Gỡ nút thắt cho nông nghiệp có thương hiệu

Đồng ruộng manh mún nông hộ đang là nút thắt lớn nhất đi lên nông nghiệp có thương hiệu. Ảnh: Sáu Nghệ.
Đồng ruộng manh mún nông hộ đang là nút thắt lớn nhất đi lên nông nghiệp có thương hiệu. Ảnh: Sáu Nghệ.
TP - Trước ngày Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung ra Hà Nội dự Đại hội Đảng lần thứ XII, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông về những kỳ vọng ở nhiệm kỳ mới.

Thương hiệu vướng manh mún

Thưa ông, Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2015-2020 có đặt mục tiêu chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nào?

Tập trung vào nông sản và thủy sản, những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Nhưng đến nay chưa thực sự có vị trí tương xứng trên thương trường. 

Mấy chục năm qua, Cần Thơ cũng luôn có chủ trương phát triển lợi thế cạnh tranh. Qua đó, nhiều doanh nghiệp còn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động nhưng nay nhìn lại thấy hầu hết mờ nhạt, thậm chí đã biến mất?

Thời cơ chế bao cấp xây dựng doanh nghiệp chủ yếu dựa vào sự độc quyền, khi chuyển qua cơ chế thị trường nếu không chuyển đổi kịp thời cho phù hợp là gặp khó khăn, phá sản. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chuyển đổi nhanh, biết ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quản trị, đặc biệt đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng thì vẫn tồn tại và phát triển.

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, sản phẩm vươn ra thị trường toàn quốc, khu vực và thế giới còn mờ nhạt. Trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu, khoảng 70% phải qua doanh nghiệp nước ngoài, đóng bao bì nước ngoài. Thủy sản cũng có tình trạng tương tự. Về xây dựng thương hiệu, trước tiên phải có sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận; sau đó là quá trình cung cấp ổn định, đảm bảo chất lượng để có thị phần thì sản phẩm mới có thương hiệu, và giữ được thị phần. 

Chứ sản xuất nay thế này, mai thế khác thì không có thương hiệu. Hiện, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đang liên kết với nông dân thực hiện cánh đồng lớn để chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm là những bước đi đúng hướng để xây dựng thương hiệu.

Nhưng số liệu của ngành nông nghiệp, tổng diện tích cánh đồng lớn cho đến nay mới đạt khoảng 7% tổng diện tích canh tác, như thế con đường xây dựng thương hiệu lúa gạo còn rất xa xôi?

Nút thắt lớn nhất là diện tích canh tác của nông hộ manh mún nên rất khó phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Bình quân, muốn có cánh đồng rộng khoảng 500 ha phải làm việc với 400-500 nông hộ, tức là 400-500 ông chủ. Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nguồn nguyên liệu, chúng tôi có chủ trương chỉ đạo chính quyền cơ sở khuyến khích các nông hộ hợp tác với nhau, cử đại diện làm việc với doanh nghiệp. Như thế, vừa phát triển kinh tế hợp tác vừa đỡ tốn chi phí cho doanh nghiệp. 

Đang có ba hình thức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, đó là doanh nghiệp chỉ bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Hình thức thứ ba tốt nhất, thu mua sản phẩm đạt tới 90%; còn hình thức đầu hay xảy ra tình trạng “bẻ kèo”. Tuy nhiên, hình thức nào cũng không khắc phục hết được những hạn chế của tình trạng manh mún đất đai, tư duy tiểu nông trong sản xuất.

Gỡ nút thắt cho nông nghiệp có thương hiệu ảnh 1

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung.

Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển

Cuối năm 2011, Thành ủy Cần Thơ trong báo cáo tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, có kiến nghị: “Nhà nước công nhận cho quyền sở hữu đất đai để người dân sử dụng đất được quyền định đoạt tài sản của mình” và “không giới hạn mức đất sử dụng để người dân có điều kiện thành lập nông trang, nông trại và đầu tư mang tính nông nghiệp công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế cho đất nước”, kết quả thế nào?

Chúng tôi tiếp tục kiến nghị, mong muốn sửa đổi những điều chưa hợp lý, gỡ nút thắt đất đai cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Cần những chính sách cởi mở hơn nữa cho vùng nông nghiệp ĐBSCL. Ngay cả Cần Thơ, thành phố trung tâm động lực của vùng, nhưng theo các quy định hiện hành thì điều kiện hỗ trợ không bằng một tỉnh, trong lúc chính sách đặc thù cho thành phố trực thuộc Trung ương lại chưa được như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM nên hạn chế khả năng phát triển.

Qua thực tiễn, ông đang kỳ vọng gì ở Đại hội Đảng lần thứ 12?

Kỳ vọng Đại hội sẽ tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; thông qua các giải pháp khai thác đúng mức tiềm năng kinh tế vùng ĐBSCL. Nhà nước sẽ có các chủ trương chính sách đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu. 

Đặc biệt, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động nắm bắt thị trường, đặc biệt là biết liên kết, gắn kết chặt chẽ chiến lược đầu tư, kinh doanh mang thương hiệu Việt Nam để cùng tồn tại và phát triển bền vững.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG