước Tết sẽ có thêm đợt tăng giá, thông thường là tăng thêm khoảng 10%.

Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM nhận định giá các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm chế biến hiện tăng ít nhất là 10% so với đầu tháng. Giá các loại bánh hộp tăng từ 3.000 đồng - 5.000 đồng/hộp, các loại nước chấm, gia vị cũng tăng 10% - 15%. Giá mứt tăng từ 30% - 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiểu thương Nguyễn Thị Ngọc Lan (chợ Hòa Bình) nhận định: “Từ nay đến Tết, giá các mặt hàng thực phẩm chế biến (tôm khô, khô mực, khô cá, khô bò...) và bánh kẹo, mứt, hạt dưa... sẽ còn tăng đều”. 

Hà Nội: Tăng chóng mặt

Nhiều mặt hàng khô tại Hà Nội hiện tăng giá từ 10 - 20%, thậm chí ở một số loại lên tới 40 - 50% so với bình thường.

Tại một số chợ lớn như Đồng Xuân, Hôm - Đức Viên, Hà Đông, chợ Xanh (Cầu Giấy), Phùng Khoang, Ngã Tư Sở... giá mộc nhĩ, nấm hương, măng khô, đỗ xanh, hạt sen... đều tăng chóng mặt.

Giá mộc nhĩ hồi tháng 12.2009 từ 70.000 - 80.000 đồng/kg hiện đã lên tới 120.000 đồng/kg, thậm chí ở một số chợ nhỏ còn được bán với mức 160.000 - 170.000 đồng/kg.

Giá nấm hương loại ngon tăng từ 250.000 đồng/kg lên 300.000 đồng/kg; măng khô từ 110.000 đồng/kg lên 150.000 - 170.000 đồng/kg; hạt sen từ 70.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; đỗ xanh loại ngon từ 40.000 - 45.000 đồng/kg lên 60.000 - 65.000 đồng/kg...

Không chỉ có các mặt hàng khô phục vụ cho dịp Tết tăng giá mà nhiều mặt hàng khô dùng trong ngày thường như lạc, vừng, hay các mặt hàng hải sản như tôm, cá khô cũng tăng lên so với trước từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.  

Chủ cửa hàng khô Hường Quỳnh (chợ Hà Đông) cho rằng, ngoài nhu cầu mua các mặt hàng khô tăng cao vào dịp Tết còn có nguyên nhân giá điện, giá xăng, giá vàng... năm nay cao hơn nhiều so với năm trước.

Chị Ngô Thị Lộc (chủ một cửa hàng khô tại chợ Phùng Khoang - Từ Liêm) thì bảo: “Hơn chục năm ngồi chợ, chưa năm nào thấy giá hàng khô tăng cao đến thế này. Giá tăng cao vậy, cũng không phải chỉ là do giá chung, nhu cầu người dân tăng cao mà còn là do các chủ hàng đầu mối “to” gom hàng để đẩy giá lên cao nhằm kiếm lãi lớn trong dịp Tết này”.

Siêu thị khuyến mãi lớn

Không như diễn biến giá ở chợ, giá hàng hóa tại các siêu thị ở TP.HCM ổn định, chỉ một số ít mặt hàng tăng giá nhẹ.

Hầu hết các siêu thị đều đang thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá nhiều mặt hàng.

Từ đầu tháng 1 đến nay, hệ thống Co.op Mart giảm giá 30% cho 150 loại bánh mứt, giảm 20% giá gần 100 mặt hàng trang trí, 40% cho nhiều mặt hàng may mặc.

Big C giảm giá từ 2%-50% cho khoảng 1.400 mặt hàng. Vinatex mart giảm đến 40% đối với hàng trăm mẫu quần áo.

Maximark giảm 10% cho 300 mặt hàng thực phẩm, nước giải khát. Một số siêu thị lớn thuê container để trữ hàng chuẩn bị cho thị trường Tết.

Theo Sở Công thương TP.HCM, đến nay hầu hết các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của TP đều đã nhận đủ vốn cho vay ưu đãi.

Bà Quách Tố Dung, Phó giám đốc Sở, cho biết các đơn vị này cam kết đủ khả năng đáp ứng lượng hàng đã đăng ký với TP, thậm chí sẵn sàng tung hàng dự phòng với số lượng dồi dào để bình ổn giá khi thị trường có biến động.

Các đơn vị tham gia bình ổn sẽ bán đúng giá đã đăng ký giá, cụ thể trứng vịt giá: 2.500 đồng/quả, giảm 200 đồng/quả so với Tết năm ngoái; gà ta 90.000 đồng/kg, thịt vịt không vượt quá 50.000 đồng/kg (tương đương năm ngoái). Giá đường đăng ký bán là 17.000 đồng/kg, dầu ăn từ 22.000 đồng - 24.000 đồng/lít. Gạo 25% tấm 8.000 đồng/kg, gạo 5% tấm 8.500 đồng/kg, gạo thơm từ 11.500 đồng - 13.500 đồng/kg; thịt heo đùi trước 62.000 đồng/kg, thịt heo đùi sau 65.000 đồng/kg, ba rọi 68.000 đồng/kg...

Gần đây, có thông tin cho rằng 2 công ty tham gia bình ổn là Vissan và Ba Huân tăng giá bán trong khi đã nhận tiền hỗ trợ. Theo giải thích của Vissan, việc tăng giá chỉ áp dụng với 13 mặt hàng thịt bò chế biến, không nằm trong danh mục hàng cam kết bình ổn, còn 120 mặt hàng khác vẫn giữ nguyên giá bán.

Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân, cũng khẳng định: “Chúng tôi đã đăng ký giá bán trứng với thành phố là 2.500 đồng/quả, hiện nay chúng tôi vẫn giữ nguyên giá đó, không có chuyện tự ý tăng giá”.

Bà Quách Tố Dung khẳng định: “Các doanh nghiệp tham gia bình ổn nếu bán quá giá đăng ký sẽ bị xử lý, bị thu hồi tiền chênh lệch giá và không được tham gia chương trình bình ổn giá cho những năm tiếp theo. Ngoài ra, DN vi phạm cũng sẽ không được hưởng vốn vay ưu đãi, buộc phải nộp lãi vay theo lãi suất hiện hành”. 

Quang Thuần

Theo Hoàng Việt - Thành Chung
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.