'Gói 50.000 tỷ' chủ yếu giải ngân bằng vật liệu xây dựng

Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng thực chất là chương trình cho vay theo lãi suất thị trường, giải ngân bằng vật liệu xây dựng. Các bên có thể giám sát vật liệu xây dựng và tiền (chỉ bơm ra hạn chế) được giải ngân đến đâu dưới sự cầm trịch của ngân hàng.

Cuối tháng 3, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay trong lĩnh vực xây dựng thông qua chuỗi liên kết: ngân hàng, nhà cung ứng vật liệu xây dựng, nhà thầu, chủ đầu tư. Trong mô hình này, VNCB đứng ra làm ngân hàng cung cấp nguồn vốn cho các đơn vị trong ngành xây dựng - vật liệu xây dựng - bất động sản nhằm giúp các đơn vị này vượt khó. Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng đã có VNCB, BIDV, Agribank, VCB, Vietinbank cam kết tham gia.

'Gói 50.000 tỷ' chủ yếu giải ngân bằng vật liệu xây dựng ảnh 1

Các dự án bị đình trệ có thể tiếp cận VNCB để được vay hoàn thiện công trình với lãi suất thị trường . Ảnh: VnExpress

Tổng giám đốc VNCB, Phan Thành Mai giải thích cách thực hiện: 4 nhà gồm ngân hàng - nhà sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng - nhà thầu - chủ đầu tư cùng đứng tên trong một hợp đồng tín dụng. Các bên có thể giám sát vật liệu xây dựng và tiền (chỉ bơm ra hạn chế) được giải ngân đến đâu dưới sự cầm trịch của ngân hàng. Chương trình ưu tiên giải ngân bằng vật liệu xây dựng, hạn chế giải ngân tiền. 50.000 tỷ đồng này có sự hậu thuẫn của sàn vật liệu xây dựng quy mô lớn, có thể đáp ứng những đơn đặt hàng cho công trình lớn với chiết khấu cao hơn mua lẻ từng doanh nghiệp.

Ông Mai cho biết thêm, cơ chế cho vay 4 nhà chấp nhận giúp doanh nghiệp khoanh nợ cũ. Ngân hàng sẵn sàng cho vay mới theo kiểu đối ứng bằng sản phẩm đầu ra, xây đến đâu giải ngân vật liệu xây dựng đến đó. Cơ chế này có thể giúp các công trình, dự án dở dang tiếp tục thi công để hoàn thiện, đưa sản phẩm ra thị trường, giảm thiểu nợ xấu.

Trao đổi với VnExpress.net, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Đại học Mở TP HCM, Nguyễn Văn Thuận nhận xét: "Thực chất 50.000 tỷ đồng không phải là gói hỗ trợ hay giải cứu thị trường bất động sản. Cần tách bạch giữa sản phẩm tín dụng và gói cứu trợ được Chính phủ triển khai".

Theo ông Thuận, thị trường bất động sản từng đón nhận một số gói hỗ trợ từ Chính phủ. Năm 2009 có gói hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp, năm 2013 có gói 30.000 tỷ đồng dành cho đối tượng mua nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ lãi suất dưới 6%. Các gói hỗ trợ này thường áp dụng lãi suất thấp hơn thị trường, giúp cho các đối tượng đang gặp khó khăn có thể tiếp cận dòng vốn rẻ. "So với các gói tài khóa này, 50.000 tỷ đồng chỉ bơm vốn mà không ưu đãi, chỉ kinh doanh kiếm lời mà không cứu trợ", ông Thuận nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng 50.000 tỷ đồng với cơ chế chấp nhận khoanh nợ cũ, cho vay mới là một điểm sáng. Cách làm này có thể mở một cánh cửa thoát hiểm cho các dự án đang bế tắc vì nợ xấu, giúp các công trình dở dang có cơ hội hoàn thiện sản phẩm đưa ra thị trường.

"Về lý thuyết, 50.000 tỷ đồng là sản phẩm tín dụng tích cực nhưng kết quả phụ thuộc vào cách thức triển khai và sự chấp nhận của thị trường. Không ai có thể nói trước được hiệu quả đến đâu", ông Thuận cho hay.

Trong khi đó, giám đốc một công ty xây dựng có thâm niên 20 năm tại thị trường TP HCM đánh giá, 50.000 tỷ đồng cho vay liên kết 4 nhà không phải là mô hình mới. Một số ngân hàng đã từng thử nghiệm mô hình này nhưng hiệu quả không như mong đợi.

Theo chuyên gia này, đối với các công trình đang chết đuối, cho vay với lãi suất thị trường không phải là cứu chủ đầu tư mà càng đẩy họ lún sâu vào mớ bòng bong nợ xấu. Cứu bất động sản lúc này cần 2 điều kiện. Một là mua hết nợ xấu với mức giá thỏa thuận. Hai là cho vay lãi suất thấp để dự án hoàn thiện và tiêu thụ số hàng hóa này trong ngắn hạn. "50.000 tỷ đồng không đáp ứng được cả 2 điều kiện này nên cơ hội thành công vẫn còn bỏ ngỏ" ông nhấn mạnh.

Theo Vũ Lê

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG