Giày da vào EU: Hạn ngạch “dễ thở” hơn thuế

Giày da vào EU: Hạn ngạch “dễ thở” hơn thuế
Đó là nhận định của các doanh nghiệp trước việc Ủy ban châu Âu (EC) đang tham khảo các nước thành viên về hệ thống hạn ngạch (quota) đối với giày da nhập khẩu từ VN thay cho việc đánh thuế chống bán phá giá đang áp dụng.

Theo các doanh nghiệp (DN), hạn ngạch dù sao vẫn “dễ thở” hơn thuế cao. Theo đề xuất của EC, dự kiến sẽ áp dụng các mức thuế trung bình đối với 95 triệu đôi giày nhập từ VN (140 triệu đôi từ Trung Quốc) ở mức 7,5%.

Ngoài mức hạn ngạch này, EU sẽ áp đặt mức thuế phạt 29,5% nếu VN xuất vượt số lượng giày nói trên.

Bà Trương Thị Thúy Liên, giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (Bình Dương), cho rằng việc qui định lượng giày xuất khẩu hằng năm mà EU dự tính thực hiện tương đối phù hợp với qui mô sản xuất hiện nay của DN. “Nhưng cơ hội để ngành da giày phát triển hơn nữa tại VN là rất khó, nếu so sánh với lợi thế ở những nước khác như Indonesia, Lào, Campuchia” - bà Liên phân tích.

Ông T., giám đốc điều hành Công ty cổ phần giày Q, nhận định rằng nếu áp đặt hạn ngạch sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Ví dụ như phí hạn ngạch, ai sẽ chịu, khách đặt hàng hay nhà sản xuất? Tuy nhiên, ông T. cũng thừa nhận “hạn ngạch dù sao vẫn dễ thở hơn cho DN vì DN có thể quyết định mở rộng qui mô sản xuất hoặc điều tiết lại chiến lược xuất khẩu của mình một cách hợp lý”.

Cơ hội vẫn còn?

Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại đang yêu cầu các DN báo cáo số liệu sản xuất trong năm 2004 và 2005 để làm cơ sở xác định số lượng xuất khẩu thực tế trong hai năm gần đây. Theo các chuyên gia, đây là năm lượng giày da xuất khẩu vào EU ổn định ở mức cao nhất (trên 80 triệu đôi) nên sẽ rất chuẩn để chọn làm cơ sở thiết lập các định mức xuất khẩu cho từng DN. 

“VN vẫn phủ nhận ngành da giày trong nước bán phá giá vào thị trường EU, nên việc đàm phán để EU loại bỏ các mức thuế và cơ chế hạn ngạch là giải pháp dung hòa” - một chuyên gia phân tích. Theo ông này, giải pháp này chưa hẳn tốt cho VN nhất là khi VN vừa bị quota, lại vừa bị đánh thuế trên số lượng giày được xuất trong định mức cho phép.

Một vấn đề khác cũng rất được giới DN quan tâm là tỉ lệ tăng trưởng hằng năm liệu có bị EU loại bỏ hay không? Một cán bộ tham gia trong quá trình đàm phán với EC tiết lộ việc đấu tranh để đạt được mức tăng trưởng hằng năm 10% (hoặc hơn) trong điều kiện bị áp đặt hạn ngạch là vô cùng khó khăn.

“EC lập luận rằng mức độ nhập khẩu da giày của EU vẫn duy trì ở mức ổn định. Nếu cho VN tỉ lệ tăng trưởng hằng năm thì việc thiết lập hạn ngạch cũng không còn ý nghĩa gì vì hàng VN vẫn nhập khẩu ồ ạt vào thị trường này” - vị này nói. “Điều này cũng có nghĩa chúng ta chỉ có thể ổn định sản xuất chứ ít cơ hội cho tăng trưởng vì nếu xuất vượt định mức cho phép thì chịu thuế 29,5%” - ông Vinh cho biết.

Hiện các ban ngành liên quan (Bộ Thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh, Hiệp hội Da giày VN) vẫn đang trong giai đoạn ráo riết tiếp tục đàm phán nhằm tìm kiếm tiếng nói chung với EC. Trong đó quan trọng nhất là thỏa thuận cho được các định mức hợp lý liên quan đến mức thuế suất trong và sau khi vượt lượng xuất khẩu ấn định, về chủng loại mã giày bị áp hạn ngạch... vẫn đang vô cùng gay cấn, quyết liệt. 

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG