Giấy rục rịch tăng giá

Giấy rục rịch tăng giá
Giá giấy ngoại đang rục rịch tăng nhưng Hiệp hội Giấy VN (VPPA) lại kiến nghị  Bộ Công thương tăng thuế nhập khẩu giấy. Mục tiêu là nhằm giúp các nhà sản xuất giấy trong nước tiêu thụ hàng tồn kho. Hiện giá giấy nội đang cao hơn giấy ngoại.

Nếu kiến nghị tăng thuế được thông qua, giá giấy trong nước có thể tăng thêm và người tiêu dùng gánh chịu tất cả. 

Giấy ngoại tăng đều  

Hầu hết các cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm ở TP.HCM cho biết hơn một tuần qua, giá giấy photocopy các loại đồng loạt tăng ít nhất 1.000 đồng/ram giấy A4. Theo chị T. - nhân viên bán hàng cửa hàng MC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, giấy Double A tuần trước giá chỉ 60.000 đồng nay 62.000 đồng/ram, hiệu IK plus từ 56.000 đồng nhảy lên 58.000 đồng/ram...

Không nên tăng thuế

Theo tôi, không nên tăng thuế nhập khẩu đối với giấy in báo, giấy in sách, giấy viết từ 3% lên 5%.

Nếu tăng thuế, sẽ có khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên, chiếm 1/4 dân số cả nước, đồng nghĩa với hơn 11 triệu hộ gia đình sẽ phải trả thêm tiền để mua tập vở, sách.

Ông Phạm Trung Thông
Phó trưởng phòng quản lý in  Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và truyền thông

Theo giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu giấy từ Indonesia, Thái Lan, từ đầu tháng 3 giá giấy đã bắt đầu có xu hướng nhích nhẹ sau nhiều tháng giảm. Phần lớn nhà nhập khẩu đều chọn nhập giấy từ hai quốc gia này do thuế suất 0%.

So với đầu năm 2009, giá giấy để photocopy, in sách… đã tăng khoảng 100 USD/tấn, bình quân 770-780 USD/tấn cho những lô hàng giao vào tháng 6. Một số loại giấy tăng 50-70 USD/tấn.

Ông C. - một nhà nhập khẩu giấy - cho biết do suy thoái kinh tế, nhiều nhà máy sản xuất giấy tại Indonesia và Thái Lan chọn giải pháp cắt giảm sản lượng sản xuất làm nguồn cung giảm.

“Mặt khác, do năm ngoái có nhiều nhà nhập khẩu bị lỗ do giá quá cao nên đã hạn chế nhập, nay thị trường ăn hàng thì không đủ hàng để đáp ứng” - ông C. phân tích.

Giấy nội muốn tăng thuế

Trong khi giá giấy ngoại nhập tăng thì các nhà sản xuất giấy trong nước lại đang kiến nghị tăng thuế nhập khẩu giấy. Theo kiến nghị này, thuế nhập khẩu giấy in, giấy viết từ mức 0% lên 5%, giấy in báo từ mức 3% lên 5% nếu giấy được nhập từ các nước ASEAN.

Hầu hết các nhà tiêu thụ giấy đều không đồng tình với đề xuất này. “Nếu kiến nghị này được chấp thuận, người tiêu dùng sẽ lãnh đủ vì chi phí nguyên liệu giấy chiếm 80-85% giá thành sản xuất trên mỗi cuốn tập. Trong tình hình hiện nay, khó lòng tăng giá bán tập, giữ giá cũ thì bị lỗ” - ông Nguyễn Minh Trung, giám đốc marketing Công ty CP giấy Vĩnh Tiến, khẳng định.

Một số nhà sản xuất tập học sinh còn đặt vấn đề nếu tăng thuế nhập khẩu, chưa chắc giá giấy của các doanh nghiệp trong nước giữ như ở mức hiện nay, có thể tăng và điều đó gây khó cho nhà sản xuất tập vở, thiệt hại cho người tiêu dùng. 

Ở khối xuất bản, ông Nguyễn Đức Bình - giám đốc Nhà xuất bản Văn Nghệ - cho rằng nếu kiến nghị tăng thuế được thông qua, ít nhất giá sách phải tăng 5% vì “chỉ tính sơ sơ chi phí giá giấy và công in, vốn chiếm đến 30% chi phí sản xuất sách, đã là gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh cố gắng lôi kéo người tiêu dùng mở rộng hầu bao chi tiêu cho các vấn đề giải trí, nghiên cứu”.

Vì sao lại tăng thuế?

Một cán bộ có thẩm quyền của Công ty cổ phần giấy Tân Mai xác nhận trong quý 1-2009, tiêu thụ giấy các loại của công ty ước giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Dù đã giảm giá hai lần với tổng mức giảm 0,5-1 triệu đồng/tấn (tùy loại giấy) nhưng  mức tiêu thụ trong quý 1 chỉ khoảng 21.000 tấn” - ông nói.

Không những vậy, các hợp đồng sản xuất hiện nay của công ty chỉ được thực hiện nếu có đơn đặt hàng. Đã qua rồi cảnh “tiền lấy trước, hàng đưa sau”, tranh nhau từng tấn giấy như hồi quý 2-2008.  Hiện giấy in, giấy viết của Tân Mai đang chào ở mức 15,1-15,4 triệu đồng/tấn (tùy định lượng, chưa tính thuế 10%), giấy in báo khoảng 14,2 triệu đồng/tấn (định lượng 45g/m2).

Theo tính toán của  ông Nguyễn Minh Trung, nếu so với loại giấy in, giấy viết nhập ngoại đang chào cho công ty ông ở mức 15,2 triệu đồng/tấn (đã gồm thuế), giá giấy sản xuất trong nước cao hơn khoảng 1,5 triệu đồng/tấn, buộc doanh nghiệp phải cân nhắc. Trong khi đó, với giấy in báo nhập khẩu từ Indonesia định lượng 45-48g/m2, một số tòa báo đang nhận bảng chào giá 14 triệu đồng/tấn, rẻ ít nhất 900.000 đồng/tấn nếu chọn mua giấy in báo trong nước.

Theo ước tính của ông Vũ Ngọc Bảo - tổng thư ký VPPA, tính đến giữa tháng 4-2009, lượng giấy còn tồn đọng của các doanh nghiệp thành viên ước khoảng 70.000 tấn.

Theo Trần Vũ Nghi
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.