Gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp, một năm nhìn lại

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy chế biến hạt giống lúa của Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy chế biến hạt giống lúa của Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình.
TP - Tròn 1 năm kể từ cuộc gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều chuyển biến, nhiều quyết sách và những quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ đã được ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là của doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục tháo gỡ. Chính quyền các cấp liệu đã vào cuộc, quyết tâm thực sự? Bàn tròn của Tiền Phong sẽ mổ xẻ vấn đề này với sự góp mặt của đại diện các DN và chuyên gia kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Ðệ, Chủ tịch HÐQT Tổng Cty Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa: 

 Năm đột phá, tạo tiền đề tốt

Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng DN dịp 30/4 tại Dinh Thống Nhất năm ngoái, với tinh thần “thần tốc” của Thủ tướng, nhiều vấn đề về cải thiện môi trường kinh doanh đã có chuyển biến căn bản. Ðặc biệt, sau cuộc gặp đó, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN ra đời và đi theo đó là rất nhiều sửa đổi về cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đã lan toả và có chuyển biến nhất định xuống nhiều địa phương, tác động đến sự hưng phấn của cộng đồng DN, nhất là tăng niềm tin với DN nhỏ và vừa sau nhiều năm nằm trong tình trạng bí đường thoát. Năm qua, số lượng DN thành lập mới tăng, chỉ số cạnh tranh tích cực, thu ngân sách, cũng như nhiều chính sách an sinh xã hội theo hướng tốt lên… Cả một năm qua, có thể xem là năm đột phá, tiền đề tốt cho thời gian tới.

Gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp, một năm nhìn lại ảnh 1

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, chính quyền chưa “thấm” tinh thần của Chính phủ kiến tạo. Vì thế, vẫn còn nhiều rào cản cho DN. Có những địa phương, bí thư, chủ tịch không buồn gặp DN. Một số sở, ban ngành không chịu chuyển biến, thậm chí nhận thức của một số cơ sở còn tạo ra rào cản mới làm nản lòng DN. Chính họ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong cơ chế thị trường, quan hệ không mang tính vì sự phát triển chung của địa phương.

Trong giai đoạn tới, cộng đồng DN mong muốn, chỉ khi nào cấp uỷ, chính quyền thống nhất cao, thì các sở, ban ngành, tổ chức địa phương đó mới mạnh. Ðặc biệt chính quyền đó phải nắm bắt cơ hội, chủ trương, thấu hiểu với Chính phủ để thay đổi căn bản về nhận thức, chuyển từ cơ chế quản lý, sang cơ chế kiến tạo, phục vụ như chỉ đạo của Thủ tướng, tránh tạo áp ức lực, gây khó dễ, từ đó đẻ ra cơ chế xin – cho.

Chúng tôi cũng kỳ vọng, cần minh bạch trong công tác bổ nhiệm cán bộ, khắc phục nạn chạy chức, chạy quyền, tìm được người có đức, có tài vì sự phát triển chung của xã hội. Làm được điều đó, DN mới thực sự yên tâm, bỏ vốn đầu tư, và phấn đấu để phát triển DN, đóng góp cho sự phát triển địa phương, đất nước.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HÐQT Tổng Cty Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM: 

 Công bằng giữa DN tư nhân với DN FDI và nhà nước

Gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp, một năm nhìn lại ảnh 2

Có nhiều thay đổi tích cực về môi trường kinh doanh sau cuộc gặp của Thủ tướng với cộng đồng DN. Các sở, ban ngành, chính quyền các cấp ở dưới, như ở TPHCM đã đặt sự ưu tiên, hỗ trợ tương đối tốt cho DN, trong đó có các lĩnh vực như thuế, hải quan, TN&MT… vốn lâu nay chịu phản ánh nhiều nhất.

Tuy nhiên, nhiều thủ tục được đơn giản hoá, như thành lập DN rất nhanh, nên chưa kiểm soát được hết số DN ra- vào, DN “ma” hay không. Có thời gian, một số ngành nghề “loạn” DN; cùng một sản phẩm trước đây chỉ khoảng mươi DN, nay nảy sinh cả trăm DN…

Chúng ta chưa có một con số DN cụ thể. Số DN kê khai thuế mới là chính xác, nhất là con số có lãi chưa được công khai. Ðây là giai đoạn các DN làm ăn chân chính cần công khai việc nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội đầy đủ. Quan trọng là DN phải có lãi, nhưng thông tin này hiện nay gần như chung chung.

Nhiều DN có lãi, có đóng thuế chưa được “đặt lên bàn” ưu tiên. Trong khi có những DN hoạt động lâu năm, nhưng đâu có đóng thuế. TPHCM có hơn 200 nghìn DN, nhưng kê khai tại cơ quan thuế chỉ 70-80%.

Tới đây, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ quan tâm nhiều hơn về khối DN tư nhân và tạo công bằng giữa họ với các khối DN nhà nước và FDI. DN nhà nước không cần quá nhiều, chỉ cần một số, nhưng đó là những đầu tàu thực sự, để các DN đi theo làm phụ trợ, hoặc làm những sản phẩm, dịch vụ nhà nước không làm.

Với DN FDI, chúng ta luôn khuyến khích, nhưng cái gì DN Việt Nam đã làm rất tốt, thì không kêu gọi vào đó nữa. Chẳng hạn DN Việt Nam đang hoạt động mức 5 điểm, nhưng DN FDI muốn vào phải 7 điểm trở lên, chúng ta sẽ học được về công nghệ, quản trị. Tuy nhiên, hiện nhiều  DN FDI hoạt động chỉ mức 5 điểm, thậm chí 4 điểm, thấp hơn DN Việt Nam, như vậy, miếng bánh bị xâu xé, đấu đá nhau, không phát triển được.

Ðơn cử, chúng tôi đang làm ngành nhựa, sản xuất 1 triệu chai pet, xài tới 500 lao động. Nếu ông FDI vào cũng sản xuất 1 triệu chai, nhưng chỉ cần 50 lao động, thì nên khuyến khích họ vào, kích thích DN nội. Ðằng này, DN FDI vào dùng tới 700 lao động vì xài công nghệ cũ quá, đặc biệt là DN từ Trung Quốc, khuyến khích như thế thì DN Việt Nam teo dần.

Chưa kể, hiện có một quan điểm về công nghệ với khối FDI là “đưa qua Việt Nam còn hơn vứt ra đống rác”. Một số DN nước ngoài như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan…bây giờ họ không xuất khẩu sản phẩm nữa, mà xuất khẩu nhà máy gián tiếp.

Cái máy xài 20 năm rồi, nay sơn phết, gắn mác vào… mới cứng, sao ta biết hết được. Rồi cũng vào Việt Nam, thuê lao động giá rẻ, lâu lâu không đóng bảo hiểm… rồi họ cũng xù chạy, để lại đống “nhà máy rác”.

Hay về sử dụng lao động, DN FDI chỉ dụng lao động đến 35 tuổi, trong khi DN tư nhân Việt Nam từ 15 đến 80 tuổi vẫn dùng được, nghĩa là chúng ta đóng góp rất nhiều. Như vậy, DN nội tiếp nhận các lao động mà DN FDI xài hết sức trẻ rồi thải ra.

Một xu thế khác, là hiện nhiều nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ðài Loan… họ khuyến khích DN xuất khẩu, từ ống hút đến bông ngoáy tai, cứ xuất được là không có sợ nữa. Ðó là cuộc chơi, cửa ngõ ra thế giới nhiều nhất. Nhưng ở mình, chưa có chính sách đó, cứ nghĩ cái nhỏ thì chỉ bán trong nước, xuất khẩu phải cái gì vĩ đại, hoành tráng nhất…Thực tế, hộ gia đình làm dây giầy thôi, họ cũng xuất khẩu được.

