Giày da Việt Nam bị đề xuất áp thuế 10%

Giày da Việt Nam bị đề xuất áp thuế 10%
TP - EC công bố biện pháp chống phá giá giày da, theo đó, đề xuất mức 10% thuế hải quan cho VN và 16,5% cho Trung Quốc, được áp dụng trong 5 năm.

Chiều qua (28/7), Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam (VN) đã họp báo, chính thức công bố đề xuất mới của Ủy ban châu Âu (EC) về biện pháp chống phá giá giày da xuất khẩu từ VN và Trung Quốc (TQ). Đề xuất trên sẽ được gửi đến cho các cơ quan chức năng của VN và TQ vào đầu tuần tới để tham khảo ý kiến.

Trả lời câu hỏi của Tiền phong về những chủng loại giày dự kiến là đối tượng của đề xuất mới nói trên, quyền Trưởng phái đoàn EC tại VN - Nicolas Provencal cho biết:

“Mức thuế 10% sẽ được áp dụng chung, trong đó có cả giày trẻ em. Lần này, giày trẻ em sẽ phải chịu mức thuế chung vì hai lý do: thứ nhất, để phòng tránh sự nhầm lẫn giữa giày trẻ em và giày nữ của người lớn; thứ hai, mức thuế mới đã thấp hơn mức đề xuất cũ rất nhiều (mức cũ là 16,8%-P.V)”.

Tuy nhiên, “Đề xuất về mức thuế mới chưa có ý kiến chính thức của Hội đồng EU và vấn đề này sẽ được đề nghị đến các nước thành viên trong tháng 10 tới đây”, ông Nicolas Provencal nói.

Thông tin về việc EC đề xuất hệ thống hạn ngạch (quota) đối với giày da nhập khẩu từ VN thay cho việc đánh thuế chống bán phá giá – (CBPG) đang áp dụng, đã không được Phái đoàn EC đề cập trong cuộc họp báo. 

Được biết, cuộc điều tra của DG Trade (thuộc EC) đối với các khiếu nại về việc bán phá giá mặt hàng da giày từ TQ và VN hiện đang đi tới hồi kết. Ông Hans Farnhammer - Phó trưởng ban hợp tác và phát triển (Phái đoàn EC tại VN), nói:

“Cuộc điều tra xác nhận việc phát hiện bán phá giá trong giai đoạn tạm thời. Một phân tích tài chính chưa được công bố và những kiến nghị tạm thời về các giải pháp cuối cùng hiện cũng đã được loan tải trong các nước thành viên và các bên đối với vụ kiện.

Tất cả các quốc gia thành viên và các bên sẽ có nhận xét về các kết quả phân tích và những căn cứ cho những nhận xét đó. DG Trade sẽ đưa ra đề nghị về một chương trình hành động, mà điều đó cần được chấp nhận bởi các thành viên của Hội đồng EU trong tháng 9/2006 và sẽ được đem đến cho các quốc gia thành viên để chấp thuận sớm nhất trong tháng 10/2006”.

Trả lời Tiền phong chiều qua, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) Trần Anh Sơn nói:

“Thay vì áp dụng mức thuế trước đây, đề xuất mới của EU chứng tỏ thiện chí của họ trong vấn đề giày da liên quan tới VN và TQ.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm là không bán phá giá giày da sang thị trường EU, và các biện pháp của châu Âu nhằm áp dụng thuế CBPG lên mặt hàng giày da của VN sang thị trường EU sẽ ảnh hưởng đời sống hàng vạn công nhân trong lĩnh vực da giày mà chủ yếu là phụ nữ”.

Ông Sơn cho biết, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển vừa có chuyến công du châu Âu để đàm phán về vấn đề giày da xuất khẩu của VN. Hiện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Thương mại và Hiệp hội Da giày VN vẫn đang trong giai đoạn ráo riết tiếp tục đàm phán nhằm tìm kiếm tiếng nói chung với EC.

Theo ông Nguyễn Gia Thảo, Chủ tịch Hiệp hội da giày VN, mức 10% thuế hải quan vẫn quá nặng và sẽ làm phá sản các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực giày da tại VN, ông Thảo cho rằng, mức 7% thuế hải quan là “vừa phải”.   

Bộ Thương mại phản đối đề xuất của EC

Lãnh đạo Bộ Thương mại vừa tuyên bố không nhất trí đề xuất mới của EC trong xử lý vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da nguồn gốc VN xuất khẩu vào EU.

Theo Bộ Thương mại, mức thuế CBPG 10% đối với VN là cao và chắc sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) VN, bởi:

1 - Phần lớn các DN VN sản xuất và xuất khẩu giày dép vào EU dưới hình thức gia công, lợi nhuận thấp.

2 - Mức thuế CBPG 10% cộng với mức thuế hiện hành thì các sản phẩm giày mũ da của VN sẽ phải chịu mức thuế tổng cộng trung bình 14%, khiến các DN VN càng khó cạnh tranh trên thị trường EU, đe dọa trực tiếp việc làm và thu nhập của người lao động trong ngành này vốn đã rất thấp, đồng thời trực tiếp làm thiệt người tiêu dùng EU.

Một số nước thành viên EU cũng phản đối vụ kiện này. Trong đề xuất mới của EC còn có việc đưa sản phẩm giày trẻ em mũ da trở lại diện chịu thuế CBPG. Theo Bộ Thương mại, điều này cũng là bất hợp lý, không có cơ sở; vừa gây thêm khó khăn cho các DN VN vừa làm thiệt cho người tiêu dùng EU.

Vì vậy, Bộ Thương mại đã đề nghị EU xem xét giảm mức thuế CBPG 10% xuống mức hợp lý; đồng thời đưa sản phẩm giày trẻ em ra khỏi diện chịu thuế CBPG như quyết định của EU trước đây.

* Phó Chủ tịch Hội Da giày TPHCM – Diệp Thành Kiệt – cho rằng, dù là thuế suất 10% thì vẫn không hợp lý và các DN giày da Việt Nam cũng gặp nhiều bất lợi và khó cạnh tranh với các nước, vì giá thành của ta quá cao.

Chẳng hạn, giá thành của Việt Nam cao hơn Thái Lan khoảng 12%, và còn cao hơn nữa so với Indonesia. 

MỚI - NÓNG