Giữ chân công nhân bằng… nhà ở

Giữ chân công nhân bằng… nhà ở
TP - Chưa bao giờ các doanh nghiệp (DN) trong hai ngành dệt may và da giày lại tăng cường chạy đua thực hiện bộ tiêu chuẩn SA 8000 (còn gọi là trách nhiệm xã hội với người lao động) như hiện nay bởi những áp lực từ phía khách hàng và cả người lao động.

Ông Trần Đắc Long - Giám đốc điều hành Cty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s) cho biết, vì nhiều lý do khác nhau nên thời gian gần đây khách hàng của ngành da giày thế giới đang chuyển hướng về Việt Nam đặt hàng thay vì Trung Quốc như trước. Một trong những lý do quan trọng để họ chọn Việt Nam là vì giá rẻ.

Tuy nhiên, theo ông Long, khách hàng thường đưa ra những điều kiện rất khắt khe, nhất là những khách hàng lớn đến từ Hoa Kỳ hoặc khách hàng ở nước thứ ba xuất hàng sang Hoa Kỳ.

Nếu như trước đây, điều họ quan tâm đầu tiên là chất lượng sản phẩm và khả năng đáp ứng đơn hàng của đối tác thì nay điều họ quan tâm trước nhất là việc thực hiện các trách nhiệm xã hội đối với người lao động của DN.

“Việc đầu tiên các khách hàng đến thăm xí nghiệp sản xuất thường là đi lòng vòng xem… nhà vệ sinh công nhân và các điều kiện lao động như ánh sáng, độ an toàn lao động, tiếng ồn, nhiệt độ nơi làm việc… có đảm bảo hay không trước khi tính đến chuyện ký hợp đồng”- Ông Long nói.

Nhiều DN dệt may còn cho biết, những khách hàng khó tính còn thuê cả tư vấn giám sát đến kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất trước khi đặt vấn đề hợp tác làm ăn, bất kể là làm theo hình thức gia công hay FOB.

Bà Trần Thị Thanh Bình - Quản lý nhân sự Cty may Joon Saigon cũng xác nhận như vậy, đồng thời cho biết ngay cả khi đã là khách thường xuyên nhưng nhiều khách hàng lớn của Joon Saigon, cụ thể như Adidas vẫn luôn “để mắt” đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động của nhà sản xuất.

Nếu nhà sản xuất có mức thực hiện trách nhiệm xã hội càng thấp thì cơ hội có đơn hàng càng nhỏ và ngược lại. Giám  đốc một Cty may cho biết, DN ông đã bỏ mất nhiều đơn hàng “ngon ăn” vì chưa đáp ứng được các yêu cầu về trách nhiệm xã hội đối với người lao động.

Giữ chân công nhân bằng… nhà ở

Các yêu cầu của SA 8000, phiên bản 2001

1 - Không lao động trẻ em; 2-Không lao động cưỡng bức; 3-Sức khỏe và an toàn lao động; 4-Tự do hiệp hội; 5- Không phân biệt đối xử; 6-Xử lý kỷ luật; 7-Giờ làm việc; 8-Lương và phúc lợi; 9-Hệ thống quản lý.

Chứng chỉ SA 8.000 là tấm vé thông hành cho các DN vào thị trường lớn Hoa Kỳ. Khi DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội cũng đồng nghĩa với việc điều kiện lao động được nâng cao và người lao động được quan tâm hơn. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ để giúp các DN giữ được công nhân.

Theo ông Nguyễn Đức Lung - Phó TGĐ Cty CP May Bình Minh, một trong những vấn đề nan giải nhất của ngành dệt may, da giày hiện nay là thiếu công nhân trầm trọng. Để tránh những “cuộc chia ly” giữa công nhân và nhà máy, ngoài việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn SA 8000, các DN còn phải có những chính sách đãi ngộ cao hơn.

Một trong những sự hỗ trợ quan trọng nhất là đầu tư xây dựng chỗ ở cho công nhân (phần lớn là lao động nhập cư). Từ năm 2005, Cty May Bình Minh đã hỗ trợ công nhân xa nhà bằng việc xây 76 căn nhà ở miễn phí.

Dự kiến vào cuối tháng 11/2007 này, Cty sẽ tiếp tục triển khai dự án xây dựng nhà máy mới cùng với gần 100 căn hộ (giai đoạn 1 gồm 48 căn) cho công nhân tại KCN Bình An (Bình Dương).

Ông Lung cho biết, có thể sau này sẽ bán hóa giá những căn nhà này cho những người công nhân có nhu cầu và gắn bó lâu năm với Cty.

Với 3.600 công nhân, trong đó 80 % là nữ, Cty CP May Sài Gòn (GMC) luôn bối rối với việc nữ công nhân phải nghỉ việc sau khi sinh con vì không có nhà giữ trẻ. Nhằm giải quyết khó khăn này, giữa tháng 11 vừa qua, GMC đã khởi công xây dựng khu nhà ở miễn phí cho công nhân gần nhà máy của Cty tại Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) trong đó có cả nhà giữ trẻ. Theo kế hoạch, đến quý 3/2008 dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Nhiều DN khác như May Nhà Bè, Thiên Nam… cũng đã và đang triển khai các dự án xây nhà ở phục vụ công nhân. Ngoài ra, các DN còn thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ khác đối với người lao động như nâng cao mức thu nhập, mở sổ tiết kiệm, bù giá bữa ăn cho công nhân…

MỚI - NÓNG