Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư : Bỏ hay không ?

Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư : Bỏ hay không ?
Vấn đề này được đặt ra từ năm 2001. Đến 2004, trong số 37 tỉnh có báo cáo, trình lên Thủ tướng Chính phủ, 11 tỉnh thành đề nghị bỏ, 18 tỉnh đề nghị giữ, 8 tỉnh thành lưỡng lự hoặc không có ý kiến.

Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Tây, Hưng Yên, Thanh Hóa, Đắc Lắc, Gia Lai... đề nghị giữ ; Khánh Hoà, Lâm Đồng, Hậu Giang, TT - Huế, Đồng Tháp... đòi bỏ; TP.HCM, Hải Phòng, BR - VT, Cần Thơ, Bình Định... đang phân vân. Sau 10 năm thực hiện Luật Khuyến khích Đầu tư trong nước, vấn đề này vẫn chưa ngã ngũ.

Bên phản đối cho rằng việc bỏ giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư sẽ bỏ được thủ tục, hồ sơ, tiết kiệm thời gian cho nhà đầu tư, bởi các biện pháp ưu đãi đã được ghi rõ trong Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và các văn bản hướng dẫn, cơ quan quản lý và DN chỉ căn cứ vào đó mà thực hiện.

Còn các địa phương ủng hộ lại khẳng định giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư không phải là giấy phép, mà giấy xác nhận và thủ tục cấp giấy này cũng không khó khăn đối với các nhà đầu tư. Đây vừa nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước, cũng vừa là căn cứ để làm thủ tục ưu đãi đối với DN một cách dễ dàng hơn.

Theo ông Vũ Xuân Thuyên - Chuyên viên cao cấp Bộ KH&ĐT - Cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về Khuyến khích đầu tư trong nước : “Việc bỏ giấy này sẽ dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư thay vì đến một cơ quan (Sở KH&ĐT) để đề nghị cấp, sẽ phải “đôn đáo” chạy gặp nhiều cơ quan công quyền, những người nắm quyền “ban phát” ưu đãi, như cơ quan thuế, hải quan, địa chính, Quỹ Hỗ trợ phát triển... mà hậu quả là tốn kém thời gian, tiền của...”.

Việc Dự án Khách sạn Hòn Tre (Khánh Hoà) bị hải quan truy thu 12 tỷ tiền thuế nhập khẩu máy móc, cho dù đã có quyết định cho miễn thuế nhập khẩu của tỉnh Khánh Hoà, cũng như ý kiến của Bộ KH&ĐT; Việc Ngân hàng CPTM Á Châu (ACB) bị Cục Thuế TP.HCM ra quyết định truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung từ 2001 - 2003 là 9,5 tỷ đồng; Hay những khúc mắc liên quan đến cơ chế ưu đãi xảy ra tại Cty Dệt Vĩnh Phú, Tổng Cty Cao su VN, TRANSIMEX SAIGON gây thiệt hại cho DN ...

Từ những dẫn chứng trên, ông Thuyên cũng phải thừa nhận một thực tế rằng trong khi việc bỏ hay giữ giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư còn chưa ngã ngũ, thì các DN vẫn còn phải chạy giữa “ma trận” chính sách. “Việc minh bạch và công khai hoá các chính sách sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư và khuyến khích đầu tư hơn nữa, và một khi pháp luật về khuyến khích đầu tư được hoàn thiện thì có thể xem xét bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư” - ông Thuyên khẳng định.  

Khu vực doanh nghiệp dân doanh vẫn “thấp cổ bé họng”

Theo PGS. TS Nguyễn Đình Tài, GĐ Trung tâm tư vấn quản lý & đào tạo (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), khối DNDD vẫn còn nhiều thua thiệt trong việc hưởng các ưu đãi. Đó là tỷ trọng vốn vay ưu đãi của khối này chỉ là 29,3% (so với 70,7% của DN Nhà nước); mỗi dự án DNDD chỉ được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư 2,1 tỷ đồng so với 7,9 tỷ của DNNN.

Số lượng dự án DNDD được thuê đất nhiều gấp 3,1 lần DNNN, nhưng diện tích lại thua 1,7 lần so với khối này. Điều này dẫn tới một bức xúc dai dẳng là DN tư nhân vẫn phải thuê lại đất của DNNN.

Thống kê cho thấy, năm 2001 có 206 ha đất của DNNN không sử dụng hết được đem cho thuê, đến năm 2004 con số này là 457 ha và số lượng DNDD phải đi thuê đất lại tăng... gấp đôi năm 2001 !       

MỚI - NÓNG