Giới DN Hoa Kỳ lấy làm tiếc vì PNTR bị trì hoãn

Giới DN Hoa Kỳ lấy làm tiếc vì PNTR bị trì hoãn
Ông Thomas J.Donohue, Chủ tịch kiêm GĐ điều hành Phòng thương mại Mỹ, cho biết giới doanh nghiệp Hoa Kỳ lấy làm tiếc việc thông qua qui chế PNTR bị trì hoãn và cam kết sẽ làm hết sức để thúc đẩy Hạ viện Hoa Kỳ sớm thông qua dự luật này.
Giới DN Hoa Kỳ lấy làm tiếc vì PNTR bị trì hoãn ảnh 1
Sáng 16.11.2006 , tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ đại diện các doanh nhân Mỹ. ảnh: TTXVN

Tiếp Đoàn liên minh các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Hà Nội sáng 16/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam luôn mong muốn và thực hiện nhất quán hướng tới tương lai.

"Trên tinh thần đó, Chính phủ Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến đầu tư kinh doanh có hiệu quả ở Việt Nam, đem lại lợi ích cho cả hai bên; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Nhân dịp này, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy ký kết và thực hiện Hiệp định song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA), ủng hộ Việt Nam kết thúc đàm phán gia nhập WTO, thúc đẩy Hoa Kỳ sớm thông qua Qui chế thương mại bình thường vĩnh viển (PNTR) đối với Việt Nam.

Nhưng Việt Nam rất lấy làm tiếc PNTR chưa được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua trong dịp Tổng thống Bush sang tham dự Hội nghị APEC 14 và thăm chính thức Việt Nam. Việc làm này của Hạ viện Hoa Kỳ đã đi ngược lại lợi ích và mong muốn của nhân dân hai nước, gây nên sự khó hiểu của nhân dân Việt Nam đối với Hạ viện Hoa Kỳ.

Chính phủ Việt Nam đề nghị cộng đồng các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ, tác động để Quốc hội Hoa Kỳ sớm thông qua PNTR đối với Việt Nam vì đây là lợi ích của cả hai bên, trước hết là các doanh nghiệp của Hoa Kỳ.

Thủ tướng nêu rõ việc Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 7/11 vừa qua là nỗ lực lớn và đây là kết quả những thành tựu hơn 20 năm đổi mới của Việt Nam, trong đó có sự hỗ trợ đắc lực của bạn bè quốc tế mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ đóng góp một phần quan trọng.

Trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam cụ thể hoá các chính sách để sớm thoát khỏi nước kém phát triển, trong đó, tập trung thực hiện các chính sách trụ cột như: bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao liên tục trên 8%/năm, nhất quán thực hiện thể chế kinh tế thị trường và đẩy nhanh tiến trình hội nhập nền kinh tế thế giới, phát triển nhiều thành phần kinh tế và huy động mọi nguồn lực đầu tư cho xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và xoá đói giảm nghèo, cải cách thể chế hành chính...

Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá vì mục tiêu chung là hoà bình cùng phát triển, Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả các quốc gia trên tinh thần bình đẳng cùng có lợi.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất ấn tượng với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam và mong muốn sẽ thiết lập quan hệ hợp tác đầu tư lâu dài với Việt Nam.

Hiện các công ty của Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam 1 tỷ USD và sẽ tiếp tục đầu tư thêm 4 tỷ USD trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng và phát triển năng lượng, công nghệ thông tin, tài chính và thị trường vốn, thương mại.

MỚI - NÓNG