Giàu nhờ cây cảnh và giấc mơ làng nghề

Anh Phan Văn Toàn bên cây cảnh quý Ảnh: T.V
Anh Phan Văn Toàn bên cây cảnh quý Ảnh: T.V
TP - Theo lời giới thiệu của một người chơi cây cảnh xứ Đoài, tôi đến Thành phố Việt Trì hỏi nhà anh Phan Văn Toàn trồng cây cảnh.

> Làm giàu mini
> Khi nông dân làm cổ đông

Anh Phan Văn Toàn bên cây cảnh quý Ảnh: T.V
Anh Phan Văn Toàn bên cây cảnh quý. Ảnh: T.V.

Mới tới cổng, tôi đã choáng ngợp bởi 3 cây sanh thuộc loại khủng được đặt trong cái ang to như chiếc thuyền sừng sững trước sân nhà. Trong khu vườn rộng chừng 1.000m2.

Anh Phan Văn Toàn cho biết: Anh chơi cây cảnh được khoảng 10 năm nay. Trước đây, có những cây sanh anh mua giá 5 triệu đồng/cây, nay đã có giá rất cao. Anh Toàn đang sở hữu 3 vườn cây cảnh, tổng diện tích 3.000m2.

Tôi có dịp cận cảnh bộ sưu tập những cây cảnh quý của anh Toàn. Chỉ vào cây tùng cổ (tùng La Hán hay vạn niên tùng) có tuổi đời 700 năm, Phan Văn Toàn bảo: “Có khách trả cây này với giá rất cao nhưng tôi không bán, bởi khó khăn lắm mới mua được từ Huế về. Hiện tôi có 3 cây tùng cổ nhất Việt Nam, trong đó có tuổi từ 500 - 700 năm. Đây là những cây mà các quan lại ngày xưa đã từng chơi”.

Trong bộ sưu tập này còn có 3 cây sanh cũng được trả giá rất đắt đó là các cây “Nỏ thần”, “Đại thụ thập toàn”“Ngọa hổ tàng long”. Đây là những cây sanh thuộc top đầu những cây cổ hiện nay. Giới chơi cây cảnh phải trầm trồ về những cây thuộc hàng độc của anh Toàn như cây khế cổ khoảng trên 300 năm, cây ổi tuyệt đẹp với dáng phu thê, cùng những cây sung, cây duối có hình rồng bay, tuổi đời trên 100 năm…

Phan Văn Toàn hiện là Chủ tịch Hội Cây cảnh Hùng Vương, nơi giao lưu của những người chơi cây cảnh thuộc tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Thành lập được 6 năm, Hội Cây cảnh Hùng Vương đã phát triển được 200 hội viên. Trong đó, có khoảng 70% hội viên có cây cảnh trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên.

Chủ nhân của những cây có trị giá lớn phải kể đến như Phiến cá, Hùng xăng, Hòa chè, Hải Hiền, Hùng Quên, Tuấn Anh,... Mấy năm gần đây, các vườn cây cảnh của anh Toàn và nhiều thành viên trong Hội trở thành điểm tham quan của các đoàn khách trong nước và quốc tế, trong đó có lãnh đạo Hiệp hội Cây cảnh Châu Á - Thái Bình Dương, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan...

“Có hôm tôi phải tiếp 30 đoàn khách đến tham quan, trao đổi. Một số người hỏi mua những cây quý này nhưng tôi không bán, bởi không thể dứt tình với cây được. Chơi cây cảnh rất tốt cho sức khỏe, khiến người ta hướng đến cái thiện, sống trong sạch. Thời gian tôi ở ngoài vườn nhiều hơn ở trong nhà” - Chủ tịch Hội Cây cảnh Hùng Vương chia sẻ.

Phan Văn Toàn đang thực hiện ý tưởng khá táo bạo là tặng quê mình nghề làm cây cảnh, phấn đấu phát triển làng nghề trồng cây cảnh, góp phần giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Anh nói: “Xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh, Phú Thọ các hộ đều đồng tình việc làm cây cảnh, có 1.500 hộ đăng ký tham gia. Mặc dù mới làm nhưng tôi nghĩ sẽ thành công, người dân sẽ đổi đời nhờ nghề này”.

Phan Văn Toàn dự kiến tặng mỗi hộ 200 cây giống (cây sanh), phát tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cây cho bà con. Anh đang ươm 30 vạn cây sanh giống, khoảng 2 tháng nữa sẽ cấp cho người dân trồng.

Hiện nay, thị trường cây cảnh trong nước, cung không đủ cầu. Phong trào chơi cây cảnh đang phát triển mạnh mẽ ở một số vùng quê phía Bắc, đặc biệt là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên... Trong đó, có những xã trở nên giàu có từ làm cây cảnh như xã Triệu Đề (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội).

Cùng với sự phát triển cây cảnh nghề chăm sóc cây cảnh và thợ làm non bộ cũng hái ra tiền. Ở thành phố Việt Trì, ai trong giới cây cảnh cũng nể tài năng tạo dáng, thế cây của anh Phương mà người ta vẫn quen gọi là Phương bác sỹ cây cảnh. Với hơn 20 năm trong nghề, ngày công của Phương bác sỹ đã đạt tới 500 nghìn đồng/ngày.

Anh Lê Công Mạnh (30 tuổi), ở xã Tản Hồng (Ba Vì - Hà Nội) cũng trở thành chủ một cơ sở chuyên làm hòn non bộ, hiện nay đội thợ của anh gồm 23 người mà làm không hết việc. Đội thợ của anh gồm những thợ chọn đá quê ở Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, mỗi ngày công đạt từ 150 đến 200 nghìn đồng/người, có người đạt 300 nghìn đồng/ngày công.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG