Giữ nhân tài thời khủng hoảng

Giữ nhân tài thời khủng hoảng
TP - Bão suy thoái “quét” qua Việt Nam khiến thị trường nhân lực, nhất là trong lĩnh vực tài chính -ngân hàng phải cắt giảm đáng kể. Nhưng đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tái cơ cấu, đồng thời rốt ráo kiếm và giữ cho được nhân tài.
Giữ nhân tài thời khủng hoảng ảnh 1
Nguyễn Huy Dương,Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Hòa Bình (HBS) 

27 tuổi, 3 năm làm việc tại bộ phận thư ký Ban Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, mức lương cao, môi trường có cơ hội thăng tiến, điều gì khiến bạn nhảy việc ra làm ngoài? - Trong phòng làm việc tại tầng hai một tòa nhà sang trọng đầu phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), Nguyễn Huy Dương – chàng trai trẻ bảnh bao và khá oách với chức danh Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Hòa Bình (HBS) lý giải: “Chỗ cũ rất tốt nhưng tuổi trẻ thích bùng nổ, tôi muốn sang trang mới”.

Giỏi toán, từng chiếm hai giải nhất, nhì tại kỳ thi toán Olympic Quốc tế năm 2002, tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, lớp 30 người, chỉ mỗi mình Dương theo ngạch ngân hàng. Thi đỗ ngay vào BIDV rồi sang đầu quân cho HBS, từ vị trí trưởng phòng phân tích, Dương “đổi ngôi” lên chiếc ghế Phó Tổng Giám đốc một cách ngoạn mục.

2008 là năm sóng gió với các công ty chứng khoán, vô số công ty rơi vào tình cảnh thua lỗ, phải cắt giảm nhân sự “HBS vẫn sống khỏe, có lời, không nhân viên nào phải ra đi, thậm chí chúng tôi còn mở mang tuyển thêm 28 vị trí” - Dương kể đầy tự hào.

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn này, điều gì giúp bạn và công ty làm nên thành công?” - tôi hỏi. Dương khẳng định: “Công ty chứng khoán muốn thành công, phải có kỹ năng đầu tư chuẩn xác, có sự đồng thuận cao trong ban lãnh đạo. Còn bản thân, không được phép chủ quan, bảo thủ, biết lắng nghe, phòng tránh rủi ro”.

Đàm Thế Thái (SN 1980) Giám đốc khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng An Bình cũng là một ví dụ. Say mê với lĩnh vực ngân hàng, những bước chân chập chững đầu tiên của Thái diễn ra đầu tiên tại Công ty bảo hiểm Prudential, rồi đến ANZ, HSBC,  ACB và điểm dừng từ 2007 đến nay là Ngân hàng An Bình. Lý do nhảy việc của Thái là thích thử thách, đặc biệt rất thích được làm thợ “xây” những nền móng khó.

Sang An Bình đúng lúc ngân hàng mới bắt đầu chập chững tìm kiếm thị trường, nhiệm vụ của Thái là chiếm lĩnh phân khúc màu mỡ của thị trường- khối khách hàng cá nhân.

Cái đầu cả nghĩ nhưng sáng tạo của vị giám đốc 28 tuổi  cũng bật ra một lô sản phẩm độc đáo có tên “YOU tiện ích”- đặc trưng riêng của An Bình BANK (gồm: YOUhouse, YOUcar, YOUmoney, YOUstudy). Năm 2008 dù thị trường cho vay gặp sóng gió, An Bình vẫn thành công với sản phẩm  mua bảo hiểm cho khách hàng vay tiền. Đến giờ Thái đã có thể tin vào một tương lai thành công. 

Và những cuộc đi câu

Giữ nhân tài thời khủng hoảng ảnh 2

Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng An Bình

Trong cuộc họp báo cuối năm của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), dường như mọi con mắt đều hướng về cô gái trẻ, xinh như búp bê, ăn mặc rất style ngồi ghế ngay cạnh Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng.

Chỉ ít phút sau, mọi hồ nghi đã đánh tan khi cô thư ký đích thực thông tin: “Sếp mới bên em đấy, rất giỏi”. Nán lại, chợt nhớ ra, đó chính là Giám đốc phụ trách luật của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, nay đầu quân cho SSI.

Năng lực giỏi, quan hệ rộng, năng lực quản trị tốt, dù vừa làm một đợt cải cách tiễn chân nhiều người trước đó được câu về, lãnh đạo SSI phải kéo bằng được cô gái xinh xắn hơn 30 tuổi này về. 

10 năm làm trong lĩnh vực nhân sự, gián đoạn vài năm để đi tu nghiệp nước ngoài, Mai Hoa, Trưởng phòng nhân sự Tập đoàn tên tuổi thế giới tại Việt Nam bật mí: “Bí quyết đi câu người giỏi, ngoài hồ sơ, phỏng vấn, kinh nghiệm còn phải nghe ngóng từ chính những nhân viên có cùng công việc. Thậm chí, sẵn sàng đưa ra cái giá thưởng bao nhiêu tháng lương để câu được người đó về”.

Tuy nhiên Mai Hoa thừa nhận, trong bối cảnh khủng hoảng vừa rồi, thật là khó khăn để giữ người tài. Giải pháp truyền thống lương cao và  tiền thưởng hậu không phải lúc nào cũng đúng. Nhiều người vẫn rũ áo  ra đi. Lý do, có khi chỉ đơn giản là sự lệch pha giữa nhân viên và sếp, hoặc họ đã cảm thấy ngôi nhà (công ty) đang làm việc đã chật chội.

Nhớ lại câu chuyện với Dương, trả lời câu hỏi nếu một tập đoàn tên tuổi mời vị trí CEO (giám đốc điều hành), liệu bạn có đi? Dương thẳng thắn: “Không! Thu nhập đối với những người trẻ như tôi không phải là mục đích duy nhất, vì nếu thích kiếm tiền tôi sẽ tự đầu tư. Lúc này tôi hài lòng trong môi trường làm việc này và chỉ có khát vọng, xây dựng HBS thành tập đoàn tên tuổi”.

Người tài thời nào cũng được trọng dụng. Tìm được nhân tài đã khó, giữ chân họ còn khó hơn. Xê dịch không chỉ vì danh hay thực, có khi chỉ đơn giản vì muốn được vượt thử thách mới và xây đắp những nền móng mới và khó.

4 điểm cần lưu ý để giữ gìn nhân sự cao cấp

1. Người tài muốn được tôn trọng bằng việc lãnh đạo tao đổi thẳng thắn các mục tiêu kinh doanh nhất là trong giai đoạn khủng hoảng;

2. Họ mong muốn đóng góp và công sức của họ được ghi nhận và trân trọng;

3.Họ quan tâm đến cơ hội phát triển nghề nghiệp

4. Muốn gắn bó với doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín tốt…

(Giám đốc nhân sự Công ty Kiểm toán Ernst & Young - Phạm Thị Hồng Ánh)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.