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch HÐQT Cty CP Tập đoàn Hoàng Hà, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ninh:

 Cần giám sát cam kết của chính quyền

Gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp, một năm nhìn lại ảnh 3

Cộng đồng DN rất đồng tình với Chính phủ vì đã có sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn đến cộng đồng DN, nhất là DN tư nhân nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Thực tế, sau cuộc gặp với Thủ tướng năm ngoái với cộng đồng DN, Nghị quyết 35 ra đời và triển khai đến các tỉnh thành. Sau đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký cam kết thực hiện nghị quyết trên và nghị quyết 19 về môi trường đầu tư kinh doanh.

Ở góc độ địa phương, sau khi có Nghị quyết 35, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu, ký cam kết với VCCI. Thường kỳ, mỗi quý, lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho DN. Ngoài ra, kênh cà phê doanh nhân tổ chức vào thứ 7 hàng tuần, do Hiệp hội DN tỉnh tổ chức. Nội dụng nào vướng đến chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, cái gì liên quan đến giám đốc, sở, ngành…đều được hiệp hội gửi câu hỏi, và cùng lãnh đạo tỉnh uống cà phê, giải quyết những vấn đề đó.

Nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn nằm trong top tốt nhất về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ðiều đó, thể hiện sự đồng hành của chính quyền với DN và được DN đánh giá, sự hài lòng cao. Ở Quảng Ninh, điểm thành phần nào của PCI còn thấp, liên quan các vấn đề của sở ngành nào, tỉnh chỉ đạo ngay việc tập trung tháo gỡ, giúp cho người dân, DN.

Hiện Quảng Ninh có khoảng 12.000 DN, phần lớn là DN vừa và nhỏ. DN chỉ muốn một chính quyền thân thiện, tạo điều kiện cho DN phát triển. Ðồng thời, hàng năm  Chính phủ cần đánh giá, tổng kết về chỉ số năng lực cạnh tranh, bám vào nghị quyết 35, xem các địa phương thực thiện, cam kết đến đâu, thực chất không, chứ năm đầu làm rầm rộ, năm sau teo dần thì không ổn. Quan trọng là các tỉnh phải đều quyết liệt vào cuộc như chỉ đạo của Thủ tướng thì môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tốt lên.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

Tạo dựng lòng tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp

Gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp, một năm nhìn lại ảnh 4

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn cả trong nước lẫn thế giới, điều quan trọng nhất của Chính phủ phải tạo dựng lòng tin nơi nhà đầu tư.

Chính phủ đang nỗ lực xây dựng Chính phủ minh bạch, giải trình tốt, phát triển tạo được lợi ích bao trùm; tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng; kiến tạo không chỉ lời nói mà chuyển thành động lực, để hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động.

Trong năm qua điều Chính phủ làm được là những cam kết mạnh mẽ, dù có thể không mới. Với một số công việc cụ thể như hoàn chỉnh khung pháp luật, biết lắng nghe, phản hồi, giải trình với nhà đầu tư, DN, người thân… điều đó thể hiện rõ một Chính phủ hành động. Những điều tra công bố mới đây của các tổ chức trong nước và quốc tế cho thấy, lòng tin vào nền kinh tế đang tăng lên. DN thành lập mới tăng, dù nhiều mong đợi sự thay đổi mạnh mẽ hơn, rõ nét hơn. Sự thực thi trên thực tế giữa người cấp cao nhất và bộ máy phía dưới có gì đó chưa đồng điệu.

Thời điểm này Việt Nam cần cải cách có tính bước ngoặt, đột phá hơn, cải cách mang tính dài hơi hơn. Vấn đề rất lớn nữa là làm sao xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật, gây bức xúc xã hội. Gắn với đó là tái cấu trúc, cải cách để nền kinh tế nhiều hơn để xây dựng lòng tin vào triển vọng phát triển, để người dân bỏ tiền ra đầu tư, đưa kinh tế khởi sắc, để nền kinh tế vận hành trơn tru, hiệu quả hơn. Những điều này điều không đơn giản.

TS Trần Ðình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Cần xây dựng lực lượng doanh nghiệp trụ cột

Gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp, một năm nhìn lại ảnh 5

Một năm qua nhìn lại, Chính phủ phải chịu nhiều áp lực như ngân sách khó khăn, nợ xấu cao, tăng trưởng chưa bền vững, tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt như kỳ vọng… Nhưng những áp lực đó cũng giúp chúng ta nhận diện rõ vai trò quan trọng của DN, vị trí quan trọng của DN tư nhân cũng không thể phủ nhận được.  Ðồng thời, không thể tiếp tục tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, gia công cho thế giới, cần phải đi vào năng suất, chất lượng.

Năm qua Chính phủ đã đưa ra tuyên bố mạnh về một Chính phủ kiến tạo và DN là lực lượng chủ chốt để phát triển, tạo ra giàu có. Tư duy phát triển cũng thay đổi, như nhận diện rõ ràng ngành du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp công nghệ cao là lợi thế và đã có những bước đi để hiện thực hóa điều đó. Gắn liền với đó là khởi nghiệp sáng tạo, cách mạng công nghiệp 4.0. Hay xử lý vụ quán cà phê Xin chào, thể hiện quan điểm lợi ích của DN được đặt lên hàng đầu và được bảo vệ, không phải quyền lực trong tay người thi hành luật pháp. Hay Ðiều 292 của Bộ Luật Hình sự 2015 về tội cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không có giấy phép, lập tức Chính phủ có kiến nghị với Quốc hội sửa đổi điều luật này. Ðó là phản ứng rất nhanh, thể hiện Chính phủ vì DN.

Dù vậy, cách đặt một số vấn đề chưa rõ ràng, như lập nhiều DN là tốt nhưng chưa đủ, quan trọng phải tạo ra lực lượng DN và những DN phải liên kết với nhau. Còn ở ta DN vẫn rời rạc, DN đã bé, lập mới nhiều nhưng chết cũng vô số. Ðiều đó rất tai hại, lãng phí lớn. Muốn DN liên kết được phải có lực lượng trụ cột, các tập đoàn lớn, và phải lấy tập đoàn tư nhân làm trụ cột, trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, công bằng, có tầng lớp. Chúng ta có mấy chục năm lấy DN nhà nước làm trụ cột nhưng không thành công, không làm được.

Những điều làm được đó không phải ít, trong bối cảnh khó khăn hiện nay cũng không nên kỳ vọng gì đó về sự thay đổi đột biến - dù đang có tâm lý chờ đợi điều đó. Còn những vấn đề mất cân đối cần thời gian giải quyết. Hy vọng thời gian tới tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng Chính phủ kiến tạo quyết liệt và thực chất hơn.

Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng DN dịp 30/4 tại Dinh Thống Nhất năm ngoái, với tinh thần “thần tốc” của Thủ tướng, nhiều vấn đề về cải thiện môi trường kinh doanh đã có chuyển biến căn bản. Đặc biệt, sau cuộc gặp đó, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN ra đời và đi theo đó là rất nhiều sửa đổi về cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Ðệ, Chủ tịch HÐQT Tổng Cty Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa

Cách đặt một số vấn đề chưa rõ ràng, như lập nhiều DN là tốt nhưng chưa đủ, quan trọng phải tạo ra lực lượng DN và những DN phải liên kết với nhau. Còn ở ta DN vẫn rời rạc, DN đã bé, lập mới nhiều nhưng chết cũng vô số điều đó rất tai hại, lãng phí lớn. Muốn DN liên kết được phải có lực lượng trụ cột, các tập đoàn lớn, và phải lấy tập đoàn tư nhân làm trụ cột, trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, công bằng, có tầng lớp. Chúng ta có mấy chục năm lấy DN nhà nước làm trụ cột nhưng không thành công, không làm được.

TS Trần Ðình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).